Một cảnh báo được dán bên trong Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - Ảnh: TẤN PHÁT
Sáng 3-6, ông N.V.T. (65 tuổi, ngụ Bình Định), là bệnh nhân bị mắc bệnh tắc nghẽn phổi, ra trước cổng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch phía đường Ngô Quyền (Q.5, TP.HCM) để hóng mát. Một người chạy xe ôm chừng 50 tuổi trờ đến hỏi: "Chú có đi dạo xung quanh thành phố không, cho cháu 20.000 đồng đổ xăng thôi".
Đọc báo thấy người lạ quá hồ hởi, sợ bị lừa, ông T. trả lời: "Cảm ơn cháu, chú ra tới ngã tư Ngô Quyền - Hồng Bàng vài bước chân thôi, không cần xe cộ gì đâu!".
Anh xe ôm tiếp tục chạy theo tới giao lộ, rút ra trong túi quần một cái đồng hồ rồi gạ gẫm ông T.: "Cháu mới nhặt được cái đồng hồ của người đi đường, hiệu Rolex hẳn hoi, để lại cho chú. Chú cho cháu vài trăm nghìn là được!".
Quá quen với cách lừa đảo mà báo chí phản ánh, ông T. xua tay nói: "Không!". Anh ta tiếp tục rà xe đi kiếm "con mồi" khác.
Ngay trong khuôn viên bệnh viện này cũng có nhiều thông báo khi có nhiều kẻ gian cố tình tạt nước mắm vào người bệnh và thân nhân. Sau đó, bọn chúng hướng dẫn nạn nhân đi tắm rồi lợi dụng sơ hở để giật lấy quần áo của nạn nhân treo trên tường.
Ở một nơi mà có quá nhiều bệnh nhân nghèo khổ, mắc bệnh nặng, từ các tỉnh xa chuyển về nhưng nhiều kẻ lừa đảo không buông tha, cứ chăm chăm ví tiền ít ỏi của họ.
Đây là những chiêu lừa đảo xuất hiện ở nhiều bệnh viện đang quá tải tại TP.HCM, mong mọi người chú ý để kẻ gian không còn "đất diễn".
Làm sao để không bị kẻ gian lừa gạt khi rơi vào những trường hợp tương tự? Bạn có kinh nghiệm gì về chuyện này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận