Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 16h chiều 21-7, tâm bão số 2 đang ở trên vùng biển phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 180km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74km/h), giật cấp 10.
Ven biển Quảng Ninh khả năng có gió giật cấp 8
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây bắc, cường độ ít thay đổi và đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) và đi vào vịnh Bắc Bộ.
Đến 16h chiều mai, tâm bão ở trên vùng biển phía đông vịnh Bắc Bộ, cường độ duy trì cấp 8, giật cấp 10.
Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trước khi đi vào đất liền các tỉnh Đông Bắc Bộ trong ngày 23-7.
Do ảnh hưởng của bão số 2, vùng biển phía tây khu vực bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía đông khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi và phía đông khu vực nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 - 7, biển động mạnh.
Từ sáng 22-7, vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh.
Trên đất liền, từ gần sáng ngày 23-7, vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh khả năng chịu tác động của gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Cảnh báo từ đêm nay đến ngày 24-7, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến ở khu vực ven biển Bắc Bộ và khu vực Đông Bắc Bộ 100 - 200mm, có nơi trên 250mm. Các nơi khác ở Bắc Bộ và Thanh Hóa 50 - 100mm, có nơi trên 150mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ trên các sông suối nhỏ, ngập úng tại vùng thấp trũng và các đô thị, lũ quét, sạt lở đất ở miền núi và khu vực sườn dốc.
Hướng dẫn tàu cá, tàu du lịch vào nơi an toàn
Chiều 21-7, Thủ tướng có công điện gửi các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố ven biển từ Bình Định trở ra Quảng Ninh và các tỉnh vùng núi Bắc Bộ về việc chủ động ứng phó với bão số 2 và mưa lớn.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết. Kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Đồng thời triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, an toàn tuyệt đối cho công trình. Không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ.
Đồng thời chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đối với hoạt động thủy sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, an toàn hệ thống điện.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan và lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu của địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận