Phóng to |
Khu vực công viên Lê Thị Riêng trên đường Cách Mạng Tháng Tám là nơi giáp ranh giữa Q.10 và Q.3 nên thường gặp khó khăn trong quản lý trật tự đô thị -Ảnh: T.T.D. |
Trong khi đó giải pháp xây dựng chính quyền đô thị đã khởi sự từ tám năm nay nhưng vẫn dừng lại ở những đề xuất hay các cuộc thảo luận...
Khi trách nhiệm chia cắt theo giới hạn hành chính
"Việc xác định trách nhiệm không rõ ràng, giao quyền không cụ thể... chính là công sự rất kiên cố cho những người thiếu trách nhiệm trốn tránh" Ông Châu Minh Tỷ(nguyên giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM) |
Chúng tôi tìm gặp người đầu tiên làm trưởng Ban chuẩn bị đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM, nay đã nghỉ hưu, đó là ông Châu Minh Tỷ (nguyên giám đốc Sở Nội vụ TP). Ông Tỷ cho biết ấp ủ về một chính quyền đô thị bắt đầu từ bước chuẩn bị đầu tiên (năm 2005), đến khi Thủ tướng đồng ý cho phép TP được triển khai thực hiện chủ trương xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị (tháng 7-2006). Qua nhiều phiên thảo luận, đề án được tiếp tục hoàn chỉnh, rồi trình Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 14-9-2007...
Ông Tỷ cho rằng với một đô thị đông đúc và tầm mức phát triển kinh tế như TP.HCM, việc xây dựng, quản lý hạ tầng đồng bộ (thoát nước, kết nối giao thông...) là điều hết sức quan trọng, nhưng nhiều năm nay việc này đã bị chia cắt bởi các giới hạn hành chính.
Nhìn về con đường Nguyễn Thượng Hiền nối hai quận Gò Vấp và Bình Thạnh, ông Tỷ nói đoạn đi qua Gò Vấp làm khá to, còn đoạn đi qua Bình Thạnh lại hẹp, rồi nhận định: “Có lẽ quận Bình Thạnh chưa bức xúc, nên bao năm nay con đường vẫn vậy”. Ông đưa thêm ví dụ: “Đường Hai Bà Trưng một bên do quận 1 quản lý, bên còn lại thuộc trách nhiệm của quận 3. Khi xảy ra tai nạn giao thông, phải xem chiếc xe nằm ở phần đường nào mới biết báo cho ai xử lý...”.
Những điều bất cập kể trên cho thấy việc phân định trách nhiệm theo giới hạn quản lý hành chính đã lộ rõ sự không đồng bộ trong quản lý đô thị so với yêu cầu cần có sự thống nhất, đồng bộ cao hơn. Điều đó còn cho thấy có một thực tiễn so le giữa những yêu cầu tổ chức bộ máy quản lý, phục vụ dân ở đô thị và khung pháp lý đánh đồng, áp dụng chung trong việc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước cả ở đô thị lẫn nông thôn...
Thành phố trong thành phố, tại sao không?
Ngay sau khi Bộ Chính trị có ý kiến, đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM được trình Chính phủ vào tháng 11-2007. Chính phủ ra nghị quyết số 12, trong đó có yêu cầu tiếp tục hoàn chỉnh đề án, đồng thời các cơ quan chức năng rà soát, báo cáo Chính phủ những nội dung cần phân cấp cho TP.HCM và TP Hà Nội.
Tuy nhiên, UBND TP.HCM cho biết so với Hiến pháp năm 1992, các đề xuất tại đề án năm 2007 của TP.HCM chưa có cơ sở hiến định và luật định, nên chưa được thực hiện thí điểm toàn bộ. Do vậy, trung ương chấp thuận cho TP.HCM mở rộng thẩm quyền, phân cấp trên một số lĩnh vực. TP.HCM là một trong 10 tỉnh thành thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện và phường; thí điểm bí thư kiêm chủ tịch UBND phường, xã, quận, huyện; tăng thêm chức danh phó chủ tịch UBND ở một số quận, huyện, phường, xã, thị trấn có quy mô dân số đông. Ngoài ra, TP được thành lập công ty đầu tư tài chính, tổ chức thí điểm thừa phát lại...
Một số cơ chế, chính sách nói trên đã phát huy được các nguồn lực, mang lại những kết quả nhất định..., nhưng UBND TP nhìn nhận đây chưa phải là những giải pháp căn cơ nên cần tiếp tục đổi mới toàn diện cơ cấu tổ chức, bộ máy chính quyền đô thị tương ứng với tính chất và quy mô của nó.
Nhiều năm nay TP.HCM đã kiên trì kiến nghị thực hiện tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình chuỗi đô thị, “đô thị trong đô thị”. Gần đây, hướng đề xuất này đã được Bộ Nội vụ đồng thuận, tiếp thu đưa vào đề án chính quyền đô thị để đáp ứng các đặc thù riêng và quy mô quá lớn của TP.HCM và TP Hà Nội. Theo đó, tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo hướng mỗi TP không phải là một đô thị riêng lẻ mà là một chùm đô thị, toàn bộ TP trực thuộc trung ương là một đô thị lớn, bao gồm các đô thị nhỏ cấp dưới được gọi là các TP vệ tinh trực thuộc.
Theo UBND TP.HCM, chính quyền của 13 quận nội thành cũ chịu trách nhiệm quản lý 6,7% diện tích nhưng quy mô dân số chiếm đến 62%. Trong khi đó, chính quyền của khu vực đang đô thị hóa và khu vực nông thôn (sáu quận mới và năm huyện) lại chỉ quản lý 38% dân số ở khu vực chiếm đến 93,3% diện tích. Đây là một trong những thực tiễn cấp bách, đòi hỏi tổ chức chính quyền đô thị phải đổi mới, đột phá so với mô hình tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hiện nay. Ông Châu Minh Tỷ đặt vấn đề tại sao không thể có TP trực thuộc TP? Ông Tỷ cũng kiến nghị trước mắt Hiến pháp cần ghi rõ phải có Luật đô thị để giải quyết những vấn đề đặt ra cho riêng đô thị.
Nhiều đô thị trong một đô thị lớn Cách giải quyết những bất cập của TP.HCM như nhiều lần TP đề xuất là bộ máy chính quyền đô thị của TP có thể được tổ chức thành hai cấp chính quyền hoàn chỉnh (có cả HĐND và UBND cùng cấp). Cụ thể: cấp TP.HCM và bốn TP vệ tinh (Đông, Tây, Nam, Bắc) trực thuộc TP.HCM, có nhiều đô thị trong một đô thị lớn. Đồng thời chuyển chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số sở, ngành cho bốn TP vệ tinh và các quận... Cách tổ chức này có thể tinh gọn được các đầu mối quản lý nhà nước, còn bảy đầu mối (bốn TP và ba huyện) so với hiện nay. Đồng thời UBND TP đề xuất đổi mới tổ chức các sở chuyên ngành theo hướng giao trách nhiệm toàn diện và xuyên suốt về lĩnh vực thuộc thẩm quyền để tránh tình trạng chồng chéo, chia cắt trong quản lý. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận