Hội nghị do lãnh đạo Chính phủ chủ trì với sự tham gia của một số bộ ngành: Xây dựng, Giao thông, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng để tìm giải pháp ổn định sản xuất.
Nhà máy xi măng dừng sản xuất nửa năm
Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng về tình hình ngành xi măng Việt Nam năm 2023 mới đây, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết cả nước hiện có 61 nhà máy xi măng đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 117 triệu tấn/năm, năng lực sản xuất thực tế có thể đạt trên 130 triệu tấn/năm.
Có khoảng 80% sản lượng xi măng được sản xuất trên các dây chuyền công suất lớn, tiên tiến, hiện đại, còn lại khoảng 20% sản lượng xi măng được sản xuất từ các dây chuyền công suất nhỏ.
Việt Nam cũng là nước lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ. Nhưng từ 2022 đến nay sản lượng xi măng tiêu thụ trong nước sụt giảm mạnh, doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp xi măng đã phải chuyển hướng tăng xuất khẩu xi măng để duy trì sản xuất, năm 2021 lượng xuất khẩu xi măng và clinker đạt khoảng 45 triệu tấn.
Hiệp hội Xi măng cho rằng nếu không tìm đường xuất khẩu thì nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp khó, đối mặt nguy cơ phá sản.
Năm 2023, tổng công suất của ngành xi măng cả nước chỉ đạt khoảng 87 triệu tấn xi măng, clinker, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 56 triệu tấn, xuất khẩu 31 triệu tấn. Lượng tiêu thụ xi măng, clinker trong nước chỉ bằng 84%, xuất khẩu bằng 99% so với năm 2022.
Theo ông Nguyễn Quang Cung - chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành xi măng đang gặp khó khăn rất lớn trong sản xuất, tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản hoặc bán một phần vốn cho nước ngoài.
Riêng trong năm 2023 nhiều nhà máy xi măng phải dừng sản xuất nửa năm, có nhà máy dừng sản xuất cả năm.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị gì?
Để gỡ khó cho sản xuất xi măng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành tăng tiêu thụ xi măng nội địa thông qua việc khuyến khích sử dụng xi măng làm cao tốc, cầu cạn ở những vùng có địa hình đất yếu như Đồng bằng sông Cửu Long, một số khu vực tại miền Trung, miền núi.
Đẩy mạnh việc gia cố nền đường bằng xi măng - đất thay thế cho công nghệ truyền thống đắp nền cao tốc bằng đất, cát hiện nay để tăng tuổi thọ công trình.
Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội bãi bỏ thuế xuất khẩu với clinker, xi măng, trước mắt khi chưa bãi bỏ thì giữ nguyên mức thuế suất xuất khẩu 5% với clinker.
Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp xi măng, ưu tiên doanh nghiệp xi măng được vay vốn lưu động, không khuyến khích đầu tư FDI vào ngành xi măng vì doanh nghiệp trong nước đã làm chủ được công nghệ.
Ngoài ra, mới đây Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng một số giải pháp để gỡ vướng cho các nhà thầu xây dựng Việt Nam.
Cụ thể, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng bãi bỏ cơ chế không bình đẳng giữa nhà thầu và chủ đầu tư.
Hiệp hội này cho biết theo quy định của Luật Đấu thầu, hiện nay các nhà thầu, tổng thầu xây dựng phải thực hiện các nghĩa vụ bảo lãnh như: bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh bảo hành khi trúng thầu thi công các công trình xây dựng.
Trong khi các chủ đầu tư, đặc biệt là chủ đầu tư tư nhân lại không phải thực hiện bảo lãnh thanh toán hợp đồng xây dựng, dẫn tới nhiều chủ đầu tư tư nhân lách luật, không thanh toán đủ chi phí xây dựng khi nhà thầu hoàn thành công trình.
Điều này dẫn tới nhiều nhà thầu, tổng thầu xây dựng lớn trên cả nước như Delta, Hòa Bình có nợ đọng xây dựng kéo dài lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Nhiều nhà thầu xây dựng sau khi làm xong dự án gặp khó khăn về dòng tiền vì bỏ tiền làm công trình nhưng không được thanh toán đúng hạn. Hiệp hội nhà thầu kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành bổ sung quy định bảo lãnh thanh toán với các chủ đầu tư dự án, đặc biệt chủ đầu tư tư nhân để bảo đảm công bằng thanh toán cho các nhà thầu xây dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận