Người dân TP.HCM lội bì bõm trong triều cường - Ảnh: LÊ PHAN
Chiều 13-9 (18 tháng tám âm lịch), TP.HCM chịu ảnh hưởng của triều cường, nhiều tuyến đường ven kênh rạch bị nước tràn bờ. Dù chưa phải đợt triều cao nhất nhưng cũng gây ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân.
Tại đường Trần Xuân Soạn, quận 7, nước bắt đầu tràn bờ từ khoảng 17h30. Khu vực ảnh hưởng sớm nhất là đoạn đường phía dưới chân cầu Tân Thuận. Tại đây nước từ kênh Tẻ tràn vào gây ngập khoảng 10 - 20cm, một số điểm trũng nước ngập sâu hơn.
Nhiều nhà dân bị nước tràn vào, nhất là thời điểm có xe tải chạy qua tạo sóng nước. Một số người dân bị té ngã do tránh khu vực ngập và chạy vào đoạn đường bị hư hỏng.
Người dân tại đây cho biết đây không phải chuyện lạ, việc ngập nước diễn ra đã nhiều năm nay. Hiện tại họ đang trông chờ công trình ngăn triều kế bên được hoàn thành đưa vào vận hành để không còn cảnh ngập nước vào mùa triều cường mỗi năm.
Cùng lúc đó khoảng 17h45 tại đường Rạch Cùng và đường Đình An Tài, quận 8 cũng xảy ra ngập do triều cường. Hầu như cả tuyến đường dọc bờ kênh đều bị nước từ hệ thống cống tràn ngược lên gây ngập, có những đoạn ngập đến hơn 40cm.
Đường Đình An Tài vốn đã rất hẹp nay thêm việc nước lênh láng đã gây không ít khó khăn cho người đi đường. Người dân sống quanh khu vực này đã không lạ gì với cảnh nước triều từ kênh Đôi dâng ngập lên mặt đường và tràn cả vào nhà.
Sống ở khu vực đã nhiều năm, ông Phan Văn Được nói: "Vào thời điểm này mỗi năm, người dân ở đây phải chịu cảnh sống chung với nước tràn vào. Khi có triều cường là phải bì bõm lội bộ, kê đồ đạc lên cao, riết cũng thành thói quen. Mong sao cống ngăn triều sớm hoạt động để người dân ở đây đỡ khổ hơn, đi lại cũng dễ dàng hơn".
Hằng năm cứ tới tháng tám âm lịch trở về Tết, TP.HCM lại chịu ảnh hưởng của triều cường. Đỉnh triều mỗi năm rơi vào khoảng tháng chín, mười và năm sau đều cao hơn năm trước.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, triều cường giữa tháng tám tại hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang xuống nhanh. Tại trạm Phú An (sông Sài Gòn), Nhà Bè (sông Đồng Điền) ở mức 1,55 - 1,58m (xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động 3 khoảng 0,05m). Triều cường sẽ còn duy trì đến hết ngày 14-9.
Dự án ngăn triều tới đâu
Để giải quyết ngập nước do triều cường, năm 2016 TP.HCM đã khởi công dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỉ).
Dự án gồm bảy hạng mục với sáu cống ngăn triều và 7,8km đê kè ven sông Sài Gòn. Công trình này được triển khai với các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho khu vực có diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn cùng trung tâm TP.HCM.
Trước đây dự án đã từng tạm dừng thi công ba lần: lần một từ ngày 27-4-2018 đến 12-2-2019, lần hai từ ngày 30-8-2019 đến 27-4-2020, lần ba từ ngày 15-11-2020 đến 6-2-2022. Việc dự án phải tạm dừng và kéo dài do hết hạn hợp đồng BT, hết thời gian giải ngân tái cấp vốn đã gây thiệt hại rất nhiều cho nhà đầu tư và các nhà thầu tham gia.
Trong cuộc họp mới nhất của UBND TP.HCM với các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã chỉ đạo tổ đàm phán hợp đồng BT của dự án (gồm Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Ban hạ tầng đô thị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Trung tâm Phát triển quỹ đất và chủ đầu tư Công ty Trung Nam) khẩn trương đàm phán và báo cáo về UBND TP trước ngày 15-9.
Người dân bỏ giày trước khi chạy qua đoạn đường ngập - Ảnh: LÊ PHAN
Do nước ngập nên người dân đi tránh và xảy ra va chạm té xe trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7 - Ảnh: LÊ PHAN
Nước từ kênh Tẻ tràn vào đường Trần Xuân Soạn khiến đường và kênh hòa làm một - Ảnh: LÊ PHAN
Nước ngập tại đường Đình An Tài, quận 8 - Ảnh: LƯU DUYÊN
Triều cường tại phà Phú Định khiến không thể biết đâu là đường đâu là sông - Ảnh: LƯU DUYÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận