15/12/2016 12:43 GMT+7

Chính phủ kiểm tra hải sản tồn sau sự cố Formosa ở Quảng Bình

L.GIANG
L.GIANG

TTO - Ngày 15-12, đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ do bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã kiểm tra tình hình tồn đọng hải sản tạm trữ sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra ở Quảng Bình.

Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kiểm tra hải sản tồn đọng ở Quảng Bình
Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kiểm tra hải sản tồn đọng ở Quảng Bình - Ảnh: L.Giang

Báo cáo với đoàn, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết sự cố môi trường biển đã làm thiệt hại nghiêm trọng kinh tế, xã hội và đời sống của người dân. Hiện Quảng Bình còn 2.519 tấn hải sản dự trữ cấp đông tồn kho do sự cố môi trường biển.

Ngày 10-12 tỉnh đã tiêu hủy 606 tấn hải sản bị nhiễm cadimi (kim loại độc) vượt ngưỡng an toàn thực phẩm.

Kiểm tra hải sản tồn đọng tại các kho đông lạnh lớn ở Thanh Khê, cảng Gianh… ông Dũng đánh giá cao sự chấp hành pháp luật một cách nghiêm túc của chủ các cơ sở dự trữ hải sản.

“Qua kiểm tra thấy lượng hải sản bị nhiễm độc đã phân loại tại Quảng Bình đã được các cơ quan chức năng ở tỉnh và bà con tiêu hủy hết. Số cá còn lại ở các kho đông lạnh cũng được các cơ quan chức năng kiểm tra và niêm phong, cho thấy đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, người dân hoàn toàn yên tâm sử dụng và sẽ được nhanh chóng cấp phép tiêu thụ rộng rãi trên thị trường” - ông Dũng nói.

Ngoài kiểm tra trình hình tồn đọng hải sản, đoàn công tác cũng kiểm tra tình hình chi trả tiền bồi thường của Formosa cho người dân ở tỉnh này.

Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình
Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình - Ảnh: L.Giang

Chiều cùng ngày, trong buổi làm việc với UBND tỉnh về giải quyết hải sản tồn đọng do sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, ông Dũng nói tỉnh Quảng Bình là địa phương chịu thiệt hại lớn nhất trong sự cố môi trường biển.

Đoàn chủ yếu làm việc về vấn đề giải quyết hải sản tồn đọng, còn mọi vấn đề khác liên quan đến sự cố môi trường biển mà tỉnh kiến nghị, đề xuất sẽ được đoàn trình lên Chính phủ, Chính phủ sẽ có cuộc họp riêng để giải quyết.

“Hiện vấn đề kê khai hải sản tồn đọng và tiêu hủy hải sản kém chất lượng tỉnh đã làm tốt. Còn các kho lớn đầy hải sản dự trữ đặt ra vấn đề kê khai ra sao, bồi thường mức nào, chốt số lượng và tiêu thụ thế nào, bảo quản phải ra sao với chi phí khá lớn…” - ông Dũng nói.

Báo cáo với đoàn, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài thừa nhận "phải gọi sự cố môi trường biển do Formosa gây ra là thảm họa toàn diện đối với tỉnh Quảng Bình. Vì chưa bao giờ tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh chỉ ở mức 4,5% như năm nay”.

Về hải sản tồn đọng, theo ông Hoài, tỉnh đã niêm phong toàn bộ các kho từ lâu và hiện đang thành lập 8 tổ hội đồng để kiểm tra, phân loại và cân đong lại số lượng hải sản trong các kho (ước còn khoảng 2.619 tấn) một cách chặt chẽ và công khai số lượng. Sau đó giải quyết hỗ trợ dứt điểm.

Về vấn đề tiêu thụ và tiêu hủy hải sản, ông Hoài nói: “Quan điểm của tỉnh là trước hết các cơ sở thu mua hải sản phải chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo và hỗ trợ các chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, có lợi nhất cho doanh nghiệp tiêu thụ và được bồi thường”.

L.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên