Phóng to |
Một con phố cổ chuyên bán thuốc Bắc - Ảnh: H.TR. |
Nhắc đến Chợ Lớn, người ta không nghĩ đến chợ mà nghĩ đến khu phố người Hoa nhộn nhịp, sầm uất. Đó là vùng dân cư thuộc địa bàn quận 5 và một phần giáp ranh các quận 6, 8, 11. Chợ Lớn trở thành khu trung tâm thương mại lớn nhất của người Hoa tại Việt Nam, mang đậm nét văn hoá dân tộc, nơi còn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hoá, kiến trúc, tôn giáo hàng trăm năm trước.
Phố vẫn “Hoa”
Du lịch chợ Lớn độc đáo ở chỗ ngoài việc tham quan, mua sắm, du khách còn được tận mắt chứng kiến cuộc sống sôi động của những người Hoa di cư từ hàng thập kỷ trước và người Hoa được sinh ra, lớn lên ngay trên mảnh đất này. Tha thẩn qua các con phố, du khách như đang cảm nhận câu chuyện cuộc đời của những người tha hương cầu thực.
Nhà dân ở đây vẫn treo hoành phi đề chữ “Ngũ phúc lâm môn” trước cửa. Trong nhà người Hoa thường thờ cúng. Buổi sáng, trong các con hẻm ở đường Hùng Vương, Nguyễn Trãi, các ông già người Hoa vẫn thường quây quần uống trà, đánh cờ tướng. Thỉnh thoảng, trong các ngõ phố lại vang lên những khúc dân ca như Tình ca Khang Định, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Phố mang màu sắc đặc trưng, rực rỡ sắc vàng, đỏ trong phim Hoàng Kim Giáp của Trương Nghệ Mưu hay Dạ yến của Phùng Tiểu Cương.
Trên diễn đàn của trang web www.thodia.vn, một bạn có biệt danh Funny cho biết: “Mỗi khi có người ở quê vào là y như rằng tôi phải chở ra Chợ Lớn mua đồ, lấy hàng... Ở đây thứ gì cũng có bán, mua được giá sỉ nên rẻ”. Bạn khác có biệt danh Cỏ Dại phát biểu: “Chợ Lớn - cái tên gợi cho người nghe nhiều cảm nhận khác nhau. Người hình dung ra phố ăn uống nhộn nhịp. Người lại nghĩ tới xưởng sản xuất thủ công, tiệm thuốc bắc. Đây là nơi còn giữ lại nhiều nét văn hoá đặc trưng của người Hoa, gồm giá trị văn hoá, kiến trúc và tôn giáo hàng trăm năm trước. Ở đây có nhiều ngôi chùa của người Hoa. tết trung thu, đèn lồng đỏ được treo dọc hai bên đường. Đêm mười lăm, trung tâm văn hoá Quận 5 còn tổ chức múa lân đông đúc, náo nhiệt. Thức ăn trong các nhà hàng đa dạng, tên gọi cầu kỳ. Ăn ở những quán này, điều thích nhất là được nghe hai ngôn ngữ. Chủ quán vừa đối đáp với khách bằng tiếng Việt, vừa tíu tít gọi người nhà bằng tiếng Hoa, nghe rất vui và rộn rịp. Cái hay nhất là họ còn giữ được ngôn ngữ”. |
Hội quán và chùa là nơi lý tưởng để du khách tìm hiểu bản sắc văn hoá. Những ngôi chùa Hoa vẫn nguyên vẹn kiến trúc cổ kính Trung Hoa. Nổi danh nhất là chùa Bà Thiên Hậu. Du khách đến đây sẽ bắt gặp hàng loạt vòng nhang cầu an treo lủng lẳng, đường kính khoảng 1m, kèm mảnh giấy nhỏ ghi tên người cúng.
Các chùa nổi tiếng trong quần thể chùa của người Hoa còn có chùa Ông (thờ Quan Công - tượng trưng cho trung cang, nghĩa khí - được nhiều doanh nhân đến cúng để vững vàng trên thương trường), chùa ông Bổn (hay còn gọi là hội quán Nhị Phủ), chùa Minh Hương. Điều đó chứng tỏ sức nặng của đời sống tâm linh là nét đẹp tinh thần đối với những người dân nơi đây.
“Buôn có hội, bán có phường”
Ðại lộ Trần Hưng Ðạo được ví như con đường huyết mạch của chợ Lớn, đón tiếp du khách từ trung tâm thành phố vào. Nơi đây dập dìu người qua lại với hàng loạt cửa hiệu sang trọng mang dáng vẻ Hong Kong. Một con đường chuyên bán hàng thời trang khác là Nguyễn Trãi, với cả trăm cửa hiệu bán quần áo từ hàng phổ thông giá rẻ đến hàng hiệu cao cấp.
Ông Tommy, du khách người Anh, cho biết: “Mỗi lần đến thăm Việt Nam, tôi thích đi tản bộ trên đường Trần Hưng Đạo. Ngoài việc ngắm những đoàn xe qua lại, tôi còn có thú vui mua sắm vì các tiệm buôn bán của người Hoa luôn giữ chữ tín và gây cảm giác thân thiện, an toàn cho du khách”.
Phóng to |
Ở Phố người Hoa Chợ Lớn, nhịp độ làm ăn buôn bán luôn tấp nập - Ảnh: H.TR. |
Đặt chân đến đường Hải Thượng Lãn Ông hay Lương Nhữ Học, mùi thuốc bắc, thuốc nam thơm nồng bay ra từ hàng trăm nhà thuốc y học cổ truyền như Vạn Hoà, Lộc Sanh, Vinh Thành, Nam Xương, Quảng An Phát… Người Hoa vẫn giữ truyền thống buôn bán tập trung, vừa có thể liên kết làm ăn vừa thu hút được sự chú ý của khách hàng.
Phố Tàu còn có nhiều chợ đầu mối bán sỉ như chợ Bình Tây, Kim Biên, chợ vải Soái Kình Lâm. Đặc trưng nhất là chợ Bình Tây; dòng người ra vào náo nhiệt; xe tải, xe lam đậu kín mít. Cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền, ngược xuôi được thay bằng những con đường với vô vàn cửa hiệu. Trước cửa chợ là bến xe Chợ Lớn, nối liền với xa cảng miền Tây, là nơi trung chuyển hàng hoá lên xuống các tỉnh miền Tây. Đây cũng là nơi giao thương của các doanh nhân Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan...
Ẩm thực độc đáo
Văn hóa ẩm thực độc đáo của người Hoa được hình thành mấy ngàn năm đã rễ sâu lá rậm, mang phong vị đặc sắc. Nấu nướng vượt qua tác dụng duy trì sự sống trở thành loại hình nghệ thuật như mỹ thuật, âm nhạc, nâng cao cảm hứng nhân sinh.
Món ăn thiên biến vạn hoá. Nếu như nấu nướng của phương Tây thiên về khoa học thì nấu nướng của Trung Quốc lại thiên về nghệ thuật và ngẫu hứng. Nguyên tắc chung bắt nguồn từ tư tưởng triết học của Sử Bá thời Tây Chu, đó là triết học “hoà”. Từ hình thức, màu sắc, hương thơm cho đến mùi vị của các món ăn đều phải hài hoà, điều độ.
Đặc trưng của quán ăn ở đây là thường để sẵn ấm trà thơm phức và không thể thiếu bánh bao, há cảo, xíu mại... Người Quảng Đông gọi đó là dzim sum. Ngày nay, dzim sum breakfast trở thành sở thích chung của hàng triệu người trên khắp thế giới dù họ nói ngôn ngữ gì. Đến phố Tàu, chúng tôi bắt gặp ông thợ bán bánh trên đường Tháp Mười vừa cán bột vừa dùng cây chày gõ vào bàn có tiết tấu và thanh điệu, ông đầu bếp vừa xào đồ ăn vừa tung hứng thức ăn trên không. Những động tác này có thể thừa nhưng lại làm tăng hứng thú cho người lao động, tạo không khí làm việc sáng tạo.
Phố Hoa giữ chân du khách không chỉ bằng nét văn hoá độc đáo mà còn bằng món ăn của người Hoa chính hiệu. Ngoài các món ăn đặc sắc, sang trọng, thơm ngon được phục vụ tại các nhà hàng - khách sạn nổi tiếng, du khách không thể lướt qua những quán ăn hấp dẫn như thịt xá xíu, bánh bao, chân vịt rút xương, cơm chiên Dương Châu, đậu hủ Tứ Xuyên, sủi cảo, lẩu cá, cơm gà, bao tử, ruột heo, lưỡi heo, dưa cải, cháo Triều Châu...
Phố Hoa cũng là nơi có những món chè độc đáo mà nơi khác không có. Ngoài các loại chè đậu thông thường còn nhiều loại chè đặc trưng của người Hoa như chè hạt sen nhãn nhục, chè hạnh nhân, hột gà trà, táo đỏ, đường phèn, đu đủ tiềm, bạch quả, bo bo, đậu hủ ky...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận