Theo ông Nguyễn Thành Biên - thứ trưởng Bộ Công thương, xuất khẩu bảy tháng đầu năm của VN đạt 36,8 tỉ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm 2007 - mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trước. Tuy vậy, nhập siêu bảy tháng đã lên tới 15 tỉ USD. Hiện tại bình quân mỗi tháng VN nhập khẩu 7,4 tỉ USD hàng hóa, tổng cộng cả bảy tháng là 51 tỉ USD. Theo đánh giá của Bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu tăng do giá chiếm đến 70% và tăng do khối lượng khoảng 30% còn lại. Cũng theo ông Biên, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bảy tháng đầu năm là 527.000 tỉ đồng.
Đại diện Bộ Kế hoạch - đầu tư, ông Bùi Hà, vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, cho biết tổng lượng vốn FDI đã thực hiện trên vốn cam kết là 6 tỉ USD. Nhờ vốn FDI và sự năng động của khu vực kinh tế trong nước, trong bảy tháng đầu năm, nhiều địa phương đã có giá trị sản lượng công nghiệp tăng mạnh như Vĩnh Phúc, Hà Tây, Bình Dương... Đáng chú ý, trong những tỉnh thành có mức tăng chậm có TP.HCM, Khánh Hòa, và riêng Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 3,8%. Theo ông Bùi Hà, trường hợp Bà Rịa - Vũng Tàu giảm là do sản lượng khai thác dầu khí thời điểm hiện tại giảm so với cùng kỳ năm 2007. Khó khăn thật sự và lớn nhất trong sản xuất công nghiệp, theo Bộ KH-ĐT, là giá nguyên vật liệu tăng, thiếu vốn, lãi suất tăng cao và tình trạng cắt điện thường xuyên.
Về vốn tín dụng đầu tư phát triển, ông Bùi Hà cho biết đến hết tháng 7-2008, nguồn vốn trên đã đạt 20.200 tỉ đồng. Trong đó, vốn ODA cho vay lại là 3.500 tỉ đồng.
Ông Trần Quốc Toản, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết trong phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã kết luận các mục tiêu như kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý cơ bản đã đạt được, thực tế cho thấy tình hình đã có chuyển biến dù còn nhiều khó khăn. Hiện tại, dự trữ ngoại tệ của VN tiếp tục tăng. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thời gian qua có một số được rút ra nhưng tổng vẫn tăng 700 triệu USD, chứng tỏ đánh giá của các nhà đầu tư về nền kinh tế VN vẫn tốt.
Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá sự ổn định trên là chưa vững chắc, lạm phát vẫn ở mức cao, cần tiếp tục quyết liệt trong điều hành, cố gắng giảm nhập siêu xuống 30% xuất khẩu, tiếp tục ổn định tỉ giá, điều tiết tín dụng hợp lý, tiếp tục cắt giảm đầu tư. Bên cạnh đó, ông Trần Quốc Toản cho biết Thủ tướng đã chỉ thị tiếp tục tăng cường kiểm tra, chống hành vi lợi dụng găm hàng, tăng giá. Các cơ quan chức năng không được để thiếu hàng hóa cả trong dân sinh và sản xuất.
Trả lời câu hỏi của phóng viên trách nhiệm sẽ được quy cho cơ quan nào khi tham mưu Chính phủ cấm xuất khẩu gạo thời điểm giá thế giới tăng cao, nay giá giảm thì lại đẩy mạnh xuất khẩu? Ông Nguyễn Thành Biên cho rằng diễn biến giá gạo thời gian qua có yếu tố đột biến, ngoài dự kiến. Mức giá cao 1.200 USD/tấn không phải giá thực, ở VN giá gạo khi sốt ảo lên đến 20.000đ/kg cũng không phải giá thực nên không thể tính hiệu quả cũng như thiệt hại kinh tế dựa trên giá đột biến. Theo ông Biên, lập luận nông dân thua thiệt 500 triệu USD là không thuyết phục.
Giá hiện tại thấp có nhiều lý do, trong đó có yếu tố lúa gạo vụ hè thu bao giờ cũng thấp hơn vụ đông xuân. Để giải quyết, ông Biên khẳng định Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang xem xét việc điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu gạo trong thời gian tới, có thể sẽ xin Chính phủ cho ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu gạo để tăng lượng gạo xuất khẩu, tránh tình trạng tồn đọng.
Ông Biên cũng khẳng định thông tin xuất khẩu gạo chỉ đủ mua phân bón là không chính xác, gạo VN 2,7 triệu tấn, giá trị cao hơn nhiều mức nhập phân bón, khoảng 1,1 tỉ USD. Vả lại, phân bón không chỉ để trồng lúa mà còn dùng cho nhiều cây công nghiệp khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận