Chính phủ vừa có báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Quốc hội. Một trong những vấn đề được nhân dân góp ý nhiều là tài chính về đất đai, giá đất.
Trong đó, có ý kiến đề nghị áp dụng các loại thuế, phí như thuế lũy tiến với người mua “nhà ở thứ hai trở lên” và thuế lũy tiến theo thời gian bán bất động sản, các loại phụ phí (càng ở khu vực, thành phố trung tâm phụ phí càng cao) để hạn chế đầu cơ đất, giữ đất, hạn chế tình trạng “nhà/đất không sử dụng”.
Rà soát quy định thuế sở hữu nhà ở thứ hai trở lên
Giải trình, Chính phủ nhắc lại nghị quyết số 18 của Trung ương đã khẳng định “quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang”.
Theo đó, dự thảo luật đã bổ sung khoản thu từ “tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, sử dụng chậm tiến độ”.
Với quan điểm, quy định cụ thể về mức thuế suất phải được quy định tại pháp luật về thuế, Chính phủ cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo xin ghi nhận và báo cáo, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Thuế nghiên cứu, rà soát cho phù hợp.
Đối với các ý kiến liên quan đến , có ý kiến cho rằng dự thảo luật bỏ quy định khung giá đất là phù hợp, song cũng có ý kiến cho hay cần điều chỉnh khi có biến động từ 20% trở lên; ban hành bảng giá đất 5 năm, 3 năm, 2 năm một lần hoặc theo từng giai đoạn.
Chính phủ cho biết qua tổng kết, việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20% không đảm bảo giá đất phù hợp với giá thị trường.
Việc theo dõi chỉ số biến động giá đất thị trường chưa thực hiện được, dẫn đến bảng giá đất thường thấp hơn nhiều so với giá đất thị trường.
Do vậy, dự thảo luật quy định bảng giá đất cần phải được ban hành hằng năm để đảm bảo phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng thị trường, gây thất thu ngân sách và khiếu kiện.
Với phương án đã ban hành bảng giá đất 5 năm trước ngày luật này có hiệu lực thì tiếp tục được áp dụng bảng giá đất đã phê duyệt đến hết kỳ của bảng giá. Đồng thời, tập trung nguồn lực lập và ban hành bảng giá đất hằng năm theo quy định sau khi áp dụng chu kỳ 5 năm hết hiệu lực.
Làm rõ quy định thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng
Liên quan đến nội dung thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất.
Đặc biệt là quy định về dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được đánh giá là còn rộng, chưa cụ thể.
Theo đó, cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ tính chất “vì lợi ích quốc gia, công cộng” để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.
Đồng thời, các cơ quan cần cân nhắc việc thu hồi đất đối với dự án nhà ở thương mại để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Giải trình, cơ quan soạn thảo cho biết dự thảo đã chỉnh sửa toàn diện, quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các công trình công cộng như: giao thông, thủy lợi, năng lượng, bưu chính viễn thông...
Đồng thời dự thảo quy định rõ trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như: dự án nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, dự án lấn biển, xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội...
“Với các dự án có giá trị địa tô chênh lệch cao như dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại, Nhà nước chỉ thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất”, Chính phủ nêu rõ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận