13/03/2018 12:48 GMT+7

Chính quyền Bắc Kinh giảm bớt 8 bộ ngành cho hiệu quả hơn

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Một mặt lược bỏ hoặc sáp nhập các bộ và ủy ban, lại có hai bộ mới được thành lập rất đáng chú ý là Bộ Cựu chiến binh và Bộ Quản lý các tình trạng khẩn cấp.

Chính quyền Bắc Kinh giảm bớt 8 bộ ngành cho hiệu quả hơn - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) nói chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong phiên thứ 4, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 13 ngày 13-3 tại Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS

Theo đề xuất được Chính phủ Trung Quốc trình lên vào đầu ngày hôm nay (13-3), cơ quan hành pháp Trung Quốc sẽ có bộ mặt mới gồm 26 bộ và các ủy ban, giảm 8 bộ và ủy ban so với trước đó. Cũng theo Nhân dân Nhật báo, sẽ có 7 cơ quan dưới bộ bị bãi bỏ.

Quốc gia càng phát triển càng ít bộ ngành

Đây được xem là sự thay đổi lớn nhất ở chính quyền trung ương trong lịch sử Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Lần cải tổ gần đây nhất là vào năm 1998 khi Thủ tướng lúc đó là ông Chu Dung Cơ quyết định bãi bỏ hoặc sáp nhập 15 bộ và các ủy ban trực thuộc chính phủ.

Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, trước khi đề xuất này được trình lên đã có nhiều đồn đoán xung quanh nó. 

Đến thời điểm hiện tại đã cho thấy những suy đoán này là không có cơ sở. Chẳng hạn sẽ có những thay đổi đáng kể tới Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau hoặc sự xuất hiện của Bộ Năng lượng, thay cho Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc.

Báo SCMP dẫn một số nguồn tin cho biết quyền lực của Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia - vốn được xem như "tiểu chính phủ" của Trung Quốc, sẽ bị cắt giảm đáng kể qua lần cải cách này.

Mục đích của việc tinh gọn bộ máy hành chính là nhằm tránh việc giẫm chân lẫn nhau. Chẳng hạn, Bộ Quản lý các tình trạng khẩn cấp sẽ là đầu mối chỉ huy công tác cứu hộ trong các thảm họa thiên nhiên và nhân tạo, từ động đất tới cháy rừng. 

Trước khi bộ này ra đời, mọi việc khá rối rắm thậm chí xảy ra sự cố thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau giữa các bộ.

Lấy ví dụ như cháy rừng sẽ thuộc trách nhiệm của Cục Lâm nghiệp nhà nước, còn cháy trên các đồng cỏ sẽ bị đẩy sang Bộ Nông nghiệp.

Ông Cheng Enfu - nhà nghiên cứu thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc, bình luận rằng kế hoạch cải tổ cho thấy quyết tâm xây dựng bộ máy hoạt động hiệu quả chính quyền Bắc Kinh.

"Các quốc gia phát triển chỉ cần dưới 20 hoặc cỡ đó các bộ ngành để điều hành đất nước", báo SCMP dẫn lời ông Cheng, người cũng là đại biểu quốc hội Trung Quốc. 

Theo quy trình, đề xuất cơ cấu lại chính phủ cần được Quốc hội Trung Quốc khóa 13 gồm 2.980 đại biểu thông qua trong kỳ họp lần này.

Làm sâu sắc hơn nữa việc cải tổ các cơ chế trong Đảng và Nhà nước là yêu cầu tất yếu để tăng cường hơn nữa vai trò quản lý của Đảng trong dài hạn.

Cố vấn kinh tế cấp cao Trung Quốc Lưu Hạc viết trên Nhân dân Nhật báo ngày 13-3

Xoa dịu chỉ trích

Sự xuất hiện của Bộ Cựu chiến binh được xem là động thái đáng chú ý hơn cả, được coi là nỗ lực chăm lo tốt hơn cho những người đã từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc.

Trách nhiệm trước đây được phân chia ra rất nhiều bộ gồm Bộ Dân chính, Bộ Tài nguyên nhân lực và an sinh xã hội cũng như Quân ủy Trung ương do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng đầu.

Chính quyền Bắc Kinh giảm bớt 8 bộ ngành cho hiệu quả hơn - Ảnh 3.

Hàng ngàn cựu binh Trung Quốc từng biểu tình bên ngoài tổng hành dinh của quân đội Trung Quốc vào tháng 10-2016. Vài tháng sau đó, 500 cựu binh khác tiếp tục kéo về Bắc Kinh biểu tình - Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, theo một số nhà bình luận, việc thành lập Bộ Cựu chiến binh nhằm giải quyết các hệ lụy từ kế hoạch tinh giản quân đội của ông Tập. Hồi năm 2015 nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm hơn 300.000 binh sĩ trong nỗ lực hiện đại hóa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Kết quả là những thành phần bị ảnh hưởng đã kéo về Bắc Kinh biểu tình trong 2 ngày liên tục hồi tháng 2 năm ngoái, đòi chính phủ phải trả các khoản phúc lợi hưu trí. Vài tháng trước đó, tháng 10-2016, hàng ngàn cựu binh khắp Trung Quốc cũng đã kéo về thủ đô Bắc Kinh đòi quyền lợi.

Bất chấp điều đó, quá trình cắt giảm vẫn được tiến hành, với sự xác nhận "cơ bản đã hoàn tất" của Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tuần rồi.

Bắc Kinh vẫn đang đi đúng hướng như ông Tập mong muốn: xây dựng quân đội chính quy, hiện đại bậc nhất thế giới. Một mặt Trung Quốc cắt giảm số quân nhân không cần thiết để tiết kiệm chi phí, mặt khác họ tiếp tục tăng chi tiêu cho quốc phòng lên mức 175 tỉ USD trong năm 2018.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên