05/09/2015 14:05 GMT+7

​Chiêu trò “tranh tối tranh sáng”

THÁI LỘC (thailoc@tuoitre.com.vn)
THÁI LỘC ([email protected])

TT - Sau nhiều ngày thuyết phục với lý do “rút kinh nghiệm cho người khác”, anh Nguyễn Văn Tuấn, một kiến trúc sư đã đồng ý chia sẻ câu chuyện bị lừa mua đồ giả “đau đớn nhất trong đời”.

Không biết đâu là thật, đâu là giả trong số những món hàng này ở miền núi - Ảnh: THÁI LỘC

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

Tháng 9-2012, khi chiếc tàu cổ ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi rộ lên, anh Tuấn (người Hà Tĩnh, hiện sinh sống tại TP.HCM) chợt thấy sức hút mãnh liệt từ những món đồ “C” (celadon) từ con tàu mang lại.

Không mê sao được khi những cái đĩa, cái tô, cái thạp bằng gốm đanh như đá, với những lớp men xanh ngọc sáng long lanh dù sau hàng mấy trăm năm ngâm mình dưới nước biển.

Cũng từ thông tin báo chí, anh cũng biết rằng hiện vật đồ thật thời Minh còn nguyên men như thế là không quá nhiều, ngay cả ở Trung Quốc và giá cả của nó thuộc hàng đẳng cấp cao của thế giới...

Đau với đồ đểu

Không cưỡng lại mình, Tuấn xin nghỉ phép tức tốc ra Quảng Ngãi. Đến Châu Thuận Biển, anh hòa mình vào không khí “sôi sục” của hàng ngàn người dân ngày ngày ra nhìn về chiếc tàu đang được bảo vệ hiện trường nghiêm ngặt.

Rồi anh dò hỏi chuyện cổ vật thì được biết rất nhiều ngư dân đang cất giữ đồ quý vớt được từ chiếc tàu đắm nọ.

Sẵn tiền mang theo, anh liền chọn mua. Những cuộc mua bán trong tranh tối tranh sáng cứ thậm thò thậm thụt, bởi vì thôn Châu Thuận Biển lúc ấy rất căng thẳng, đi đâu người ta cũng e dè, nghi anh là trinh sát công an.

Một cái thống gốm celadon được lôi ra từ rương sâu, trong đống quần áo cũ. Những chiếc đĩa gốm lớn men xanh còn láng bóng được giấu sâu trong hũ gạo. Hay những chiếc tô nằm dưới lớp cát nền nhà...

Những câu chuyện về mỗi hiện vật, nào là khai thác chùng lén, nào là tranh giành lúc nửa đêm, làm Tuấn không hề nghi ngờ gì về những chiếc bình, chiếc thống, cái đĩa, cái tô, cái hũ... Việc của anh là chỉ có mua, và mua với một niềm tin rằng đây chắc chắn là đồ cổ thật.

“Khi ấy tôi đã mua quá nhiều, đủ loại: thống, ấm chén, đĩa, tô... và tiền cũng đã cạn. Định trở về thì một người đến giới thiệu nhà ông Q. có cái đĩa rồng miệng rộng gần 30 phân. Chờ đến chạng vạng, tôi qua xem.

Chiếc đĩa tuyệt đẹp với con rồng cuộn nổi giữa thân, xung quanh đĩa là những góc cạnh tựa hình cánh sen rất đặc biệt.

Tôi quyết: phải mua thôi! Ngay trong đêm, số tiền gần 100 triệu đồng tức tốc được bạn bè chuyển vào tài khoản, và đến hôm sau thì chiếc đĩa tuyệt quý nằm gọn trong tay tôi trên đường từ Quảng Ngãi về lại Sài Gòn”.

Về đến Sài Gòn, anh mời một số bạn bè, chủ yếu là dân kiến trúc sư đến xem các “báu vật” như là chiến công trong một trạng thái rất đắc thắng. Nhiều ngôn ngữ chuyên môn về các hiện vật được Tuấn trích từ các bài báo, từ niên đại, tính chất men, vì sao quý, sự tồn tại của nó, đặc tính như thế nào... kèm theo câu chuyện mua được ở những ngôi nhà ngư dân.

Bạn bè há hốc mồm ngưỡng mộ, thậm chí còn có chút... ghen tỵ cho sự “trúng mánh” của anh. Thế rồi một anh bạn đưa một người trong nghề, rất am hiểu cổ vật đến xem và cũng để định giá những “báu vật” này. Vị này nhìn vài món và im lặng suốt buổi.

Trong khi lòng Tuấn thì cứ háo hức, chờ đợi được mấy lời khen về sự quý, hiếm, đắt đỏ... Giây phút trông chờ nhất thì người giám định lảng qua chuyện khác. Hồi lâu anh gặng hỏi và người giám định mới lặng lẽ lắc đầu.

“Bầu trời lúc đó đổ sụp. Nhưng tôi vẫn chưa tin, vẫn bán tín bán nghi mà trạng thái lúc đó là hi vọng anh này có thể vì một lý do nào đó, như ghen ghét chẳng hạn, đã nói khác đi về những cổ vật quý giá của mình”.

Một thời gian sau, trong số hơn 30 món đồ “C” mà anh đã bỏ ra số tiền khoảng 1 tỉ đồng để mua, chỉ có một cái hũ nhỏ giá chừng vài triệu đồng được xác định là đồ gốm thời Minh “xịn”. Tất cả những thứ còn lại đều là đồ... đểu.

“Đau nhất là rất nhiều món trong đó là đồ rất thấp cấp, chỉ cần tinh ý một tí là nhận ra ngay nhưng đã quá muộn!” - Tuấn nói.

Cái đĩa thời Minh đồ “nhái” thuộc loại đẹp được người dân mời mua Ảnh: THÁI LỘC

 

Dàn cảnh “mua tận gốc”

Ông A. là một Việt kiều từ nước ngoài về TP.HCM. Vốn là một người rất am hiểu văn hóa lịch sử, có điều kiện và chơi cổ vật lâu năm, khi nghe một gia đình ở Huế đang cần bán mấy món đồ sứ ký kiểu, ông bay ngay ra Huế trong một sự háo hức.

Về một làng quê vùng ven, trong ngôi nhà cổ ánh sáng lờ nhờ, một cụ bà lọm khọm mở tủ thờ lôi ra mấy món đồ sứ cất ở trong ngăn.

Không thể nghĩ đến đó là cảnh lừa, ngược lại trong lòng ông A. còn nghĩ đến việc mua để giúp đỡ phần nào cho bà cụ nên mua vội bốn món hơn 100 triệu đồng.

Đem về lại TP.HCM với một “niềm tin sắt đá” là đồ “xịn” và cái giá cũng quá hời, ông A. khoe với rất nhiều người. Xem qua, nhiều người biết ngay là đồ giả vì dấu vết đồ giả quá lộ liễu.

Ông A. chưng hửng chưa dám tin là sự thật thì một người thân thiết với ông khuyên rằng: “Nếu những món này là đồ thật thì chúng cũng lên đến hơn 400 triệu đồng, không tới được tay anh đâu.

Chỉ cần có thông tin là dân buôn Sài Gòn bay ngay ra Huế hay bất cứ nơi đâu. Còn nếu không tin, anh cứ thử ra phố Lê Công Kiều hỏi bán thì biết ngay là giả hay thật!”.

Tương tự, nhiều dân buôn ở miền Trung non tay liên tiếp “cớp” phải đồ giả khi đi mua đồ cổ ở vùng sâu vùng xa, cho dù đó là những bản làng nằm sâu trong núi, cách xa cả ngày đường.

Minh, một “dân chạy” ở Quảng Ngãi, kể vào đầu năm 2015, trong chuyến đi lên một xã miền núi thuộc huyện Trà Bồng đã mua về cặp tô sứ thời Thanh rất đẹp trong nhà một người dân tộc Kor.

Rất mừng vì chắc mẩm đồ thật với giá hời, Minh ôm lô đồ về xuôi. Vài ngày sau khi giới thiệu, một dân buôn từ Huế chạy vào Quảng Ngãi. Khi Minh đưa đồ ra thì hỡi ôi là đồ giả.

Thì ra những dân buôn khác lừa bằng cách đưa đồ giả cổ lên núi, vào các bản làng xa xôi rồi câu kết với người dân địa phương lừa những người buôn khác.

Bằng chiêu này, rất nhiều dân buôn đồ cổ đã mua phải đồ giả mà khi phát hiện đành phải ngậm đắng nuốt cay vì chẳng thể lấy lại được xu nào.

“Nhà của đồng bào địa phương thường xông khói mịt mù, phần thì bụi bám. Vì vậy, chỉ cần một thời gian đồ sứ đã có một lớp phủ bên ngoài tương tự lớp “patin” gọi là “màu thời gian” vậy.

Do đó, người mua đồ xưa trên núi rất dễ gặp phải đồ giả cổ hoặc đồ mới mà tưởng nhầm đồ cổ” - một nhà sưu tập nhận xét.

 “Những người lừa rất ma mãnh, họ đánh trúng tâm lý của người mua lúc ấy, hoàn toàn tin tưởng vào nguồn gốc của hiện vật vừa trục vớt.

Trong khi bên ngoài lực lượng của chính quyền, công an bố trí rất nhiều, cho nên việc mua bán chỉ diễn ra trong cảnh tranh tối tranh sáng.

Mà với đồ cổ, người rành khi mua soi kỹ, rọi kỹ từng li từng tí còn mua phải đồ giả, huống chi mua trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng không nhầm mới là lạ!” - nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng (Huế).

___________

Kỳ tới: Bức tượng “mỗi ký 80 triệu USD”

THÁI LỘC ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên