09/04/2016 11:02 GMT+7

​Chính phủ Iceland vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TTO - Với 38 phiếu ủng hộ và 25 phiếu chống sau một tiếng rưỡi tranh luận căng thẳng, Quốc hội Iceland hôm 8-4 đã "sống sót" sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. 

Người dân Iceland biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Reykjavik - Ảnh:AFP
Người dân Iceland biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Reykjavik - Ảnh:AFP

Theo AFP, có 600 người Iceland nằm trong danh sách do hồ sơ Panama tiết lộ. Sau khi có thông tin này, các đảng cánh tả và trung tả ở Iceland đã nhất trí đưa ra kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ mới của nước này.

“Hồ sơ Panama” cũng tiết lộ cựu Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson dính đến bê bối cất giấu tài sản ở nước ngoài, buộc ông phải từ chức hôm 5-4.

Ngoài ra, cựu thống đốc Ngân hàng Iceland Finnur Ingolfsson, tổng giám đốc điều hành Công ty dược Alvogen - Robert Wessman và phóng viên của tờ DV - Eggert Skulason cũng nằm trong danh sách mà hồ sơ Panama đề cập. Bê bối này đã dấy lên làn sóng biểu tình rộng khắp Iceland.

Ông Gunnlaugsson trở thành chính trị gia cấp cao đầu tiên của Iceland phải từ chức sau khi hồ sơ Panama tiết lộ ông và vợ đã sở hữu một công ty ở quần đảo Virgin của Anh. Ông Gunnlaugsson cũng đã chuyển hàng triệu USD vào gia tài của vợ ông ở đây.

Trước đó, có thông tin là ông Gunnlaugsson đã bán hết 50% cổ phiếu của công ty này cho vợ của mình vào cuối năm 2009. Tuy nhiên, ông Gunnlaugsson đã không khai báo số cổ phiếu này theo yêu cầu khi được bầu vào quốc hội.

Cựu thủ tướng Iceland nói rằng ông đã rất tiếc khi không làm theo yêu cầu trên nhưng lại khẳng định vợ chồng ông tuân theo luật của Iceland và đã nộp thuế đầy đủ.

Hãng tin Reuters cho biết cũng đã xuất hiện một kiến nghị khác kêu gọi giải tán ngay lập tức Quốc hội Iceland. Song, ý kiến này cũng đã bị loại bỏ vì hầu như không có tiếng nói bất đồng giữa giới chức cấp cao trong Chính phủ Iceland.

Chính phủ mới của Iceland bước vào hoạt động hôm 8-4, tân Thủ tướng Sigurdur Ingi Johannsson đã chính thức thay thế ông Gunnlaugsson.

Ông Johannsson đã tuyên bố bầu cử lập pháp vào khoảng tháng 11-2016. Tuy nhiên, người dân Iceland vẫn tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội kêu gọi trục xuất liên minh Đảng dân chủ dân tiến cánh tả của ông Johannsson với Đảng Độc lập. Những người biểu tình cũng đòi tổ chức bầu cử sớm hơn.

Giới chuyên gia nhận định liên minh Chính phủ Iceland không muốn tổ chức cuộc bầu cử mới quá nhanh, vì chắc chắn họ sẽ bị ảnh hưởng từ lá phiếu của những cử tri đang phản đối vụ thành viên chính phủ dính đến bê bối tài chính do hồ sơ Panama tiết lộ.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên