Nghị quyết này vừa được Chính phủ ban hành trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tổ chức vào ngày 30 và 31-8.
Theo đó, Chính phủ thống nhất giao Bộ Lao động - thương binh và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, còn Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước đối với các trường sư phạm.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, cơ quan quản lý trực tiếp các trường trung cấp, cao đẳng khẩn trương chỉ đạo thực hiện tự chủ trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giảm nhanh can thiệp hành chính của bộ chủ quản và UBND cấp tỉnh.
Như vậy, đến nay, sau hơn một năm Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức được Chính phủ giao là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Trước đó, vào tháng 11-2014, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp, nhưng cả Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH đều không nhận được “quá bán” số phiếu tán thành từ đại biểu Quốc hội về việc đảm nhận vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với hệ thống này.
Cụ thể, chỉ có 34% nhất trí giao cho Bộ LĐ-TB&XH làm đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, 29,4% đề nghị giao cho Bộ GD-ĐT, còn lại là đồng ý giao Chính phủ phân công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn và ý kiến khác.
Sau đó, dù Luật Giáo dục nghề nghiệp chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, với thay đổi căn bản chuyển toàn bộ hệ thống CĐ, CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề - vốn trước đây thuộc sự quản lý của hai bộ GD-ĐT và LĐ-TB&XH- nhập chung vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp thống nhất, nhưng tại thời điểm đó cũng chưa có bộ nào chính thức được phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước với hệ thống này.
Trước bất cập này, Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp kinh tế- kỹ thuật Việt Nam nhiều lần kiến nghị về những vướng mắc các trường gặp phải khi luật có hiệu lực nhưng “chưa được thực thi, chưa đi vào cuộc sống”, đồng thời kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp nhằm đảm bảo hệ thống giáo dục được liên thông từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục ĐH.
Gần đây nhất, tháng 6-2016, chính Bộ GD-ĐT cũng có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thống nhất giao cho Bộ GD-ĐT quản lý hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến đại học, kể cả bậc trung cấp nghề, cao đẳng nghề đang thuộc Bộ LĐ-TB&XH quản lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận