Ngày 18-9 (giờ Mỹ), Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ đã không thông qua được dự luật chi tiêu chính phủ, làm phức tạp thêm nỗ lực ngăn chặn khả năng Chính phủ Mỹ đóng cửa vào cuối tháng này.
Theo Hãng tin Reuters, dự luật trên không được thông qua với tỉ lệ 220 phiếu chống (đã vượt qua ngưỡng 218 đa số tại Hạ viện) và 202 phiếu thuận.
Trong 220 phiếu phản đối, có 206 phiếu của dân biểu Đảng Dân chủ và 14 phiếu của dân biểu Đảng Cộng hòa.
Sau khi dự luật trên không được thông qua, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho biết ông sẽ soạn thảo một dự luật chi tiêu tạm thời mới nhằm giữ cho Chính phủ Mỹ tiếp tục hoạt động sau ngày 1-10.
Ở chiều ngược lại, các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ nói họ rất nóng lòng thông qua một dự luật chi tiêu tạm thời để ngăn chặn chính phủ đóng cửa, nhưng họ phản đối phiên bản dự luật mà ông Johnson đệ trình bỏ phiếu ngày 18-9.
Theo Reuters, dự luật này đi kèm với một biện pháp kiểm soát bỏ phiếu không liên quan, trong đó yêu cầu người Mỹ cung cấp bằng chứng về quyền công dân khi họ đăng ký bỏ phiếu và yêu cầu các bang loại bỏ những người không phải là công dân khỏi danh sách đăng ký.
Vấn đề nhập cư bất hợp pháp là vấn đề trung tâm trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump.
Ông Trump từng tuyên bố Đảng Dân chủ đang đăng ký những người nhập cư bất hợp pháp cho việc bỏ phiếu.
Theo đó, Đảng Cộng hòa tại Hạ viện khẳng định dự luật của họ là cần thiết để đảm bảo rằng chỉ có công dân Mỹ mới được bỏ phiếu.
"Việc trẻ vị thành niên mua rượu là vi phạm pháp luật và chúng ta vẫn yêu cầu xem xét thẻ căn cước của chúng. Chúng ta thực thi luật pháp", dân biểu Đảng Cộng hòa Aaron Bean nói.
Nhiều thành viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã từ chối xem xét dự luật bỏ phiếu trên của Đảng Cộng hòa, cho rằng nó mang lại nguy cơ tước đi quyền của cử tri hợp pháp, trong khi không làm gì để tăng cường an ninh bầu cử.
Hãng tin Reuters dẫn một nghiên cứu năm 2017 cho thấy trong số hơn 25 triệu phiếu bầu, có 30 trường hợp nghi ngờ do người nhập cư bất hợp pháp bỏ phiếu.
Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi trên Tuổi Trẻ Online tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận