Chiều 30-11, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Khi sửa luật, Chính phủ sẽ điều chỉnh
Tại cuộc họp báo, Tuổi Trẻ Online nêu câu hỏi mức giảm trừ gia cảnh đã được nêu nhiều. Bộ Tài chính đã có thông tin lấy ý kiến, tuy nhiên dự kiến đến năm 2026 mới thông qua và năm 2027 mới thực hiện. Trong khi mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã rất lạc hậu, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Trả lời câu hỏi này, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Tuấn Anh cho biết nhiều đại biểu đã có ý kiến về việc sửa mức giảm trừ gia cảnh.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân đã giao cho Chính phủ khi có biến động về CPI trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
"Tuy nhiên, đã từ lâu Chính phủ chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Chúng tôi cũng thấy rằng mức giảm trừ gia cảnh so với thời điểm điều chỉnh đến nay đã có thay đổi.
Tuy nhiên, trong kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quá trình làm việc với Bộ Tài chính, chúng tôi đã có ý kiến lưu ý, đề nghị nghiên cứu sửa đổi.
Nhưng thời gian qua Bộ Tài chính đang tập trung vào các lĩnh vực có vướng mắc để làm sao có tháo gỡ ngay nhằm phát triển", ông Tuấn Anh nói.
Ông nói thêm, tại Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi được Quốc hội thông qua đã nâng ngưỡng không chịu thuế từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng. Việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ đồng bộ để giảm ngưỡng chịu thuế với các hộ, cá nhân sản xuất kinh doanh.
Với mức giảm trừ gia cảnh chung, ông Tuấn Anh cho hay khi sửa luật tin rằng Chính phủ sẽ điều chỉnh.
Song, theo thẩm quyền đến nay, Chính phủ chưa trình điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh này sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định theo quyết định.
Dự kiến đầu năm 2025, Quốc hội có phương án tinh gọn bộ máy
Trả lời câu hỏi liên quan vấn đề tinh gọn bộ máy, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ đây là quyết tâm cả hệ thống chính trị với tinh gọn bộ máy, như Tổng Bí thư đưa ra tại Hội nghị Trung ương.
Ông nhấn mạnh tinh gọn ở đây không phải giảm đi mà phải đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, hiệu năng. Tức là vấn đề này phải nghiên cứu rất kỹ.
Để triển khai nghị quyết Trung ương, Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo và Chủ tịch Quốc hội là trưởng ban chỉ đạo tinh gọn bộ máy.
Thời gian, thời điểm, hiện nay tiến hành đồng thời nhiều việc, trong đó có việc rà soát triển khai nghị quyết 18 đồng thời tinh gọn bộ máy các Ủy ban Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Đang ở trong quá trình rà soát, sẽ thông báo rất sớm kết quả phương án khi báo cáo Đảng đoàn Quốc hội, Bộ Chính trị.
Ông Tùng nêu rõ dự kiến đến cuối tháng 12, đầu năm 2025 để thông báo, tuyên truyền đến cử tri, nhân dân. "Đây là vấn đề cần nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng và như Tổng Bí thư nói phải rất khoa học", ông Tùng nêu rõ.
Ông cho biết sẽ thông tin đến báo chí về kết quả tinh gọn bộ máy để tuyên truyền đến đồng bào, cử tri. "Còn số lượng đại biểu, số lượng các cơ quan thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đòi hỏi quá trình nghiên cứu, đánh giá kỹ, rất khoa học", ông Tùng nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận