Phóng to |
Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn - Ảnh: Q.M. |
Đây là lần đầu tiên bóng đá (cũng là môn thể thao duy nhất từ trước đến nay) được Thủ tướng phê duyệt kế hoạch phát triển. Đây được coi là cơ hội để bóng đá VN làm lại, tiếp tục rượt đuổi các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Ông Viễn cho biết: “Đây là lần đầu tiên bóng đá được Thủ tướng phê duyệt kế hoạch phát triển. Tuy nhiên, từ nhiều năm trước tôi đã là người chấp bút chiến lược phát triển bóng đá VN từ 2001-2010 sau khi được gợi ý của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Chiến lược đánh giá toàn bộ quá trình phát triển của bóng đá VN trong thời kỳ bao cấp và những năm đầu VN làm bóng đá chuyên nghiệp. Chiến lược này sau đó không được Chính phủ thông qua. Năm 2007-2014, VFF tiếp tục làm chiến lược phát triển bóng đá thứ hai trong giai đoạn này. Nhưng sau đó chiến lược này cũng phải nằm yên trong tủ sau khi lấy ý kiến. Vì vậy chiến lược lần này là chiến lược lần thứ ba được soạn thảo và đến lần này mới được Thủ tướng thông qua”.
* Vì sao đến lần thứ ba, chiến lược phát triển bóng đá VN mới được thông qua?
- Chủ yếu do nhận thức của xã hội, giới lãnh đạo về vai trò của bóng đá được nâng lên. Việc lần đầu tiên VN giành chức vô địch Đông Nam Á năm 2008 cũng là cơ sở thúc đẩy chiến lược này hoàn thiện. Thời gian qua VFF cũng được FIFA ủng hộ rất nhiều. Cụ thể, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ được FIFA hỗ trợ ngân sách. Nhà nước sau đó cũng đã cấp 7,2ha đất cùng khoảng 100 tỉ đồng vốn đối ứng để xây dựng trung tâm nói trên. Việc chiến lược này được Thủ tướng phê duyệt cho thấy bóng đá đã được quan tâm từ nhiều cấp độ.
* Mục tiêu đội tuyển bóng đá nam sẽ đứng trong top 10 châu Á trong giai đoạn 2020-2030 như chiến lược đưa ra có khả thi?
- Tính khả thi của mục tiêu còn phụ thuộc vào sự quyết tâm, đầu tư thực hiện của Nhà nước. VFF chỉ là tổ chức xã hội làm thay Nhà nước để thực hiện chiến lược thôi. Nếu Chính phủ quyết tâm, các mục tiêu trong chiến lược hoàn toàn có thể thực hiện được. Ví dụ bóng đá học đường phải do Bộ GD-ĐT phụ trách và được đưa vào chương trình giáo dục. Tuy nhiên, phát triển bóng đá học đường ở TP.HCM, Hà Nội là việc làm quá khó vì không có quỹ đất cho các trường.
* Theo ông, khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện các mục tiêu của chiến lược là gì?
- Đó là sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành để thực hiện chiến lược. Chính phủ sẽ là tổng đạo diễn cho chiến lược nên chúng tôi chỉ có thể phụ trách triển khai các đề án nhỏ thôi. Nếu không có bàn tay của tổng đạo diễn chỉ đạo, tác động, thúc đẩy các bộ phận liên quan thì rất khó làm. Nếu chỉ nói không thì không làm được. Và hiện nay chúng ta mới chỉ có một quyết định trên giấy, điều quan trọng là phải làm thế nào để thực hiện được nó.
Phóng to |
Chiến lược phát triển bóng đá VN sẽ là bệ phóng cho bóng đá VN bắt kịp các nền bóng đá phát triển ở châu Á? - Ảnh: Q.Minh |
Bóng đá VN đang trong tư thế rượt đuổi
* Vì sao vị trí của bóng đá VN trên bản đồ bóng đá châu Á tụt lùi trong thời gian gần đây?
- Nếu tính từ năm 1998, có thời điểm bóng đá VN từng đứng vị trí 11-12 châu Á. Tuy nhiên những năm gần đây bóng đá VN thường xuyên dao động ở vị trí 16-18 châu lục. Theo tôi, đây không phải do trình độ bóng đá VN kém đi mà do các nước phát triển mạnh lên trong khi đầu tư của VN cho bóng đá thấp. Vì vậy, sự phát triển của bóng đá VN không theo kịp họ.
Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói với những người làm bóng đá: “Bóng đá VN đang trong tư thế rượt đuổi, đuổi kịp và vượt các mục tiêu ở phía trước”. Tuy nhiên các mục tiêu ở phía trước là những mục tiêu di động, không ngừng phát triển. Vì thế bóng đá VN muốn bắt kịp phải đi tắt, đón đầu vì điểm xuất phát của VN chậm. Nếu đầu tư thấp, tốc độ phát triển chậm thì khoảng cách với các quốc gia khác sẽ ngày càng xa. Hiện nay khi thông qua chiến lược Nhà nước đã quan tâm và có ý định đầu tư cho bóng đá, cái cần hiện nay là con người để làm những công việc đó.
* Ai sẽ là người thực hiện chiến lược này khi ngành thể thao đang quá thiếu những người làm bóng đá, những nhà quản lý có trình độ về bóng đá?
- Thực hiện chiến lược phải có con người và trách nhiệm này thuộc VFF. Theo đó, VFF phải kết hợp với các trường đại học thể thao để cho ra đời những người có thể làm được việc. Khi chưa có chiến lược thì không có khả năng tập hợp nguồn nhân lực. Nhưng hiện nay chiến lược đã có, đó là cơ hội để tập hợp con người tham gia làm việc.
* Chiến lược có đề cập việc cho thí điểm triển khai hoạt động đặt cược bóng đá tại VN. Điều này có giúp đẩy nhanh việc Bộ Tài chính hoàn thành dự thảo cá cược thể thao, tạo nguồn kinh phí cho bóng đá?
- Dự thảo cá cược thể thao cũng được VFF xây dựng từ những năm 1998 nhưng thời điểm đó cá cược là thứ rất nhạy cảm. Hi vọng dự thảo cá cược sớm được Chính phủ thông qua, tạo thêm nguồn thu phát triển bóng đá.
* Kinh phí dự kiến để thực hiện chiến lược này là bao nhiêu, thưa ông?
- Dù tôi đã xây dựng một dự thảo kinh phí cho toàn bộ chiến lược nhưng sau đó không được đưa vào chiến lược để Thủ tướng phê duyệt. Do vậy dự thảo này chỉ là cơ sở để sau này triển khai kinh phí cho các đề án nhỏ. Khi triển khai từng đề án trong chiến lược, nguồn kinh phí mới được cụ thể hóa.
Ông Ngô Tử Hà (nguyên phó chủ tịch VFF): Thực tiễn còn rất xa vời Việc lần đầu tiên bóng đá có một chiến lược được Thủ tướng phê duyệt đó là niềm vui cho những người làm bóng đá, là cơ sở để xây dựng và phát triển bóng đá. Tuy nhiên, điều quan ngại là ai sẽ thực hiện các mục tiêu mà chiến lược này đề ra khi nguồn nhân lực quản lý của thể thao hiện nay quá yếu kém. Tất cả kế hoạch, mục tiêu đều còn trên giấy trắng, thực tiễn vì thế còn rất xa vời. Ông Lê Thế Thọ (nguyên phó chủ tịch VFF): Không khó để vào top 10 châu Á Tôi cho rằng mục tiêu đưa đội tuyển bóng đá nam vào top 10 châu Á từ năm 2020-2030 không phải là việc quá khó với bóng đá VN hiện nay. Quan trọng là cách thực hiện mục tiêu phải bền vững và có nền tảng. Khi một người xây nhà, người ta phải chuẩn bị gạch, ngói, ximăng, sắt thép... để thực hiện việc xây cất thì bóng đá cũng phải làm như vậy. Hiện nay các mục tiêu đưa ra rất nhiều nhưng nhiều năm qua những người làm bóng đá không chuẩn bị gì để thực hiện mục tiêu. Điều đó cho thấy cách làm bóng đá của VN thiếu bền vững. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận