Chính phủ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11-2022 - Ảnh: VGP
Chiều 25-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11-2022 để xem xét, thảo luận, cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật di sản văn hóa (sửa đổi), đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, sau hơn 20 năm có hiệu lực thi thành, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Luật di sản văn hóa đã bộc lộ một số bất cập cần sớm khắc phục, hoàn thiện, bổ sung quy định mới, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ.
Theo đó, dự thảo luật bổ sung các quy định bảo đảm cho hoạt động kiểm kê, ghi danh, xếp hạng, công nhận. Lập, triển khai quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hoàn thiện quy định về hoạt động bảo tàng; bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, có chính sách khuyến khích hồi hương di sản. Quy định rõ hơn về nội dung, phân định rõ quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản.
Nhất trí về đề nghị xây dựng dự luật, song các ý kiến cho rằng cần phân cấp, phân quyền, đi đôi với kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực quản lý. Thực tiễn có nhiều công trình văn hóa huy động nguồn lực xã hội hóa, đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn, nên cần quản lý tốt để bảo tồn, phát huy tốt hơn giá trị di sản. Cần thống nhất nguyên tắc tiêu chí, tiêu chuẩn, quy tắc quản lý thì mới huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đóng góp từ xã hội. Rà soát, bổ sung các nội dung quy định về hồi hương cổ vật.
Với nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật, đảm bảo tổng thể, toàn diện với phạm vi, đối tượng bao quát hơn, rõ hơn cả về không gian và thời gian.
Nhấn mạnh việc phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương, Thủ tướng đề nghị các bộ tập trung vào việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường quản lý nhà nước bằng các công cụ pháp lý. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy hợp tác công tư, nhưng có cách quản lý hiệu quả.
Thủ tướng cũng lưu ý xem xét một số vấn đề như đưa vào giáo dục phổ thông, chuyển đổi số trong quản lý bảo tàng, xây dựng bảo tàng số. Giữ gìn, phát huy, tôn tạo di sản gắn với phát triển du lịch. Một số nguyên tắc xây dựng luật như chính sách thống nhất, đồng bộ, cụ thể, rõ ràng, phù hợp với các cam kết quốc tế, có tính khả thi cao.
Đối với việc sửa đổi Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho hay việc thi hành luật sau 15 năm đã phát sinh bất cập, nên cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, thực hiện cam kết quốc tế trong các FTA thế hệ mới.
Trong đó, các ý kiến cho rằng việc sửa đổi luật cần khuyến khích được sản xuất trong nước, tăng cường đổi mới sáng tạo trong hoạt động tiêu chuẩn hóa. Cần quy định pháp lý rõ ràng về Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, thể hiện cam kết cấp quốc gia của Việt Nam trong việc thực thi các FTA thế hệ mới.
Với các vấn đề nêu, Thủ tướng đề nghị cần rà soát xem chính sách đã thống nhất, đồng bộ với đường lối, chủ trương và các FTA, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Theo đó, các chính sách cần rõ ràng, có định lượng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức; khơi thông nguồn lực. Để chính sách hiệu quả cần đánh giá tác động, tham vấn rộng rãi, đổi mới quy trình, rút gọn thủ tục, phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận