04/11/2015 08:21 GMT+7

Chính phủ không thể “dạy khôn” doanh nghiệp

LÊ KIÊN - VIỄN SỰ thực hiện (lekien@tuoitre.com.vn)
LÊ KIÊN - VIỄN SỰ thực hiện ([email protected])

TT - Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khi trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội về việc tận dụng các cơ hội cũng như ứng phó với các thách thức khi VN tham gia TPP.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng) 	- Ảnh: Chí Quốc
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng) - Ảnh: Chí Quốc
Phó thủ tướng
Hoàng Trung Hải - Ảnh:
V.Dũng

Tuổi Trẻ trao đổi với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải bên hành lang Quốc hội ngày 3-11 về việc tận dụng các cơ hội cũng như ứng phó với các thách thức khi VN tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Hải nói: “Tham gia TPP hay bất cứ hiệp định thương mại tự do (FTA) nào cũng có hai mặt, đó là cơ hội và thách thức. Mỗi doanh nghiệp phải vạch ra chiến lược để tận dụng các cơ hội, đồng thời có biện pháp chủ động ứng phó với các tác động trái chiều.

Ngay từ năm 2010, khi VN mới là quan sát viên của TPP, Chính phủ và các bộ ngành đã cung cấp thông tin về TPP qua các phương tiện thông tin đại chúng.

VN cũng là quốc gia có mức độ tiếp cận Internet rất cao, bất cứ doanh nghiệp, người dân nào cũng có thể tìm được các thông tin về TPP trên Internet xem nó tác động như thế nào đến mình. Như vậy, vấn đề chính là doanh nghiệp có quan tâm hay không chứ không thể nói là thiếu thông tin.

Tuy nhiên, thực tế mức độ quan tâm của doanh nghiệp VN chưa sâu và thiếu chủ động, do trình độ phát triển và quản trị của doanh nghiệp. Hơn 90% doanh nghiệp VN có quy mô vừa và nhỏ, vốn đầu tư và độ mở về thị trường còn hạn chế nên mức độ quan tâm đến sự tác động của TPP đến doanh nghiệp cũng hạn chế”.

Chính phủ không thể làm thay doanh nghiệp, không thể buộc doanh nghiệp làm gì và không làm gì. Thị trường buộc doanh nghiệp phải thông minh, nếu không thông minh sẽ bị đào thải

* Một số đại biểu đề nghị cần có chiến lược nâng số lượng doanh nghiệp từ 500.000 hiện nay lên 2 triệu trong vòng năm năm tới, đặc biệt là nâng cấp chất lượng doanh nghiệp VN lên. Theo ông, Chính phủ cần có giải pháp gì để biến mục tiêu này thành hiện thực?

- Chúng ta hiện nay mới có 500.000 doanh nghiệp, một số lượng rất ít. Trong ba, bốn năm kinh tế khó khăn vừa qua, mỗi năm có 50.000 - 60.000 doanh nghiệp phải giải thể. Khi hội nhập mà số lượng doanh nghiệp nhỏ và yếu sẽ rất thiệt thòi.

Thế nên một trong những định hướng của Chính phủ đã được Thủ tướng nhắc nhiều lần, đó là khuyến khích và có giải pháp tích cực để hỗ trợ khởi nghiệp. Chính vì vậy, những tháng đầu năm nay tốc độ thành lập mới doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể. Ở đây có một vấn đề, đó là nhận thức trong xã hội.

Chúng ta chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, cái gì cũng Nhà nước hết. Ngay trong gia đình cho con cái đi học đến lúc ra trường cũng cứ muốn xin vào Nhà nước cho yên tâm, mặc dù xin việc thì khó mà lương lại thấp. Cho nên tư duy khởi nghiệp doanh nghiệp mới vẫn chậm là vì thế.

Cũng phải nhấn mạnh rằng Chính phủ chỉ đi đàm phán, ký kết các hiệp định để mở cửa thị trường chứ không phải là người tham gia cạnh tranh trực tiếp, chính các doanh nghiệp phải đương đầu nên nếu không bước ra để cạnh tranh thì chết.

Mình có khái niệm vui là “gà công nghiệp”, tức là mở cửa rồi nhưng doanh nghiệp chỉ ra cửa ngồi đấy thôi, bởi anh thiếu ngoại ngữ, thiếu kiến thức pháp luật quốc tế, thiếu con người có năng lực...

Vì vậy, những doanh nghiệp tư nhân hiện nay mang sản phẩm đến châu Mỹ, châu Phi để bán được là rất quý, nhưng số lượng này còn rất ít. Doanh nghiệp tư nhân hiện giải quyết 90% lực lượng lao động nên mục tiêu 2 triệu hay 2,5 triệu doanh nghiệp là phải phấn đấu, trước hết là thay đổi về mặt nhận thức.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng có trách nhiệm cải cách hành chính sâu rộng hơn nữa để tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân. Chứ không thì nhiều doanh nghiệp cũng nói rằng chúng tôi ra làm gì, doanh nghiệp nhà nước làm cả rồi, chúng tôi đâu còn phần. Đấy chính là lý do để Chính phủ đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách đầu tư công theo hướng mở ra để cho doanh nghiệp tư nhân làm.

* Các đại biểu cũng đề nghị phải tái cơ cấu nguồn lực, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực một cách bình đẳng, dễ dàng để đầu tư, kinh doanh...

- Thì đấy, tôi bỏ tiền nhà tôi ra, tôi đi thế chấp tài sản để khởi nghiệp doanh nghiệp, vậy thì anh đã tạo môi trường tốt cho tôi chưa? Môi trường tốt là gì, đó là hệ thống thể chế luật pháp, bộ máy hành chính thân thiện và hệ thống tài chính tiền tệ minh bạch, lành mạnh. Phát triển thị trường vốn, ổn định vĩ mô.

Việc ổn định vĩ mô là rất quan trọng, bởi tôi là doanh nghiệp nhỏ mới ra đời, đang làm ăn yên ổn, bỗng dưng mất ổn định vĩ mô là tôi chết. Chẳng hạn, có năm lãi suất cho vay lên đến 24 - 25%, doanh nghiệp làm sao sống được. Chính vì thế nên cái quan trọng là điều hành kinh tế vĩ mô, tạo dựng lòng tin cho doanh nghiệp.

Tóm lại, TPP tạo sức ép cho toàn bộ hệ thống chứ không chỉ mình doanh nghiệp. Bộ máy hành chính phải cải thiện rất nhiều, không thể để doanh nghiệp kêu than là tôi đi xin cái giấy chứng nhận mà ông ngâm đó cả năm không trả lời thì tôi làm ăn gì nữa.

* Kinh tế VN thời gian qua phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc.Liệu việc tham gia TPP có giúp VN giảm bớt sự phụ thuộc này?

- Chính phủ không thể yêu cầu doanh nghiệp bỏ thị trường Trung Quốc để nhập khẩu từ thị trường khác, mà với doanh nghiệp là bài toán hiệu quả. Vấn đề mình phải quan tâm là những sản phẩm thiết yếu, chiến lược khi thị trường biến động thì ứng phó thế nào.

Tôi lấy ví dụ, Samsung hiện đang phát triển sản xuất rất tốt ở VN, dự kiến năm nay có thể xuất khẩu tới 33 tỉ USD, sử dụng 200.000 lao động. Vậy mình phải tính là nếu ngày mai ông ấy hắt hơi sổ mũi thì sao? Thì mình phải chuẩn bị các biện pháp để ứng phó, chứ chẳng lẽ lại nói rằng mình phụ thuộc vào Hàn Quốc lớn quá nên yêu cầu người ta giảm bớt quy mô đi à?

Bản thân các doanh nghiệp phải xác định được đâu là những mặt hàng thiết yếu mà khi thị trường biến động thì phải kiểm soát được, hoặc là tổn thất ở mức thấp nhất.

Sau đợt khủng hoảng tài chính 1997 - 1998, kinh tế các nước châu Á chịu tác động nặng nề, một bài học được rút ra là không nên trao đổi thương mại quá lớn với một thị trường, bởi khi thị trường đó biến động mà anh phụ thuộc vào thì sẽ chịu rủi ro cao.

Tóm lại, tôi cho rằng nếu cái gì anh sản xuất không hiệu quả bằng người khác thì anh đừng làm, hãy tập trung vào những gì anh có lợi thế hơn. Đúng là hiện nay VN đang nhập siêu từ thị trường Trung Quốc, xuất siêu sang thị trường Mỹ, châu Âu, với Nhật Bản thì tương đối cân bằng.

Nhưng vấn đề là việc xuất siêu, nhập siêu ấy có hiệu quả hay không mới quan trọng. Vậy ai là người quyết định hiệu quả hay không? Tất nhiên là doanh nghiệp. Bởi dù nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu, nếu thấy lợi doanh nghiệp mới làm, còn không thấy lợi mà vẫn làm thì sẽ bị thị trường đào thải ngay.

Doanh nghiệp phải chủ động ứng phó với các khó khăn

Các doanh nghiệp và hiệp hội phải ngồi bàn bạc với nhau để lo ứng phó với những vấn đề phát sinh khi hội nhập.

Chẳng hạn, các vụ kiện chống bán phá giá tôm, cá tra hay thép... đều do hiệp hội các nước kiện theo luật quốc tế, và Hiệp hội Doanh nghiệp VN phải đương đầu.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp không thể chạy lên Chính phủ hỏi có kiện được không, mà bản thân doanh nghiệp phải sử dụng các công cụ thị trường và luật pháp để ứng phó, theo thông lệ quốc tế.

Hội nhập sẽ dạy cho doanh nghiệp các bài học, những trải nghiệm để lớn dần lên, chứ Chính phủ không thể “dạy khôn” doanh nghiệp.

LÊ KIÊN - VIỄN SỰ thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên