Vật dụng gồm khiên, gậy, dao thu được trong vụ đụng độ giữa bảo vệ Công ty Long Sơn với người dân xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu - phó giám đốc Công ty TNHH thương mại Long Sơn (Công ty Long Sơn) - để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản, phá rừng.
Việc khởi tố, bắt tạm giam ông Sửu có liên quan đến vụ Công ty Long Sơn tự ý cưỡng chế đất của người dân, dẫn đến vụ nổ súng xảy ra tại Tuy Đức (Đắk Nông) ngày 23-10 làm 3 người chết và 16 người bị thương.
Quyết định trên của cơ quan tố tụng được xem là đúng đắn và được dư luận hầu hết đều đồng tình. Vì sao lại như vậy? Bởi lẽ ông Sửu và Công ty Long Sơn đã đứng trên luật pháp, tự ý “cướp đất” của người khác bằng việc huy động một lực lượng hùng hậu vào ủi phá vườn tược của dân.
Cướp đi thành quả lao động mà họ đã cực khổ khai phá, vun bồi từ khi nơi này còn là vùng rừng thiêng nước độc.
Nhưng dư luận cũng đặt ra câu hỏi: Ai đã chống lưng cho Công ty Long Sơn ngang nhiên đem máy móc, huy động lực lượng vào phá hủy tài sản của người dân trong một thời gian dài như vậy? Ai đã im lặng và che giấu những tố cáo của dân? Có hay không chuyện chính quyền địa phương phớt lờ, im lặng trước việc làm sai trái của Công ty Long Sơn?
Người dân không khỏi nghi ngờ và đòi xem xét trách nhiệm của chính quyền các cấp ở địa phương khi họ biết rằng chuyện tranh chấp này đã kéo dài ngày này qua tháng nọ, người dân đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi nhưng chính quyền không hay biết.
Hoặc có hay, có biết nhưng không giải quyết từ khi mới manh nha, mà lại để tồn tại kéo dài dẫn đến bức xúc lớn trong nhân dân.
Đành rằng để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng khi có nhiều người chết và bị thương như thế một phần do lỗi của người dân khi họ chọn cách giải quyết bằng bạo lực, song trách nhiệm trước hết phải thuộc về các cấp chính quyền xã, phường, huyện và cả cấp tỉnh.
Vụ việc tranh chấp kéo dài, dân đã kêu nhiều lần, nhiều cửa nhưng lời kêu cứu của họ như rơi vào thinh không.
Rồi đây những nông dân sẽ phải trả giá cho hành vi manh động của mình. Tuy nhiên, người ta cũng tự hỏi nếu không có chuyện đau lòng này xảy ra thì liệu vụ việc có được phơi bày trước ánh sáng pháp luật hay không, khi biết rằng Công ty Long Sơn được giao đất từ năm 2008 và suốt từ đó đến nay đã nhiều lần xảy ra tranh chấp, o ép dân dẫn đến va chạm, xung đột nhưng không được giải quyết rốt ráo.
Giá như chính quyền sớm giải quyết ngay từ đầu, khi mới xảy ra tranh chấp nhỏ, không dung túng cho doanh nghiệp làm càn, không để “cái sảy nảy cái ung” thì đâu đến nỗi xảy ra xung đột chết người như thế.
Câu chuyện này không chỉ là bài học trong công tác quản lý nhà nước đối với một lĩnh vực khá phức tạp như đất đai, mà còn lộ ra nhiều điều đáng suy ngẫm về trách nhiệm quản lý nhà nước, quản lý địa bàn của các cấp chính quyền. Bởi để xảy ra một sự việc nghiêm trọng khiến người thì chết, người tù tội như thế thì không thể nói các cấp chính quyền ở Đắk Nông vô can.
Trách nhiệm để xảy ra những hậu quả trên phải được làm rõ, chứ không chỉ dừng lại ở việc khởi tố, xử lý những người như ông Hiến (người đã dùng súng tự chế bắn vào nhóm công nhân), ông Sửu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận