17/11/2017 10:59 GMT+7

'Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời dứt dạt trước Quốc hội như vậy. Hi vọng sau phần trả lời này, những gì đã xấu thì không xấu thêm nữa.

Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công - Ảnh 1.

Cũng vào tháng 11 cách đây đúng 7 năm, chuyện về một tập đoàn kinh tế nhà nước mang tên Vinashin, nợ đầm đìa, bên bờ vực phá sản, đã đi vào các phiên thảo luận của Quốc hội và khiến nghị trường căng thẳng, nóng bỏng.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - khi ấy đương chức phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng - đã kiến nghị Quốc hội thành lập ủy ban lâm thời để điều tra vụ việc. Ông nghị Thuyết nổi tiếng cương trực đã gọi kiểu làm ăn của Vinashin là "phá của, bốc trời".

Ủy ban lâm thời đã không được thành lập, và mặc dù có ý kiến đại biểu Quốc hội khác phản đối ông Thuyết với ngôn từ mạnh bạo "đừng vì Vinashin mà làm phức tạp tình hình", nhưng cho đến thời điểm này (sau nhiều năm Vinashin đã được tái cơ cấu) Nhà nước vẫn cần thêm chục năm nữa để giải quyết món nợ từ "đứa con đẻ" của mình để lại. 

Hồi đầu năm 2017, theo thông báo của cơ quan chức năng Bộ Tài chính, dự kiến dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay cho Vinashin trong 10 năm tới đây lên đến 63.200 tỉ đồng. 

Vào thời điểm đại biểu Thuyết đưa vấn đề ra Quốc hội, Vinashin đang gánh khoản nợ (chưa tính lãi) lên đến 86.000 tỉ, trong đó có món 600 triệu USD vay lại trái phiếu quốc tế của Chính phủ.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội hôm qua (16-11), khi giơ bảng sử dụng quyền tranh luận với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về nợ công, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cho rằng vấn đề vay nợ xấu hay không xấu không phải nằm ở các tỉ lệ, con số. 

"Con số chỉ là cái vỏ bên ngoài, linh hồn là hiệu quả đầu tư ra sao, bởi vì nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu, vì chúng ta thiệt hại kép. Thiệt hại thứ nhất là áp lực để trả nợ tiền gốc và tiền lãi. Bên cạnh đó, phải trả bù lỗ cho các dự án đầu tư không hiệu quả"

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn

Lại nhớ các kỳ họp trước, có đại biểu Quốc hội chất vấn rằng "sau Vinashin, Vinalines là những Vina nào nữa?". Con số các dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước không chỉ là 12 mà liên tục tăng lên trong thời gian qua: trên 40, rồi trên 70…

Áp lực nợ nần không chỉ đến từ các dự án, các doanh nghiệp như trên, nó còn đến từ "một nguyên nhân mà hai bộ trưởng chưa đề cập đến, đó là phân bổ vốn và giải ngân chậm, rất chậm cho một số dự án trọng điểm như tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên và dự án cải tạo môi trường nước tại TP.HCM" được đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nêu lên. 

Còn không ít dự án trong tình trạng tiền vay về rồi, bắt đầu tính lãi vay rồi nhưng chưa giải ngân được.

Đã thế, không biết "thương" ngân khố quốc gia, không ít địa phương nghèo vẫn đề xuất trung ương hỗ trợ để thực hiện các dự án xây dựng tượng đài, quảng trường chưa thực sự cấp thiết. 

Ví như một tỉnh miền Tây Bắc muốn có 1.400 tỉ đồng để xây dựng cụm tượng đài và quảng trường từng gây xôn xao dư luận. Rồi cách đây vài ngày một tỉnh vùng Tây Nguyên lại muốn "đề xuất Chính phủ hỗ trợ 900 tỉ đồng để xây dựng quảng trường".

"Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán rất kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ của chúng ta, kể cả trả nợ trực tiếp từ ngân sách và phần vay để đảo nợ đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hằng năm. Vì vậy, Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công" - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời dứt dạt trước Quốc hội.

Hi vọng sau phần trả lời này, những gì đã xấu thì không xấu thêm nữa.

Chất vấn thống đốc: Đem tiền gửi ngân hàng lớn sẽ yên tâm? Mạng xã hội làm ‘nóng’ chất vấn bộ trưởng Trương Minh Tuấn? Chất vấn thống đốc: Làm sao huy động 500 tấn vàng trong dân?
LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên