10/07/2019 11:45 GMT+7

Chiều Sài Gòn nhớ Huế, chạy đi húp tô bánh canh ‘Mạ tôi’

LÊ HIẾU GIANG
LÊ HIẾU GIANG

TTO - Có những chiều Sài Gòn thèm da diết cái vị cay, vị mặn và thèm nghe tiếng nói quê mình… tôi phải chạy ù đến quán “Mạ tôi” húp lẹ một tô bánh canh bởi nó sặc sụa cái hương vị của miền Trung từ người bán, thức ăn cho đến cách phục vụ.

Chiều Sài Gòn nhớ Huế, chạy đi húp tô bánh canh ‘Mạ tôi’ - Ảnh 1.

Tô bánh canh nóng hổi múc ra từ chiếc nồi đặt trước hiên nhà phong cách rất Huế - Ảnh: LÊ HIẾU GIANG

Chỉ cần nghe tên của quán cũng đủ để biết đó là một hàng quán của người miền Trung bởi chẳng đâu ở xứ này gọi mẹ bằng mạ như dân Trung. 

Từ "Mạ tôi" xuất hiện giữa Sài Gòn khiến tôi - một người con miền Trung - khi bắt gặp quán lần đầu, không đành lòng lơ đi mà phải tấp vào nếm thử một tô bánh canh.

Bạn bè tôi thường nói chẳng cần đi đâu xa, ở Sài Gòn có đủ tất cả các món từ mọi miền, Bắc - Trung - Nam.

Bạn nói đúng nhưng chưa đủ, bởi món thì phải rồi nhưng vị thì chưa chắc. Sống nhiều năm, tôi cứ mãi đi tìm trong thế giới ẩm thực của Sài Gòn đôi ba món cho đúng hương vị quê nhà nhưng vẫn chưa ưng ý. 

Mãi cho đến khi tìm ra quán "Mạ tôi" thì mình như kẻ lang thang giữa sa mạc bỗng phát hiện được một vũng nước mát rượi, lao ngay vào húp một ngụm ngọt bùi cho cho thỏa mãn cơn khát. 

Cái vị cay của nước, vị dai của sợi bánh canh, cái giòn của miếng chả cua và cái nặng của tiếng nói miền Trung khiến tôi như đã tìm ra được một chút quê nhà giữa Sài Gòn.

Chiều Sài Gòn nhớ Huế, chạy đi húp tô bánh canh ‘Mạ tôi’ - Ảnh 2.

Ớt ngâm nước mắm, thứ gia vị không thể thiếu - Ảnh: LÊ HIẾU GIANG

Quán do một gia đình người Huế, gốc gác ở phố cổ Bao Vinh bên dòng sông Hương vào Sài Gòn nấu nướng đã hơn chục năm nay. 

Quán nhỏ nằm bên góc đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh), chỉ kê mấy chiếc bàn nhựa nhưng chiều nào cũng đông kín khách. 

Nồi bánh canh nóng hổi đặt trước hiên nhà, bên hông là cả một rổ chả, giò, gia vị… vây quanh người bán đậm phong cách của người Huế như bao gánh hàng rong khác ở Đông Ba, ở Gia Hội hay An Cựu ngoài Huế.

Nếu kêu một tô đầy đủ, quán sẽ bưng ra một tô bánh canh có chả Huế, chả cua, ghẹ biển, trứng cút, giò khoanh và một cục huyết trông hấp dẫn. 

Trên bàn ăn lúc nào cũng có một chén ớt tươi ngâm nước mắm để những người ăn cay, tùy theo khẩu vị mà cho thêm ớt rất miền Trung.

Chiều Sài Gòn nhớ Huế, chạy đi húp tô bánh canh ‘Mạ tôi’ - Ảnh 3.

Món bánh canh ngon bởi vị cay nồng của ớt và tiêu, thứ gia vị được người miền Trung nêm nếm rất phóng khoáng - Ảnh: LÊ HIẾU GIANG

Chỉ cần húp một hớp là đã thấy ngay cái "chất Trung" trong vị nước bởi rất đậm đà, mặn mòi của vị nước mắm và cay xè của vị tiêu. 

Cắn thêm miếng chả Huế nữa thì ngon "dức xương" (phương ngữ - ý nói ngon đến tận xương) bởi miếng chả rất giòn và luôn luôn có những hạt tiêu nguyên trộn trong chả, khi cắn vỡ đôi cay nồng. 

Bánh canh ở đây cũng đặc biệt bởi cắt sợi bằng tay nên sợi ngắn, sợi dài, sợi to, sợi nhỏ rất dân dã. Cả sợi bánh canh và vị nước canh rất đậm đà mà người Trung thường gọi bằng một phương ngữ rất đặc trưng là "trặm trịa".

Chiều Sài Gòn nhớ Huế, chạy đi húp tô bánh canh ‘Mạ tôi’ - Ảnh 4.

Thịt ghẹ biển tươi ngon ăn vào vị vừa ngọt, vừa bùi rất đặc đặc trưng - Ảnh: LÊ HIẾU GIANG

Bên cạnh ẩm thực ngon, cái khiến tôi cảm thấy "ngon tai, ngon mắt" là bởi sự phục vụ điềm đạm, chân chất của những con người Huế. 

Ăn riết thành quen, tôi hỏi ra mới biết vì quán do mạ nấu, mấy đứa con phục vụ, bưng bê nên đặt luôn tên quán là "Mạ tôi". Nghe vừa thân thương lại vừa rất đặc trưng vùng miền.

Thực lòng, có những hôm quán nghỉ vào ngày rằm hay quán nghỉ Tết cả một tháng trời khiến tôi nhớ quán đến da diết, thầm trách quán "nghỉ chi mà lâu rứa". 

Nhưng tôi hiểu, vốn dĩ người Trung là vậy, túc tắc, đủng đỉnh chơi cho hết ba ngày Tết, bảy ngày xuân nên vẫn chờ đến ngày quán mở để đi ăn ngay một tô đầu tiên cho đỡ nhớ.

Chiều Sài Gòn nhớ Huế, chạy đi húp tô bánh canh ‘Mạ tôi’ - Ảnh 5.

Quán luôn đông khách mỗi buổi chiều, rất nhiều shipper công nghệ cũng đến mua đi giao cho khách từ quán vỉa hè này - Ảnh: LÊ HIẾU GIANG

Tôi vốn dân Quảng Trị, suốt quãng thời gian sinh viên Đại học Huế ăn không biết bao nhiêu là quán bánh canh từ cá lóc ở Phú Bài, cá rô Thuỷ Dương cho đến bánh canh cua O Bướm cầu Gia Hội, bánh canh Thành Nội hay bánh canh chả ở lăng vua Duy Tân… 

Mỗi nơi đều có một hương, một vị riêng nhưng cái chung vẫn là cái đậm đà, cái cay nồng của gia vị nên thiếu vị đó thì thành ra không phải là món Trung.

Cứ mỗi lần húp tô bánh canh là lại nhớ quê, nhớ mẹ. Dù ai có mạnh mẽ cách mấy đi nữa thì khi ly hương, xa cha mẹ mà bỗng dưng bắt gặp lại cái giọng nói, cái hương vị của quê nhà, của món ăn mẹ ta nêm nếm từ thuở ấu thơ thì chẳng ai mà không xao xuyến, chạnh lòng.

Cái hay của ẩm thực là ở chỗ đó, nó ngon chưa phải vì là sơn hào hải vị mà đôi khi ngon chỉ vì ta thấy được quê hương, thấy được hình bóng mẹ ta trong hương vị của món ăn dù rất giản đơn, đạm bạc. 

Món ăn nào khiến ta nhớ da diết quê hương, nhớ da diết cha mẹ mà tìm về thì đó là món ăn ngon nhất của cuộc đời.

Mời bạn đọc tham dự Diễn đàn Món ngon của tôi

Bài viết tối đa khoảng 1.000 chữ, kèm hình ảnh (clip nếu có), và gửi về email [email protected]. Các bài viết được đăng sẽ được trả nhuận bút!

Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Công ty NutiFood.

Lấy vợ, sẽ lấy ai làm món cá lóc nướng trui ngon như mẹ nấu

TTO - Mới chuẩn bị về quê mà chưa gì mẹ đã gọi lên hỏi "thực đơn" cho ngày mai "cá lóc nướng trui nhé con?". Dạ, cá lóc nướng trui… Cái món ăn mà tôi đã nhủ, chỉ lấy ai làm được món ăn ấy ngon như mẹ!

LÊ HIẾU GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên