Chính phủ vừa có nghị quyết về đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội liên quan việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) như đề nghị của Bộ Tài chính.
Cơ quan này sẽ tiếp thu các ý kiến của thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định, chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
Đề xuất giảm thuế VAT không phải cho tất cả các mặt hàng
Chính phủ giao bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng, ký tờ trình của Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp Quốc hội.
Theo đó, tại tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã đề nghị bổ sung nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Tờ trình nhấn mạnh năm 2023 Quốc hội đã ban hành nghị quyết 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đề ra giải pháp giảm thuế VAT 2% với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 10%, áp dụng từ ngày 1-2-2022 đến hết 31-12-2022.
Đến năm 2023, trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội ban hành nghị quyết 101/2023 cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT, áp dụng từ 1-7 đến hết ngày 31-12.
Theo Chính phủ, giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, trên cơ sở cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Chính phủ cho rằng cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất tiếp giải pháp cho năm 2024.
Giảm VAT áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024
Cụ thể, tiếp tục xem xét giảm thuế giá trị gia tăng 2%, xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.
“Từ kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2%, Chính phủ nhận thấy việc tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết” - tờ trình nêu.
Theo đó, Chính phủ đề nghị giảm 2% thuế VAT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm thuế VAT sau thời điểm 30-6-2024.
Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 theo quy trình một kỳ họp.
Trước đó, tại phiên thảo luận về ngân sách nhà nước ngày 2-11, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần mở rộng đối tượng giảm thuế VAT 2% cho tất cả các lĩnh vực.
VCCI cũng kiến nghị mở rộng việc giảm thuế VAT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ; Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã kiến nghị loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có giảm VAT cho bất động sản...
Tuy vậy, giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc giảm 2% thuế VAT đã thực hiện theo nghị quyết 43. Tuy nhiên với một số ngành nghề kinh doanh tài chính, viễn thông, chứng khoán, ngân hàng... không thực hiện giảm, bởi việc giảm thêm sẽ gây áp lực cho ngân sách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận