TTCT - Để có một hệ thống thông tin đầy đủ và minh bạch nhằm có thể giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, kiểm chứng tính công minh và nghiêm túc của cơ quan chỉ đạo điều hành, Chính phủ điện tử là một công cụ hữu ích. Nhưng Chính phủ điện tử hiện đang đi về đâu? Minh họa: Đức TríMột hệ thống thông tin Chính phủ điện tử đầy đủ luôn có hai luồng thông tin ngược chiều nhau trong mối quan hệ giữa bên quản lý và bên thừa hành. Đó là thông tin số liệu (định lượng và định tính) dùng để chuyển tải thông tin xuất phát từ bên thừa hành và thông tin chỉ đạo điều hành xuất phát từ bên quản lý.Rời rạc và khó kiểm chứngNhưng hiện nay hệ thống thông tin kinh tế - xã hội được nhiều tỉnh/thành phố xây dựng và triển khai theo dạng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, lấy từ số liệu báo cáo của cấp cơ sở (xã hoặc huyện). Các số liệu báo cáo được thu thập và đưa vào hệ thống qua các nhân viên chức năng cấp nào thì được lãnh đạo cấp đó phê duyệt và trở thành thông tin chính thức của cấp đó và rồi tiếp tục được tổng hợp, điều chỉnh để báo cáo lên cấp cao hơn (cấp tỉnh, trung ương).Trong quá trình này, việc hiệu chỉnh số liệu để làm đẹp con số hoặc ngụy tạo số liệu theo chỉ đạo của cấp trên rất dễ xảy ra do không thể kiểm chứng tính xác thực cũng như giá trị pháp lý của số liệu. Việc này dẫn tới thực tế là số liệu các bộ, ngành mâu thuẫn nhau.Trong mối quan hệ quản lý nhà nước, cấp cơ sở phải vận hành hệ thống thu thập số liệu để báo cáo cấp trên nhưng không thật sự khai thác được lợi ích từ các số liệu đã thu thập. Các thông tin tổng hợp tự động nhờ các thuật toán thống kê trong hệ thống dùng chung không thể sử dụng cho công tác phân tích và chỉ đạo điều hành ở cơ sở vì số liệu thiếu tính xác thực và không đầy đủ.Trong khi đó, hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành, vận hành độc lập với hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, được nhiều tỉnh/thành phố áp dụng nhằm theo dõi việc thi hành các chỉ đạo của lãnh đạo đối với cấp thừa hành. Tuy nhiên, kết quả của các ý kiến chỉ đạo cũng không thể theo dõi hoặc đo lường được vì thường những ý kiến chỉ đạo điều hành này thiên về định tính, chỉ đạo chung chung.Vô số ví dụ về những thông tin chỉ đạo điều hành với những mệnh đề như: “khẩn trương, quyết liệt chống ngập”, “nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy” hay “tăng cường kiểm tra giám sát”... mà không kèm theo hoặc đồng bộ với những chỉ tiêu định lượng.Rất nhiều kết luận ở các hội nghị, chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên không được cấp dưới thực hiện và cũng không có cơ chế giám sát việc thực hiện. Tính nghiêm minh và trách nhiệm của công tác chỉ đạo điều hành do đó cũng không đo lường được.Xây dựng một hệ thống thông tin điện tử chỉ đơn thuần xuất phát từ một trong hai nguồn thông tin, hoặc số liệu hoặc chỉ đạo điều hành như thế là một cách tiếp cận không đầy đủ và dễ dẫn tới thất bại vì chỉ mang lại lợi ích cho một bên trong mối quan hệ quản lý nhà nước.Bất cập về đào tạo con người thực thi chính phủ điện tửCông nghệ thông tin trong quản lý nhà nước là một trong những nội dung đào tạo bắt buộc đối với cán bộ - công chức từ cấp độ chuyên viên trở lên. Tuy nhiên, ở nội dung đào tạo của chương trình bồi dưỡng (được thống nhất áp dụng trên toàn quốc) lẽ ra nên tập trung làm rõ quy luật hình thành và lưu chuyển của thông tin tại các cơ quan quản lý nhà nước với sự trợ giúp của công nghệ thì lại quá ôm đồm về nội dung công nghệ, tập trung giải thích những kiến thức chuyên môn sâu chỉ dành riêng cho các kỹ sư tin học.Hệ thống chức danh nghề nghiệp của những chuyên viên tin học trong cơ quan nhà nước chưa được công nhận chính thức và thường được phiên ngang sang ngạch chuyên viên hành chính, chưa được chú trọng trong bổ nhiệm và khen thưởng, nhất là khi nâng ngạch - bậc lương. Hậu quả là những chuyên viên tin học am hiểu về quản lý nhà nước không có vai trò và động lực tham gia quy trình phát triển phần mềm.Trong khi đó, những giải pháp tin học hướng tới Chính phủ điện tử lại thường chịu ảnh hưởng góc nhìn của cơ quan là chủ đầu tư dự án, thường không có đủ chuyên môn cả về quản lý nhà nước lẫn về tin học.Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương xem văn bản điện tử như văn bản giấy, quán tính sử dụng thông tin bằng văn bản giấy vẫn còn rất rõ. Trớ trêu là thông tin điện tử thường có độ trễ hơn thông tin văn bản giấy do phải thực hiện quy trình như văn bản giấy rồi mới chuyển đổi sang văn bản sao chụp điện tử.Vì thế, nhiều bộ - ngành đã triển khai các dự án Chính phủ điện tử nhưng bản chất công tác điều hành của chính quyền vẫn dựa trên quy trình ban hành văn bản hành chính trên giấy tờ. Cho nên chỉ đến khi nào mỗi cơ quan nhà nước áp dụng một quy trình điều hành hành chính không sử dụng giấy tờ thì các thế mạnh của thông tin điện tử mới thật sự phát huy tác dụng.Loại bỏ rào cản cho sự minh bạchChính sách bảo mật thông tin của Nhà nước dễ bị các cơ quan hành pháp lạm dụng và gây thiệt hại tới quyền lợi hợp pháp của công dân.Trường hợp công văn số 1402/C67-P3 ngày 26-4-2013 có tính chất lưu hành nội bộ của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) với một điều có tính cản trở việc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát gần đây (về sau đã được hủy bỏ) gây bức xúc mạnh mẽ trong dư luận về thẩm quyền của cơ quan nhà nước đối với công dân. Người dân sẽ không thể biết được sự tồn tại và hiệu lực thực thi một văn bản điều hành được bảo mật của ngành cảnh sát giao thông trừ khi nó được công bố để làm cơ sở cho những tranh luận về quyền hạn của cơ quan nhà nước.Để thúc đẩy và tăng cường việc thực thi pháp luật, giám sát thực thi pháp luật tại các cơ quan quản lý nhà nước, người dân rất cần được tiếp cận những thông tin công khai về tình hình kinh tế - xã hội, được quyền tham gia trong quá trình soạn thảo ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, tham gia đóng góp ý kiến vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cơ quan nhà nước (trừ những vấn đề thuộc an ninh quốc phòng phải công khai với các đại biểu Quốc hội).Chính phủ điện tử cần một tư duy mớiBài học của quy trình xử phạt vi phạm giao thông của Hoa Kỳ cho thấy tính tiện ích của các dịch vụ công của chính quyền hướng tới người dân: cảnh sát chỉ là người phát hiện và ghi nhận bằng chứng vi phạm, không phải là người có quyền phán xét đúng hay sai nên không có quyền thu tiền vi phạm. Do đó cảnh sát giao thông không thể phát sinh tham nhũng bằng hình thức “phạt tại chỗ nhưng “quên” xuất hóa đơn”.Người vi phạm nếu thừa nhận vi phạm thì có thể chuyển tiền phạt vào tài khoản cho đơn vị quản lý và vi phạm tự động được ghi nhận vào hồ sơ điện tử về người lái xe (dẫn tới tăng phí bảo hiểm của lái xe). Nếu họ không thừa nhận thì với các bằng chứng họ tự thu thập (băng ghi âm, hình ảnh từ camera, người làm chứng...), họ có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phán xét (tòa án) ra phán quyết công bằng dựa trên bằng chứng.Các hệ thống thông tin phục vụ dịch vụ công của Chính phủ điện tử trong trường hợp này được liên kết giữa nhiều cơ quan quản lý trong một quy trình dịch vụ và kiểm soát khép kín: cảnh sát, DMV (tương đương sở GTVT), tòa án, cơ quan quản lý tài chính và công ty bảo hiểm.Luật pháp không trao cho bất kỳ một cảnh sát giao thông nào quyền được thay mặt nhà nước gây thiệt hại cho người lái xe khi họ vi phạm giao thông. Các chi phí hoặc điều kiện cho nhũng nhiễu từ cảnh sát giao thông trong các quy trình như “tạm giam xe 10 ngày sau tới làm việc” hoặc “chờ ý kiến chỉ đạo cấp trên” được ngăn chặn triệt để trong các quy trình xử lý vi phạm.Các đầu tư cho dự án từ ngân sách nhà nước (hoặc huy động đầu tư) đều phải dựa vào các tiêu chí tăng tính hiệu quả: giảm tổn thất cho xã hội, đảm bảo thu hồi vốn, rút ngắn thời gian xử lý (tính bằng giây)... trong các hệ thống dịch vụ công điện tử nhằm giảm tối đa sự phiền hà cho người dân và minh bạch mọi nguồn - khoản thu vào ngân sách chung của nhà nước. Chi phí vận hành được sử dụng từ nguồn thu của dịch vụ công.Tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo rất cần một sự đột phá trong tư duy đối với kế hoạch phát triển - đầu tư xây dựng các hệ thống cung cấp dịch vụ công. Không thể chỉ dựa vào nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước để xây dựng Chính phủ điện tử mà cần một cơ chế cho sự tham gia từ các thành phần kinh tế và xã hội khác theo quy luật thị trường.Với sự công khai các thông tin - dữ liệu về quy trình xử phạt vi phạm giao thông, các chuyên gia phân tích có thể chỉ rõ: các lỗi vi phạm cao, nguyên nhân nào dẫn tới sự vi phạm, ngân sách thu được bao nhiêu, biện pháp phòng ngừa nào là tối ưu. Việc này cũng sẽ chỉ rõ nguyên nhân của việc gia tăng tai nạn giao thông là gì, cũng như khẳng định về mặt khoa học cách giải thích nguyên nhân gây tai nạn giao thông là “do ý thức của người tham gia giao thông” có chính xác hay không.Tư duy mới cần có là việc xúc tiến liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân từ quá trình phân tích nhu cầu dịch vụ, xây dựng kế hoạch đầu tư - triển khai, phân định trách nhiệm xây dựng các thành phần của hệ thống, đến việc cung cấp thông tin, quản lý và giám sát công khai quy trình hành chính từ các thành phần trong xã hội. Chỉ như vậy ta mới có cơ may đạt tới một Chính phủ điện tử đúng nghĩa như đã đặt ra từ hơn chục năm trước. Nhiều lãnh đạo chính quyền các cấp hiện nay có tư duy bó hẹp ở mức xem hệ thống thông tin điện tử được sử dụng trong các cơ quan nhà nước là “Chính phủ điện tử”. Sự thật là nếu có một hệ thống có thể đảm bảo được các yêu cầu trao đổi thông tin dữ liệu và chỉ đạo điều hành thì hệ thống đó mới chỉ giải quyết mối quan hệ giữa chính quyền với chính quyền (G2G). Các ứng dụng cho các mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp, chính quyền với công dân thường bị xếp vào độ ưu tiên thấp. Do đó, điều cần khẳng định rõ là: Chính phủ điện tử tại Việt Nam không chỉ do Chính phủ Việt Nam xây dựng.(*): Thạc sĩ hành chính công Đại học Syracuse, Hoa Kỳ, cựu sinh viên chương trình IFP Việt Nam Tags: Chính quyềnChính phủ điện tửHệ thống thông tinNGÔ TUẤN HIỂN
7 chiếc tiêm kích Su30-MK2 bay trên bầu trời Hà Nội NAM TRẦN 25/11/2024 Trưa 25-11, bảy chiếc tiêm kích Su30-MK2 cùng nhiều trực thăng Mi bay tập trên bầu trời quanh sân bay Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội.
Cựu bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ bị đề nghị 28-29 năm tù TUYẾT MAI 25/11/2024 Ông Thọ nhiều lần nhận tiền, tài sản của bà Mai Thị Hồng Hạnh (chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil), tổng số tiền 22,8 tỉ đồng.
Đã tìm thấy hơn 400 bộ tiểu sành, hài cốt trên phố Tây Sơn, Hà Nội PHẠM TUẤN 25/11/2024 Cải tạo hệ thống thoát nước ở ngõ 167 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện hơn 400 bộ tiểu sành dưới mặt đất.
Ukraine có thể đánh chặn tên lửa Oreshnik của Nga? MINH KHÔI 25/11/2024 Tổng thống Ukraine khẳng định thế giới đã có các hệ thống phòng không đủ khả năng bắn hạ loại tên lửa tầm trung mới Oreshnik của Nga.