Theo chương trình, ngày mai 30-11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Trước đó, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này.
Bổ sung ga Nghi Sơn, ga Lagi là ga tiềm năng đường sắt tốc độ cao
Theo đó, có ý kiến đề nghị bố trí các ga cân đối, hài hòa, ưu tiên khu đông dân cư, địa điểm du lịch.
Có ý kiến cho rằng khoảng cách giữa ga Vinh đến Thanh Hóa dài 140km, đề nghị nghiên cứu bổ sung ga ở Hoàng Mai hoặc ở khu kinh tế Nghi Sơn ngay trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, thay vì Thủ tướng quyết định bổ sung sau này như tờ trình của Chính phủ.
Bởi Thanh Hóa và Nghệ An là hai tỉnh đông dân, đồng thời có thể kết nối với các khu kinh tế khác.
Có ý kiến cho rằng tại Bình Thuận hiện có hai ga hành khách, một ga ở Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, gần Phan Thiết và ga thứ hai ở Bắc Bình.
Từ đó, đề nghị ga thứ hai nên được bố trí là ga lưỡng dụng, vì vị trí này không chỉ kết hợp vận chuyển hành khách và hàng hóa mà còn có thể phục vụ quốc phòng và an ninh.
Phía đông bắc giáp với Ninh Thuận có cảng vận tải Vĩnh Tân hiện đang hoạt động khá hiệu quả.
Do đó, đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét bố trí thêm một ga hàng hóa lưỡng dụng tại đây, ưu tiên phục vụ quốc phòng, an ninh...
Chính phủ nêu về bố trí các ga ưu tiên khu đông dân cư, địa điểm du lịch thì tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi lựa chọn các ga theo bốn nguyên tắc.
Trong đó đã có nguyên tắc ưu tiên bố trí ga tại các vị trí có nhu cầu vận tải đủ lớn, tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch đô thị có tiềm năng phát triển.
Đối với đề xuất bổ sung ga, Chính phủ cho hay đã tiếp thu ý kiến của đại biểu. Theo đó, đã bổ sung ga Nghi Sơn, ga Lagi là ga tiềm năng làm cơ sở để địa phương quy hoạch, triển khai khi có nhu cầu vận tải.
Đồng thời trong quá trình khai thác, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã đề xuất khi địa phương phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các ga đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, Thủ tướng giao địa phương chủ trì thực hiện.
Còn trong giai đoạn này nhu cầu vận tải tại các vị trí ga tiềm năng còn chưa cao, việc đầu tư có thể dẫn đến khai thác không hiệu quả.
Vì sao có ga ở cả nội đô và ngoại vi?
Có ý kiến băn khoăn về vị trí ga hành khách nên ở nội đô, nếu ở ngoại vi thì sau đó lại phải tốn rất nhiều đường giao thông, phương tiện để chuyển người ra vào.
Giải trình nội dung này, Chính phủ nêu rõ kinh nghiệm trên thế giới có ga đặt ở trung tâm, có ga đặt ở vùng tiếp cận đô thị. Mỗi phương án đều có ưu nhược điểm, việc lựa chọn phương án phải căn cứ vào quan điểm, định hướng quy hoạch và điều kiện cụ thể từng vị trí.
Ga đặt ở trung tâm thường là ở các đô thị đặc biệt lớn và có sẵn cơ sở hạ tầng, diện tích bố trí đủ công năng, đặc biệt bảo đảm không gây ùn tắc giao thông đô thị khu vực trung tâm, thuận tiện cho hành khách.
Tuy nhiên, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn và không khai thác được nguồn lực quỹ đất.
Ga đặt ở vùng tiếp cận đô thị, khối lượng giải phóng mặt bằng ít, có khả năng phát triển khai thác, huy động nguồn lực quỹ đất, không gây áp lực hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, cần đầu tư hệ thống giao thông công cộng kết nối vào trung tâm đô thị.
Trong điều kiện của Việt Nam, tỉ lệ đô thị hóa đang ở mức thấp, mức tỉ lệ đô thị hóa 50% trong thời gian dài chưa đạt được.
Việc khai thác nguồn lực từ quỹ đất và nâng tỉ lệ đô thị hóa như đã đặt ra trong nghị quyết Đại hội XIII là mục tiêu quan trọng, đồng thời tại các trung tâm đô thị quỹ đất dành cho các ga khó khăn, giải phóng mặt bằng khó khả thi.
Do đó, các nghiên cứu trong, ngoài nước trong thời gian hơn 18 năm qua đã lựa chọn tối ưu, phù hợp từng địa phương đối với các vị trí ga đường sắt tốc độ cao.
Đồng thời, các vị trí ga đều quy hoạch hệ thống giao thông đô thị đường bộ, đường sắt. Đến nay 20/20 địa phương đã thống nhất và được cập nhật vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận