21/06/2024 11:07 GMT+7

Chính phủ thúc tăng trưởng, bộ trưởng lo doanh nghiệp không đủ sức lớn

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết 93 để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí

Theo đó, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Điều hành hài hòa, hiệu quả, cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm nay đạt khoảng 6,5%, kiểm soát tốc độ tăng lạm phát ở ngưỡng 4%.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, trong 6 tháng cuối năm Chính phủ sẽ thực hiện một loạt giải pháp như tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn bảo đảm đồng thời với hiệu lực của các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giá, Luật Các tổ chức tín dụng.

Đồng thời giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng theo dõi sát tình hình, tăng cường phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan chủ động có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý hiệu quả các vấn đề của thị trường bất động sản.

Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các địa phương rà soát, đánh giá kỹ, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng và khẩn trương có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân.

Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các nghị định trong tháng 6 để tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất, rà soát các khó khăn, vướng mắc và có giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư.

Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như: kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và các lĩnh vực mới nổi như chip, bán dẫn, AI.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lo doanh nghiệp không đủ sức lớn

Chia sẻ với báo chí tại buổi tọa đàm mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay các doanh nghiệp trong nước đang rất khó khăn, không đủ sức để lớn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng FDI.

Theo ông, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ từ Nhà nước, bởi hiện nay các doanh nghiệp Việt muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của nhà đầu tư ngoại không dễ dàng.

Họ khó tiếp cận công nghệ lõi đang nằm trong tay tập đoàn lớn hay chuỗi cung ứng đã có quan hệ sẵn với nhau.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Điều quan trọng phải có bàn tay vô hình của Nhà nước để doanh nghiệp lớn lên, các chính sách phải thiết thực, đi vào cuộc sống hơn nữa.

Chẳng hạn, Nhà nước nên hỗ trợ những người từng tham gia vào quy trình sản xuất, nắm công nghệ tại các doanh nghiệp FDI lập nghiệp.

Đây sẽ là những người có được công nghệ, quan hệ, tham gia chuỗi hỗ trợ nhanh nhất hoặc có thể hỗ trợ kết nối, mua, hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài nắm bí quyết, công nghệ, bằng sáng chế, như vậy doanh nghiệp Việt mới tiếp cận được công nghệ, nếu không sẽ không thể đầu tư sản phẩm, tham gia chuỗi của họ".

Cho rằng thủ tục đầu tư kinh doanh vẫn là rào cản lớn với hoạt động của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết bộ đang đề xuất thành lập Ban chỉ đạo cải cách nhà nước do Thủ tướng làm trưởng ban.

Ông cũng cho rằng phải đi vào gốc rễ để giải quyết các điểm nghẽn mới có thể khơi thông được các nguồn lực, gồm cả khu vực đầu tư trong nước đến nước ngoài.

Mỗi tháng có 19.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong 5 tháng đầu năm 2024 có 97.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có 19.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong khi có khoảng 19.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động mỗi tháng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên