Thực trạng nước biển dâng cao, do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu đã buộc Chính phủ Fiji - quốc đảo ở Châu Đại Dương - lên kế hoạch di dời thêm hơn 40 ngôi làng tới vùng đất cao hơn để tránh ngập lụt, cũng như chuẩn bị phương án hỗ trợ người di cư trong tương lai từ các quốc đảo Thái Bình Dương khác.
Giới chức Fiji ngày 17-11 đã đưa ra thông báo trên tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Bonn, Đức.
Theo thông báo nói trên, kể từ năm 2012 đến nay, quốc đảo này đã di dời tổng cộng 3 ngôi làng do mực nước biển tăng và theo kế hoạch sẽ có thêm 43 ngôi làng khác nằm trong diện phải di dời.
Vunidogoloa là ngôi làng đầu tiên trên đảo lớn thứ 2 của Fiji là Vanua Levu phải di dời.
So với các quốc đảo khác cùng khu vực, Fiji có diện tích lớn hơn và có vùng núi cao 1.300m so với mực nước biển. Do đó, Fiji, quốc gia có khoảng 900.000 dân sinh sống trên hàng trăm đảo nhỏ, đã đề xuất hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương ở vùng đất thấp hơn.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết mực nước biển hiện nay đã tăng 26cm kể từ cuối thế kỷ 19 do tình trạng băng tan và được dự báo sẽ tăng tới 1m vào năm 2100.
Việc nước biển dâng cao đã khiến các cơn bão gây hậu quả tồi tệ hơn một khi xảy ra. Cơn bão lốc Winston xảy ra năm 2016 là một ví dụ điển hình. Cơn bão này đã cướp đi sinh mạng của 44 người tại Fiji và gây thiệt hại kinh tế lên tới 1,4 tỷ USD, tương đương 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Trong khi đó, hồi năm 2014, quốc đảo Kiribati ở Thái Bình Dương cũng đã mua 2.400ha đất rừng của Fiji để chuẩn bị cho việc di dời dân và đất trồng trọt khi nước biển dâng cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận