20/12/2019 16:30 GMT+7

Chính phủ Hà Lan phải mua lại đất của dân làm đầm lầy thoát nước

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Dù với kinh nghiệm hàng trăm năm đắp đê, lấn biển, Hà Lan phải thừa nhận họ có nguy cơ bị nhấn chìm trong thế kỷ này do nước biển dâng nhanh. Các kế hoạch chống đỡ và rút lui đang được cân nhắc ngay từ bây giờ.

Chính phủ Hà Lan phải mua lại đất của dân làm đầm lầy thoát nước - Ảnh 1.

Houtribdijk là một con đê lớn ở miền bắc Hà Lan bảo vệ đất nước này khỏi nước biển - Ảnh: AFP

Quyển danh bạ điện thoại của vùng Noordwaard ở Hà Lan là những gì còn sót lại của một cộng đồng dân cư từng tồn tại. Trước đây là một vùng nông nghiệp, Noordwaard ngày nay là một đầm lầy cỏ mọc ở tây nam Hà Lan, được bỏ hoang để thoát lũ cho các thành phố lân cận.

"Cách đây vài năm, cái đầm đó là những trang trại to đẹp trồng khoai tây và củ hành. Bây giờ không còn lại gì cả" - ông Stan Fleerakkers, một nông dân nuôi bò sữa, lên tiếng đầy tiếc nuối.

Noordwaard là một trong 39 khu vực được lựa chọn bởi Chính phủ Hà Lan cho chương trình "Room for the River" (Khoảng trống cho dòng sông), theo đó họ mua lại đất của nông dân với giá thị trường rồi bỏ hoang để chứa lũ, thay vì cố tìm cách chống đỡ.

Đây là cách tiếp cận hiện đại và ngược hẳn với truyền thống hàng thế kỷ lấn biển, xây đê của quốc gia nổi tiếng vì nằm dưới mực nước biển.

Nước biển dâng nhanh do biến đổi khí hậu trong thế kỷ này là một thực tế khẩn cấp, và Chính phủ Hà Lan đang chạy đua với thời gian để giữ cho một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới không bị chìm xuống Biển Bắc.

Hiện tại, các dự báo nước biển dâng được xếp từ cấp độ "đối phó được" cho đến các kịch bản "tận thế" - tức vượt quá khả năng phản ứng của các quốc gia.

Trong các kịch bản lạc quan, hệ thống đê, đập chắn, máy bơm và công nghệ thích ứng của Hà Lan có thể kiểm soát được, với một cái giá nhất định. Nhưng tất cả những thứ đó cũng có giới hạn của nó.

"Ở cực ngược lại là rút lui có kiểm soát, tất nhiên là không hay ho gì vì chúng tôi phải tìm chỗ ở cho 10 triệu người. Vào cái ngày điều này xảy ra, các nền kinh tế địa phương sẽ sụp đổ ngay lập tức.

Đây thật sự là kịch bản ác mộng, nhưng hoàn toàn nghiêm túc. Nó sẽ đỡ khủng khiếp hơn nếu chúng ta lên kế hoạch ngay từ bây giờ" - giáo sư Maarten Kleinhans thuộc Đại học Utrecht mô tả.

Chính phủ Hà Lan phải mua lại đất của dân làm đầm lầy thoát nước - Ảnh 2.

Từng là một vùng nông nghiệp, Noordwaard ngày nay là một đầm lầy thoát lũ ở Hà Lan - Ảnh: SCMP

Việc Hà Lan đối phó được bao nhiêu mét nước biển dâng còn tùy thuộc vào thời gian chuẩn bị. Chính phủ nước này ước tính các lớp phòng thủ hiện tại chỉ đủ xài đến năm 2050.

Cuộc chiến với nước không đơn giản và mất nhiều thời gian. Để hình dung, các công trình nâng cấp chống lũ trong suốt 30 năm qua chỉ giúp Hà Lan chống đỡ được thêm 40cm nước biển dâng.

Và sẽ đến một thời điểm mọi hành động giải cứu vùng đất trở nên không còn ý nghĩa về mặt tài chính. 

Về mặt kỹ thuật có rất nhiều phương án, nhưng đến một lúc nào đó anh cần tự hỏi đây có phải giải pháp khả thi? Kế hoạch B là tháo lui. Trả lại một phần đất cho biển cả"

Ông Michiel van den Broeke, giáo sư khí tượng thuộc ĐH Utrech

Bà Marjolijn Haasnoot, nhà khoa học môi trường thuộc Viện Nghiên cứu Deltares - chuyên gia được Chính phủ Hà Lan ủy thác nghiên cứu nước biển dâng - cảnh báo rằng những gì sắp đến có thể vượt xa mọi thứ Hà Lan từng đối mặt trước đây.

"Có khả năng nước biển sẽ dâng rất nhanh sau năm 2050, và chúng ta phải làm nhiều việc trong một thời gian ngắn. Một số quyết định có thể mang quy mô rất lớn, mà chúng ta lại không có chút kinh nghiệm nào" - bà nêu lên nỗi lo của mình.

Riêng giáo sư Kleinhans tin rằng phần lớn người dân Hà Lan vẫn còn mơ hồ về sự an toàn và khả năng chống lũ của đất nước mình, một niềm tin dựa trên quá khứ.

"Chúng ta đang đối mặt với một điều tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, và có lẽ cả trong lịch sử địa chất. Chúng ta chưa từng gặp thách thức kiểu này, và chúng ta chưa sẵn sàng cho nó" - ông Kleinhans nhận định.

ĐBSCL chỉ còn trên mực nước biển 0,8m, nguy cơ di tản 12 triệu người ĐBSCL chỉ còn trên mực nước biển 0,8m, nguy cơ di tản 12 triệu người

TTO - Các nhà khoa học Hà Lan công bố phát hiện rằng ĐBSCL chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8m (so với mức 2,6m theo công bố hiện tại), đồng nghĩa với nguy cơ 12 triệu dân vùng đồng bằng này sẽ phải di cư trong 50 năm tới.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên