Các nhà báo quốc tế trong một hoạt động của chương trình “Nghiên cứu và cải tiến vùng Đông Đức” được tổ chức vào tháng 3-2016 tại Đức, trong đó có tác giả là đại diện đến từ Việt Nam - Ảnh: V.SAN |
Tôi nghĩ những mẹo này có thể giúp hành trình chinh phục học bổng ngắn hạn của các bạn trẻ thuận lợi hơn dù kết quả học tập không quá xuất sắc.
Cảm ơn và tươi cười với mọi người
Năm 2005, tôi tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Anh “Nhịp cầu Anh ngữ” do báo Tuổi Trẻ và Hội đồng Anh phối hợp tổ chức. Tôi may mắn vượt qua hàng trăm sinh viên đến từ các trường ĐH Ngoại thương, Sư phạm, Kinh tế… trở thành người đứng trên bục cao nhất trong vòng chung kết toàn thành phố.
Giải thưởng dành cho người thắng cuộc là suất học bổng du học tại Anh trong hai tháng (trị giá 7.700 USD) là điều trước đó tôi chưa từng mơ tới.
Thẳng thắn nhìn nhận thì các thí sinh trong tốp 5 có trình độ tiếng Anh tương đương nhau. Tuy nhiên sau này khi trò chuyện với các vị giám khảo của Hội đồng Anh, tôi được biết bản thân đã có “điểm cộng” ngay từ đầu phần thuyết trình.
“Bạn không vào ngay nội dung chính của bài nói chuyện mà đã hỏi thăm, cảm ơn mọi người đã ngồi lắng nghe. Bạn đã tự tin tươi cười khi trình bày, nhìn tất cả mọi người trong khán phòng chứ không chỉ nhìn vào ban giám khảo hay nhìn xuống đất như các bạn khác. Nội dung bài thuyết trình không phải là điều quyết định tất cả”, vị giám đốc Hội đồng Anh nói.
Thực chất, việc dành thời gian cảm ơn mọi người cũng là cách để chúng ta có thêm thời gian suy nghĩ ý cho đề tài bốc thăm được. Và tâm lý chung của mọi người là thích nghe những điều ngọt ngào. Đây cũng là “mẹo” đã giúp tôi thành công trong một số cuộc thi hùng biện sau đó.
Thẳng thắn và trung thực
Năm 2004, tôi được mời dự một chương trình giao lưu tại Nhật Bản (theo lời mời của Hội hữu nghị Việt - Nhật). Năm 2006, tôi tiếp tục là nam sinh viên duy nhất được đài thọ toàn phần đến một diễn đàn sinh viên tại Hàn Quốc sau khi tham gia một cuộc thi viết luận do Viện Quốc tế Hàn Quốc phối hợp Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức, rồi một số hội thảo tại Singapore, Philippines...
Trong các bài luận viết về lý do tôi nên được chọn, tôi đã bày tỏ sự cảm phục trước sự vươn lên mạnh mẽ của những quốc gia trên và tin tưởng bản thân sẽ học hỏi được nhiều điều.
Tôi không ngần ngại chia sẻ bản thân là một người còn nhiều khuyết điểm, thường thiếu tự tin khi trò chuyện với người lạ hay đứng trước đám đông… Tôi cho rằng những chương trình giao lưu này là cơ hội tốt để giới trẻ như chúng tôi hoàn thiện những kỹ năng còn thiếu, nhất là tư duy phản biện.
Một số bạn bè cho rằng việc tôi làm không khác gì “tự sát” bởi thành tích học tập vốn đã không quá xuất sắc, lại tự nhận bản thân nhiều khuyết điểm thì ai dám chọn?
Nhưng có những cuộc thi, chương trình được tạo dựng để giúp giới trẻ hoàn thiện bản thân, mở rộng vốn tri thức chứ không phải để tìm những bạn trẻ hoàn hảo. Vì vậy, trước bất kỳ cuộc thi nào, điều chúng ta cần làm là hãy thật sự tự tin và trung thực.
Chứng tỏ mình là người phù hợp nhất
Một điểm chung mà càng ngày tôi càng nhận ra rõ là nhiều học bổng, suất đài thọ dự hội thảo… không phải dành cho người giỏi nhất mà cho người phù hợp nhất.
Do có tham gia nhiều hoạt động liên quan đến môi trường, khoa học công nghệ nên tôi đã được đài thọ tham dự một số chương trình hội thảo liên quan tại nước ngoài (Tuần lễ nước 2017 ở Thụy Điển, Diễn đàn thiên tài khoa học Heidelberg liên tiếp hai năm 2016 và 2017 tại thành phố Heidelberg, Đức...).
Để có được các “suất” này dĩ nhiên tôi cũng phải viết luận bên cạnh đáp ứng những yêu cầu khác từ chương trình. Tuy nhiên, một số đồng nghiệp khác có năng lực hơn tôi đã không được chọn vì họ giỏi trong các lĩnh vực khác trong khi chương trình chỉ muốn tìm người phù hợp với tiêu chí của chương trình mình (như chương trình hội thảo về nước thì một người trong lĩnh vực kinh doanh sẽ rất khó được chọn)…
Trong các bài luận, tôi đều thể hiện bản thân đã đọc thông tin về các chương trình rất kỹ và nói được điểm nhấn của chương trình cũng như bản thân sẽ đóng góp những gì nếu được tạo điều kiện tham gia chương trình.
Dĩ nhiên khi đã hứa hẹn thì chúng ta phải giữ lời, làm bằng những hành động cụ thể khi về nước. Bởi “trái đất rất nhỏ” trong thời đại công nghệ, chỉ cần vài cú nhấp chuột là ban tổ chức hoàn toàn có thể kiểm tra được những điều chúng ta đã hứa hẹn, điều sẽ ảnh hưởng đáng kể đến những “suất” học bổng/đài thọ sau.
Dĩ nhiên vẫn có những cuộc thi, chương trình mà tôi đã bị “trượt vỏ chuối” dù rất nỗ lực. Nhưng khi biết được những “mẹo” trên, tôi tin rằng các bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và có nhiều cơ hội thành công hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận