TTO - Ông Kim Jin Deok, giám đốc đại diện Công ty RPS Vina - nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc nhận định ngành công nghiệp chế tạo máy móc Việt Nam còn non trẻ, cần được chính phủ hỗ trợ để tạo nền tảng vững chắc, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp khác cùng phát triển bền vững.

Trao đổi với Tuổi trẻ Online, ông Kim Jin Deok cho biết từng nhiều năm làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy tại Hàn Quốc. Theo ông, để có được ngành công nghiệp phát triển như hiện nay, chính phủ Hàn Quốc đã luôn hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc sản xuất các dòng sản phẩm nội địa.

Việt Nam cần nhìn nhận vấn đề này, ngành công nghiệp ô tô đang dần phát triển, Vinfast đang sản xuất, lắp ráp ô tô. Muốn ngành công nghiệp ô tô phát triển thì ngành chế tạo máy phải phát triển ngang tầm để hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng đến nay Việt Nam hầu như chưa có ngành chế tạo máy công cụ để phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Vì vậy, chính phủ cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ ngành chế tạo máy phát triển, qua đó nội địa sản xuất máy công cụ để tạo lập nền tảng phát triển bền vững.

Chính phủ cần hỗ trợ công nghiệp chế tạo máy móc phát triển - Ảnh 1.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, vì sao Công ty RPS Vina và nhiều doanh nghiệp FDI đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư?

Chính phủ cần hỗ trợ công nghiệp chế tạo máy móc phát triển - Ảnh 2.

ÔNG KIM JIN DEOK: Công ty RPS Vina là một nhà cung ứng, nằm trong chuỗi cung ứng sản xuất của Tập đoàn Samsung. Từ năm 2015, chúng tôi đã cung cấp một số lượng lớn trục quay (Spindle) cho phân xưởng sản xuất điện thoại di động của Samsung Việt Nam. Đó là lý do chi nhánh công ty RPS Vina được thành lập vào tháng 4 - 2016. Khi mới thành lập tại Bắc Ninh, Công ty hoạt động dựa trên nền tảng quan hệ hợp tác với Samsung Việt Nam.

Samsung Việt Nam đang là khách hàng lớn quan trọng bậc nhất, đang vận hành hàng nghìn sản phẩm đến từ RPS Vina. Chúng tôi không chỉ cải tiến sản phẩm hiện có để có thể phù hợp với điều kiện gia công và môi trường mới thông qua kĩ thuật, bí quyết mang tính độc lập; mà còn phát triển các sản phẩm, linh phụ kiện kèm với các dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng. Tín nhiệm mang tính kĩ thuật như vậy đã có từ lâu tại Samsung Việt Nam và chúng tôi đang mở rộng vị thế nâng cao nhận thức bằng cách mở rộng dịch vụ sửa chữa các sản phẩm của các công ty khác cùng nằm trong hệ thống đối tác của Tập đoàn. RPS Vina cũng đang lên kế hoạch phát triển trục quay cho các công ty chế tạo máy công cụ OEM của Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ngoài Samsung Việt Nam, chúng tôi hiện đang mở rộng kinh doanh với các đối tác khác trong nước. Năm 2020 vừa qua, RPS Vina đã bắt đầu cung cấp dịch vụ cho các công ty Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, dự kiến trong tương sẽ mở rộng hợp tác cùng các công ty Việt Nam và nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác.

Chính phủ cần hỗ trợ công nghiệp chế tạo máy móc phát triển - Ảnh 3.

Sau hơn 5 năm đầu tư vào Việt Nam, ông cảm nhận thế nào về môi trường đầu tư kinh doanh nơi đây?

Khi mới tham gia vào thị trường Việt Nam, tôi cảm nhận chi phí đầu tư nơi đây rất hợp lý, cụ thể như giá thuê mặt bằng, chi phí xây dựng, nhân công đều thấp hơn so với nhiều quốc gia khác tại Đông Nam Á. Nhưng có những điều Việt Nam cần thay đổi đó là việc cấp giấy phép đầu tư mất rất nhiều thời gian, cơ sở hạ tầng về giao thông, trạm thông tin tín hiệu còn yếu kém, cần được nâng cấp hơn nữa. Không những vậy, thuế nhập khẩu của Việt Nam duy trì ở mức cao nên phụ kiện RPS Vina nhập về buộc phải bán ra với giá cao mới có lãi. Vấn đề này cần được điều chỉnh sao cho hợp lý, vì RPS Vina là đơn vị cung cấp dịch vụ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thời gian qua đã tạo ra một làn sóng dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc, nhiều tập đoàn toàn cầu đã chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư. Vậy ông nhìn nhận thế nào về cơ hội đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới?

Sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, có một làn sóng doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và công của các nước khác đã chuyển đến Việt Nam để đầu tư nhằm thay đổi hướng kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của Trung Quốc đang ồ ạt tiến vào thị trường Việt Nam. Đây là những doanh nghiệp tầm cỡ trên thế giới, họ đến Việt Nam đầu tư sẽ tạo ra cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh mới. Chắc chắn xu hướng dịch chuyển đầu tư vốn FDI đến Việt Nam hiện nay sẽ có thêm nhiều ngành công nghiệp mới được đưa vào phát triển tại Việt Nam, và từ đó mở ra cơ hội kinh doanh mới cho chúng tôi.

Chính phủ cần hỗ trợ công nghiệp chế tạo máy móc phát triển - Ảnh 4.

Trước đó, từ năm 2017, sau khi đặt nhà xưởng sản xuất tại Việt Nam, RPS Vina đã tham gia các cuộc triển lãm máy móc như MTA và Metalex nhằm quảng bá về sản phẩm và công nghệ của RPS Vina, qua đó tìm hiểu thêm về thông tin các doanh nghiệp để cố gắng mở rộng tìm kiếm đối tác kinh doanh. Không chỉ vậy, chúng tôi đang hợp tác để đưa ra cách tiếp cận mới khác với trước đây bằng cách giới thiệu công nghệ mới và chia sẻ giải pháp phù hợp cho các đối tác.

Để mở rộng phạm vi, nâng cao tiêu chuẩn cũng như năng lực sửa chữa tại đây, chúng tôi sẽ tăng thêm đầu tư thiết bị, mở rộng tìm kiếm thêm khách hàng, từng bước nỗ lực để đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp thiết bị máy móc tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Chính phủ cần hỗ trợ công nghiệp chế tạo máy móc phát triển - Ảnh 5.

BẢO NGỌC
NAM TRẦN
Kiều Nhi
Bảo SuZu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên