09/10/2006 15:49 GMT+7

Chìm đò ở bến Chôm Lôm: Đã xác định được thi thể của 13 em

ĐẮC LAM
ĐẮC LAM

TTO - Vụ chìm đò trên sông Cả (bến đò Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An ) xảy ra sáng ngày 7-10-2006.

Trừ các em học sinh ở bên này bến Chôm Lôm, các học sinh ở bên kia bến sáng nay vẫn chưa đến trường - <EM>Ảnh:</EM> Đắc Lam
Trừ các em học sinh ở bên này bến Chôm Lôm, các học sinh ở bên kia bến sáng nay vẫn chưa đến trường - Ảnh: Đắc Lam

Đến 15g chiều 9-10-2006, đã xác định được danh tính của thi thể 13 em bị nạn là: Lộc Thị Duyệt - 8B, La Thị Thúy - 9A, Lộc Thị Thảo - 9A, Lô Thị Hợp - 8A, Hà Thị Hằng - 8A, Lương Thị Anh - 7B, La Thị Thúy - 9A, Lô Thị Trang - 6C, Lộc Văn Trường (lớp 6C), Lương Mạnh Hùng - 8A, La Thị Ngân - 7A, Lộc Thị Hạch - 8A, Lô Thị Hương - 6B.

Còn một em trai nữa vừa được tìm thấy nhưng chưa nhận dạng được.

Tuy nhiên, có điều kỳ lạ là đến tận thời điểm này, các toán thợ lặn giỏi nhất của Ban ATGT Nghệ An vẫn chưa thể tìm thấy xác con đò đã gây tai nạn.

Khắc phục ngay tình hình ATGT

Có mặt tại bến đò Chôm Lôm, ông Nguyễn Thế Trung, bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã chia buồn với các gia đình nạn nhân, cũng như cảm ơn những người dân đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, tham gia tìm kiếm thi thể các em.

Ông Lô Văn Thao, người đã có công cứu được 5 em cũng được tuyên dương và thưởng 1 triệu đồng.

Trao đổi với báo chí, ông cho biết: "Hiện trên địa phận sông Cả, thuộc Tương Dương và Con Cuông, bốn chiếc cầu treo đã bị lũ cuốn trôi, bằng mọi biện pháp phải khắc phục sớm. Riêng tại bến đò Chôm Lôm, cần khẩn trương chấn chỉnh lại tình hình ở đây (con đò gặp nạn không có giấy phép đăng kiểm, người lái không có giấy phép hành nghề) để không còn hiện trạng đau lòng vừa qua".

Bí thư Tỉnh ủy cũng đã giao cho ông Nguyễn Xuân Du, phó ban ATGT tỉnh, GĐ Sở Giao thông vận tải Nghệ An phải sớm khắc phục lại bến đò, trong việc xây dựng dự án 2007 về an toàn giao thông vận tải ưu tiên trước hết giải quyết những vấn đề về bến đò Chôm Lôm.

Học sinh vẫn chưa thể đến trường

Đến sáng ngày 9-10-2006, thêm xác 11 em học sinh đã được tìm thấy trong vụ chìm đò tại bản Chôm Lôm, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Đưa thi thể một em HS xấu số lên bờ - <EM>Ảnh:</EM> Đắc Lam
Khắc khoải bến Chôm Lôm - Ảnh: Đắc Lam

Các thi thể được tìm thấy cách bên đò 60 km, nên hiện mới có xác của bốn em được đưa về đến bến đò là: Lô Thị Trang (học lớp 6C), Lộc Văn Trường (lớp 6C), Lương Mạnh Hùng (lớp 8A), La Thị Ngân (lớp 7A).

Gia đình các em đã mang quan tài đến bến sông, do quá xúc động và kiệt sức, nên nhiều người đã bị ngất. Trời đổ mưa càng làm bầu không khí thêm ảm đạm, thương tâm.

Trong đêm 8-10, một cơn mưa giông xối xả đổ xuống phía Tây Nghệ An làm cho nước sông càng lên cao, việc tìm kiếm thêm khó khăn.

Sáu thợ lặn của Xí nghiệp đảm bảo ATGT đường sông Hải Phòng, thuộc Công ty vận tải xếp dỡ đường thủy nội địa đã đến bến Chôm Lôm, tăng cường cho công tác trục vớt thi thể các em.

Chiều 8-10, người dân bản Chôm Lôm vẫn đang chờ đợi bên dòng sông Cả với hi vọng tìm được thi thể của các học sinh xấu số - Ảnh: Đắc Lam
Chiều 8-10, người dân bản Chôm Lôm vẫn đang chờ đợi bên dòng sông Cả với hi vọng tìm được thi thể của các học sinh xấu số - Ảnh: Đắc Lam

Sáng nay, tại Trường THCS Lạng Khê, trong buổi chào cờ, tập thể giáo viên và học sinh đã đọc thư chia buồn của Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân và dành một phút mặc niệm cho các em. Trừ các em học sinh ở bên này bến Chôm Lôm, các học sinh ở bên kia bến sáng nay vẫn chưa đến trường.

Ông Lê Duy Thuận, hiệu phó trường THCS Lạng Khê, cho biết: "Tâm lý giáo viên và học sinh đang còn hoang mang, lo lắng, chưa tập trung, nên nhà trường đang cố gắng ổn định để việc dạy và học sớm đi vào nề nếp".

1. Trước đó, tối 7-10 trời đã tối bưng nhưng hàng trăm người dân vẫn không chịu về bản, họ cùng nhau đứng chờ hai bên bến Chôm Lôm với những hi vọng thấp thỏm và mong manh.

Một thông tin lan về “đã tìm thêm một cháu nữa” khiến cả bến sông xôn xao. Nhưng rồi họ lại thất vọng vì đội cứu nạn mới chỉ vớt được “một cái cặp học sinh (HS) và một chiếc dép màu xanh”. Bến sông lại lặng đi trong đêm tối.

Ông Lê Tiến Hưng - giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An - vừa từ Vinh lên, nói với chúng tôi: “Trong số 19 em thiệt mạng, có ba em học sinh giỏi tỉnh, một em học sinh giỏi huyện. Đây là vốn quí của bản Chôm Lôm và Trường THCS Lãng Khê”.

Ông Hưng cho biết: “Sáng 8-10 trường vẫn tổ chức học tập trở lại. Số HS còn lại của bản Chôm Lôm (bản có 76 HS thuộc Trường THCS Lãng Khê nay chỉ còn 57 em) được nghỉ học cho đến khi tìm được số bạn còn lại để lo tang chay với các bạn. Sau đó, các em sẽ được học bù”.

2. 20g, trời miền tây Nghệ An bắt đầu đổ mưa như trút xuống bến sông. Bến Chôm Lôm chìm hẳn trong đêm tối. Chúng tôi rời bến đi tìm đò để sang bản Chôm Lôm trao 38 triệu đồng cứu trợ khẩn cấp của bạn đọc. Một cụ già khuyên: “Trời mưa gió lại tối mịt mùng và sông chảy xiết thế này các chú đừng sang vội, để sáng mai hãy đi”. Chúng tôi cảm ơn rồi bước lên đò. Tôi cảm giác con đò nhẹ như chiếc lá rừng đang tròng trành trên dòng sông nước xiết.

Đến nơi, chúng tôi tới ba nhà có sáu người con gái bị mất tích, gồm gia đình ông bà Lô Văn Xuân - Lộc Thị Hà có hai chị em: Lô Thị Trang (lớp 6C), Lô Thị Hợp (lớp 8A); ông bà Lương Văn Mại - Lô Thị Xuân có hai chị em: Lương Thị Loan (lớp 6C), Lương Thị Anh (lớp 7B); ông bà La Văn Phòng -Lô Thị Huyền có hai chị em: La Thị Ngân (lớp 7A), La Thị Thúy (lớp 9A). Gặp chúng tôi, ông Lô Văn Xuân òa khóc, đưa hai tay ôm chặt lấy hai bàn tay tôi. Trong căn nhà sàn mái tranh, vách nứa, bà Lô Thị Huyền khi nằm, khi dậy, có lúc đi lẩn thẩn. Chồng bà nói khẽ: “Hình như nhà tôi như bị tâm thần từ hai hôm nay”.

Trời tối như mực. Tiếng khóc nhớ con của nhà này vọng sang nhà kia khiến tôi cảm giác như cả làng bản đang cùng khóc. Chúng tôi cũng không cầm lòng được khi nghe những tiếng bào, tiếng cưa, tiếng đục lạch cạch - dân bản đang tập trung đóng 19 chiếc quan tài nhỏ.

3. 22g10, bến sông lại xôn xao tiếng người khi đoàn thợ tìm kiếm giỏi nhất hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, gồm 13 người cả nam lẫn nữ vừa đến bến. Đây là số thợ được mời đến tăng cường cho các đội cứu nạn. Dân bản đã chuẩn bị từ trước, nên sau 10 phút “hạ trại”, một can rượu trắng 5 lít được xách ra đặt giữa bãi đá. Sau khi 13 thợ thắp 13 nén nhang xong, họ hô vang một tiếng: “Vô!”, rồi cùng “tu” cạn mỗi người một bát rượu. Sau đó họ soạn đồ nghề và bắt đầu lặn.

Trời tiếp tục đổ mưa tầm tã. 13 người chia làm ba tốp bơi ào ào ra sông, mất hút tại khu vực con đò bị đắm, để lại trên bờ hàng trăm người đứng chờ. 3g sáng các thợ bơi về bến. Ông Nguyễn Văn Việt - trưởng đoàn, cho biết: “Tôi dùng cánh tay làm sải để đo chiều sâu lòng sông. Chỗ sâu nhất tại vị trí đò đắm là 15m. Chỗ cạn nhất khoảng 5m. Đứng trên bờ nhìn nước sông có vẻ bằng lặng nhưng giữa dòng nước chảy rất xiết. Đáy sông ở đây có nhiều tảng đá ngầm khá to”. Bà Nguyệt - một thợ tìm thi thể nổi tiếng nhất vùng Bắc Trung bộ, tiếp lời: “Rất lạ, chúng tôi mò khắp 4km đáy sông nhưng không hề thấy xác chiếc đò bị đắm”. Tốp thợ nghỉ sức đến 5g sáng 8-10 lại bắt đầu mang câu vương lặn tiếp một mạch đến 10g trưa. Nhưng vẫn không có kết quả. Bà Nguyệt nhận xét: “Chúng tôi rất sợ các em bị cuốn vào các ngách, hốc và ngầm của những tảng đá. Nếu để lâu ngày có nguy cơ bị cát lấp đầy thì rất khó khăn cho việc tìm thi thể”.

Tình hình “nóng” này buộc ông Nguyễn Đình Chi - phó chủ tịch tỉnh Nghệ An - cũng đang có mặt tại hiện trường thảo ngay công văn gửi Bộ Giao thông - vận tải nhờ chi viện đội thợ lặn cứu nạn của Hải Phòng vào để tìm thi thể các em.

ĐẮC LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: chìm đò Chôm Lôm