Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Dự luật này sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 5 khai mạc vào ngày 22-5 tới.
Đối với việc định giá, một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm nhất là việc quy định giá tối đa (giá trần) và giá tối thiểu (giá sàn) đối với dịch vụ hàng không nội địa (vé máy bay).
Chỉ quy định giá tối đa
Chính phủ đã quy định giá dịch vụ vận tải hành khách nội địa là một trong 42 mặt hàng Nhà nước định giá. Mặt hàng này được giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý và quy định giá tối đa.
Tại các phiên thảo luận trước đó, có ý kiến đề nghị không quy định mức giá trần, nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng cần nghiên cứu quy định cả giá sàn với dịch vụ này, tức là tiếp tục áp dụng khung giá như quy định hiện hành.
Về vấn đề này, Chính phủ cho rằng báo cáo tổng kết Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã có đánh giá chi tiết và dự thảo Luật Giá đã hoàn chỉnh cơ chế định giá mặt hàng này theo hướng chuyển từ quy định khung giá sang quy định giá trần, tức bỏ quy định về giá sàn.
Theo Chính phủ, nếu tiếp tục bỏ cả giá trần vé máy bay thì sẽ không còn công cụ để điều tiết giá với vé máy bay. Đây là vấn đề thay đổi lớn, thay đổi một chính sách quan trọng, so với việc bỏ giá sàn đã được đánh giá rất kỹ nên chưa có cơ sở để bỏ quy định này.
Việc Bộ Giao thông vận tải quy định giá trần nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp sẽ được tiếp cận các dịch vụ hàng không, qua đó giảm chi phí xã hội cho các nhu cầu vận chuyển của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Áp giá trần để bảo vệ người tiêu dùng
Trường hợp khi không còn quy định giá trần, Chính phủ cho rằng các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé ở mức cao. Đặc biệt là một số tuyến có cạnh tranh hạn chế hoặc trong giai đoạn cao điểm. Điều này sẽ làm ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến xã hội.
So với mức thu nhập bình quân của người Việt Nam thì việc giá vé máy bay tăng cao sẽ càng thu hẹp điều kiện để người dân được tiếp cận dịch vụ hàng không.
Cũng theo Chính phủ, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy có một số nước có biện pháp quản lý với dịch vụ vận tải hành khách hàng không bằng phương thức gián tiếp hoặc trực tiếp khác nhau. Ví dụ, Trung Quốc và Indonesia có quy định về mức giá tối đa với dịch vụ này. Cũng có những quốc gia có sự cạnh tranh cao đối với việc cung cấp dịch vụ này thì không đặt ra quy định và để thị trường tự điều tiết.
Về dài hạn, Chính phủ cho rằng khi khả năng cung ứng của vận tải hàng không đáp ứng tốt hơn yêu cầu xã hội, thị trường có sự tham gia đa dạng của nhiều hãng hàng không, thúc đẩy cạnh tranh thực chất bằng giá vé, chất lượng; khi đó đề xuất bỏ quy định giá trần với vé máy bay trên các đường bay nội địa là phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận