17/11/2020 08:23 GMT+7

Chính quyền đô thị: người dân được lợi gì?

LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG  - THẢO LÊ
LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG - THẢO LÊ

TTO - Hôm qua 16-11, với đa số đại biểu ấn nút tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, cho phép TP.HCM tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ 1-7-2021, với rất nhiều thay đổi so với hiện tại.

Chính quyền đô thị: người dân được lợi gì? - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ có thành phố trong thành phố. Trong ảnh: thành phố Thủ Đức tương lai trực thuộc TP.HCM nhìn từ trên cao - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo quyết định của Quốc hội, chính quyền TP.HCM sẽ không còn HĐND cấp quận, phường và sẽ có thành phố trong thành phố.

Cú hích cho TP.HCM phát triển vì cả nước, cùng cả nước

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - bày tỏ việc Quốc hội thông qua nghị quyết về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM là sự động viên rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và người dân TP.HCM. Đây là cú hích cho TP.HCM thực hiện một chính quyền gắn kết một loạt nghị quyết thể hiện TP.HCM là đầu tàu kinh tế lớn và luôn phát triển vì cả nước, cùng cả nước.

Theo ông Khuê, việc không tổ chức HĐND quận, phường thì quyền đại diện của cử tri sẽ được mở rộng thông qua các kênh đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND TP, các tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc... Như vậy quyền đại diện của cử tri được nâng lên một mức cao, tạo điều kiện để chính quyền vận hành thể hiện sự công bộc, lấy hiệu quả cuộc sống, an lành, ấm no của người dân là thước đo hiệu quả bộ máy cấp cơ sở.

Việc giám sát của người dân thông qua các kênh mở rộng xuất phát từ đòi hỏi, yêu cầu của cử tri buộc cán bộ, công chức phải thực hiện trách nhiệm xây dựng chính quyền vững mạnh, bảo đảm cuộc sống yên bình của người dân. Bên cạnh đó đảm bảo tiết kiệm ngân sách có đủ điều kiện thêm lực cho chương trình đầu tư phát triển, chính sách dân sinh.

Ông Khuê khẳng định với quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, ngay sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết, các cơ quan hữu quan của TP.HCM sẽ khẩn trương tiếp tục thực hiện các bước chuẩn bị để các nội dung của nghị quyết đi vào đời sống.

Như vậy, sau khi ban hành các nghị quyết cho phép Hà Nội và Đà Nẵng thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, lần này Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép TP.HCM tổ chức chính quyền đô thị không qua thí điểm. Điều này sẽ tạo tiền đề để tổ chức mô hình chính quyền đô thị ổn định, tránh xáo trộn, đảm bảo tâm lý tốt cho đội ngũ cán bộ trong bộ máy cũng như tâm lý đối với người dân TP.HCM.

Chính quyền đô thị: người dân được lợi gì? - Ảnh 2.

Các tổ trưởng tổ dân phố trong lần lập danh sách cử tri để lấy ý kiến đóng góp về việc sáp nhập 3 phường ở quận 3, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Không còn HĐND quận, phường: lấy ý kiến dân ra sao?

Ông Cao Thanh Bình - phó trưởng Ban kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM - chia sẻ ông rất vui khi Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Theo ông Bình, khi thực hiện mô hình này, với việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường, vấn đề đặt ra là làm sao vai trò giám sát, phản biện của cơ quan dân cử vẫn đảm bảo thực thi, việc phát huy dân chủ không bị đứt khúc, gián đoạn.

"Tôi cho rằng người dân TP.HCM băn khoăn là có cơ sở, nhưng cũng không nên quá lo lắng, bởi khi triển khai đề án, vai trò của HĐND TP sẽ phải rõ nét hơn, trách nhiệm của các ban, các tổ đại biểu tại địa bàn ứng cử sẽ phải cụ thể hơn. Theo đó, từng tổ đại biểu, ngoài tiếp xúc cử tri thường kỳ theo từng đợt như hiện nay, sẽ có thêm nhiều hình thức khác để gắn kết với người dân nơi ứng cử như tổ chức lắng nghe gặp gỡ cử tri hằng tuần, tiếp xúc cử tri theo ngành, theo giới, đến tận phường, xã, tổ dân phố, đặc biệt là những nơi không còn HĐND" - ông Bình nói.

Ông Bình hi vọng từng đại biểu HĐND TP.HCM cũng cần xây dựng kênh để tiếp nhận thông tin, ý kiến, phản ảnh của người dân... để phản biện, tranh luận trên nghị trường, góp phần quyết định các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến người dân.

Cũng theo ông Bình, dù không còn HĐND cấp quận, phường nhưng thay vào đó, có nhiều thiết chế giám sát khác để người dân lựa chọn. Quy định đã có, giải pháp đã có, quan trọng là tổ chức thực hiện nghiêm túc sẽ thu được hiệu quả cao nhất.

Trong khi đó, bà Lưu Thị Á (56 tuổi, quận Tân Bình) chia sẻ khi Quốc hội thông qua nghị quyết chính quyền đô thị, bà rất phấn khởi. "Qua báo chí, chúng ta thấy được việc tổ chức chính quyền đô thị sẽ giúp tinh gọn bộ máy, tiết kiệm nguồn ngân sách. Chính quyền đô thị cũng giúp thành phố thuận lợi hơn trong phát triển, giúp thành phố thể hiện được vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước" - bà Á nói.

Tuy nhiên, theo bà Á, khi TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị cần đảm bảo việc phục vụ nhân dân có hiệu quả. TP.HCM cần nâng cao việc áp dụng CNTT vào quản lý để dù có giảm cán bộ vẫn phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Chính quyền đô thị sẽ tạo điều kiện TP.HCM thuận lợi phát triển nhưng để hiệu quả thì phải lấy dân làm gốc.

Bà Á đề nghị khi TP.HCM không tổ chức HĐND cấp quận, phường thì chính quyền cần tạo điều kiện cho các đoàn thể chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc TP.HCM phát huy vai trò tiếp thu kiến nghị nhân dân; tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại phản biện với nhân dân...

Cơ cấu lại tổ chức, bộ máy

Tuổi Trẻ đặt câu hỏi rằng khi thực hiện nghị quyết này, TP.HCM sẽ phải cơ cấu lại tổ chức, bộ máy, có thể ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ hiện nay, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng công tác tổ chức, kiện toàn bộ máy đáp ứng với mô hình mới là vấn đề rất quan trọng. Nhưng với sự thống nhất về quan điểm, hành động và chuẩn bị bài bản, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên nói chung và những cán bộ, đảng viên thuộc diện phải thay đổi vị trí.

Ông Nguyễn Công Bình (ngụ P.12, Q.10, TP.HCM):

Nghe dân thì dễ, xử lý hiệu quả việc dân mới khó

mh_nguyencongbinh 1(read-only)

Tôi từng tham gia nhiều tổ chức đoàn thể ở cơ sở, có thời gian là đại biểu HĐND phường nên thấy khá băn khoăn khi tới đây không còn tổ chức HĐND cấp phường, quận, đồng nghĩa với việc người dân mất đi một kênh để nêu ý kiến. Nhiều lúc, nhiều nơi, người dân không dễ để gặp được cán bộ, ý kiến của dân không phải lúc nào cũng được quan tâm lắng nghe, xử lý.

Khi không còn HĐND cấp quận, phường, nhiều ý kiến cho rằng sẽ tăng cường vai trò của HĐND TP, cơ quan MTTQ và các đoàn thể, cũng như phát huy vai trò giám sát của người dân... Tất cả chủ trương đó là đúng, nhưng khi thực hiện phải thực chất, đừng rơi vào hình thức.

Chẳng hạn như nói phát huy vai trò giám sát của dân thì phải có cơ chế nào để tiếp nhận thụ lý, xử lý các phản ảnh của dân, công khai cho dân biết. Thật sự lắng nghe để giải quyết thấu đáo mới khó, còn lắng nghe kiểu hình thức, nghe xong rồi để đó thì người dân không được lợi gì cả.

Khi triển khai mô hình chính quyền đô thị, lãnh đạo TP.HCM phải thật quyết tâm, cán bộ phải làm thực chất. Với người dân, mô hình thế nào không quan trọng, cái chính là mô hình ấy có hiệu quả hay không, có giúp mọi việc "chạy" tốt, thủ tục hành chính nhanh gọn, việc dân giải quyết rốt ráo hay không.

Tăng đại biểu chuyên trách cho TP.HCM khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị Tăng đại biểu chuyên trách cho TP.HCM khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị

TTO - Hầu hết đại biểu Quốc hội phát biểu đồng tình với tờ trình của Chính phủ về việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và đóng góp thêm nhiều giải pháp để việc tổ chức thực hiện hiệu quả hơn.

LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG - THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên