30/11/2017 08:17 GMT+7

Chim sắt 'mỏng manh' trước chim trời, đối phó cách nào?

ĐỒNG LỘC (Nguồn: LiveScience, Telegraph, Boeing Aircraft)
ĐỒNG LỘC (Nguồn: LiveScience, Telegraph, Boeing Aircraft)

TTO - Trước ảnh hưởng của chim trời, ngành hàng không đề ra nhiều giải pháp đối phó như thiết kế lại động cơ máy bay, chế tạo máy xua đuổi chim...

Chim sắt mỏng manh trước chim trời, đối phó cách nào? - Ảnh 1.

Các vụ đâm va chim là nỗi ám ảnh của ngành hàng không - Ảnh: Aviationabove.com

Vụ đâm va nổi tiếng nhất trong giới hàng không là vào ngày 15-1-2009 ở Mỹ, một chiếc Airbus A320 mang số ký danh US Airways Flight 1549 đang lấy độ cao sau khi xuất phát từ sân bay LaGuardia, New York thì đâm phải một đàn ngỗng trời Canada làm 2 động cơ bị hư hỏng hoàn toàn.

Không còn thời gian để quay lại sân bay vì máy bay đã mất hết lực đẩy, phi công trưởng Chesley ‘Sully" Sullenberger đã quyết định đáp khẩn cấp xuống nơi trống trải nhất là... con sông Hudson chảy ngang thành phố New York.

Nhờ vào sự bình tĩnh và kỹ thuật điều khiển máy bay xuất sắc, các phi công đã khéo léo lái chiếc Airbus trượt trên trên mặt sông Hudson mà không bị vỡ nát. Cả 155 người trên máy bay đều bình an vô sự.

Giới truyền thông thời đó đã gọi đây là "Phép lạ trên sông Hudson". Ngành điện ảnh và truyền hình cũng làm nhiều bộ phim về vụ này, trong đó nổi tiếng nhất là bộ phim Sully: Miracle on the Hudson do Clint Eastwood làm đạo diễn và diễn viên nổi tiếng Tom Hanks đóng vai phi công trưởng Sullenberger. Phim vừa ra mắt khán giả vào năm ngoái.

Phim dựng lại vụ máy bay đụng phải chim phải hạ cánh khẩn cấp xuống sông Hudson - Video: YouTube, Đồng Lộc Việt hóa

Mỗi vụ bị chim đâm va hay hút vào động cơ, các hãng hàng không không chỉ thiệt hại do sửa chữa máy bay, phải đình trệ hoặc hoãn chuyến bay mà còn vì máy bay phải xả bỏ bớt nhiên liệu khi đáp khẩn cấp nhằm đề phòng cháy nổ.

Từ năm 1990-2004, có 31 vụ chim đâm va làm máy bay phải hạ cánh khẩn cấp và phải xả bỏ tổng cộng 1,36 triệu lít nhiên liệu.

Để "đối phó", các hãng chế tạo đã nghiên cứu thiết kế lại động cơ máy bay, mỗi khi có một chim nặng 1,8kg lọt vào, động cơ sẽ tự động ngừng hoạt động. Mặc dù động cơ cũng bị hư hỏng nặng, nhưng ít nhất có thể tự ngắt hoạt động mà không bị cháy nổ như trước kia.

Về mặt kết cấu, thân máy bay và cửa kính buồng lái có thể chịu được cú đâm của một con chim nặng 1,8kg, đuôi có thể chịu được chim nặng 3,6kg. Các máy bay 2 động cơ cũng được thiết kế để vẫn còn bay được với một động cơ còn lại khi động cơ kia bị hỏng.

Chim sắt mỏng manh trước chim trời, đối phó cách nào? - Ảnh 4.

Hai phi công Chester 'Sully' Sullenberg (trái) và Jeffrey B. Skiles được ca ngợi hết lời trong sự cố đâm va chim hồi năm 2009 khiến máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống sông - Ảnh: Pinterest

Ngoài ra có rất nhiều biện pháp được đưa ra để phòng ngừa chim đâm vào máy bay, nhất là ở phạm vi các sân bay như:

- Bắn pháo hoa, dùng loa phát tiếng nổ, tiếng rú rít để xua đuổi chim khỏi khu vực sân bay. Tuy nhiên biện pháp này chỉ thích hợp với một số loài, có những loài thậm chí không sợ tiếng ồn của động cơ phản lực.

- Nhái tín hiệu báo động của loài chim. Đây là biện pháp hiệu quả nhất, người ta lắp các loa phóng thanh công suất lớn trên ôtô phát tiếng kêu khi gặp nguy hiểm của các loài chim.

- Dùng chó xua chim. Biện pháp này rất hiệu quả đối với những loài chim không sợ pháo hoa như cò, diệc, mòng biển. Sự xuất hiện của những con chó được huấn luyện đặc biệt chỉ để săn bắt chim làm chúng sợ và phải rời đi nơi khác.

- Được phép bắn hạ, đặt bẫy những loài chim không nằm trong danh mục bảo vệ.

- Thả heo vào những nơi chim thường đóng tổ trên mặt đất để chúng ăn trứng và phá tổ chim.

Chim sắt mỏng manh trước chim trời, đối phó cách nào? - Ảnh 5.

Nhiều biện pháp xua chim ở khu vực sân bay đã được đưa ra để giảm thiểu sự cố do đâm va chim - Ảnh: Business Insider

- Làm thay đổi môi trường săn mồi và sinh sống quen thuộc của chim. Xung quanh các đường băng, người ta thường trồng cỏ để chống xói mòn đất, hấp thu các luồng khí xả động cơ, đường chạy cho các xe cứu hộ khi có sự cố máy bay và vì lý do thẩm mỹ. 

Tuy nhiên đây cũng là nơi trú ẩn của nhiều loài gặm nhấm, côn trùng, sâu bọ nên chim thường hay tìm đến để săn mồi, có khi còn làm tổ nữa.

Giải pháp áp dụng là tráng nhựa, trồng loại cỏ cao hoặc xịt thuốc diệt cỏ những vùng cỏ quanh sân bay mà chim thường đến săn mồi, làm chúng phải bỏ đi nơi khác.

- Đối với loài ngỗng Canada đóng tổ gần sân bay rất khó xua đuổi, người ta dùng biện pháp "triệt sản", cho người đi tìm tổ và thu lượm trứng về, ngâm trứng vào dầu ăn, xong đem trả trứng về tổ, ngỗng ấp nhưng trứng sẽ không nở.

- Huấn luyện chim săn mồi như đại bàng xua đuổi các loài cứng đầu như ngỗng trời, chim nhỏ ra khỏi phạm vi sân bay.

Chim sắt mỏng manh trước chim trời, đối phó cách nào? - Ảnh 6.

Máy bay hư hại do đâm va chim - Ảnh: Aviationabove.com

- Thiết kế lại các đèn báo gắn trên thân máy bay để chim dễ phát hiện. Bằng cách thay đổi tần suất chớp tắt đèn và bước sóng quang phổ, người ta giúp cho chim nhận biết sớm hơn sự hiện diện của máy bay, giúp chúng có đủ thời gian để tránh né.

Các điều tra về đâm va cho thấy chim cũng cố tránh máy bay nhưng không đủ thời gian phản ứng. Một nghiên cứu mới đây cho thấy một số loài chim có phản xạ nhanh hơn khi thấy đèn LED xanh dương với bước sóng 470nm.

- Cải tiến hệ thống rađa phát hiện chim. Cơ quản quản lý hàng không, cơ quan quản lý động vật hoang dã và không lực một số nước Âu - Mỹ đã cùng phối hợp cải tiến các loại rađa theo dõi không lưu để sớm phát hiện và nhận dạng chính xác hơn các đàn chim bay vào phạm vi không phận các sân bay.

Đồng thời, nghiên cứu biện pháp quản lý môi trường sinh sống của chim để chúng không còn kéo đến các sân bay nữa.

Khi chim thật

TTO - Tính từ năm 1988 đến nay, ngành hàng không dân dụng đã có 219 người thiệt mạng và 52 chiếc máy bay các loại bị rơi do đâm va với chim.

ĐỒNG LỘC (Nguồn: LiveScience, Telegraph, Boeing Aircraft)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên