TTCT - Vụ di dời tượng viên tướng miền nam thời nội chiến Mỹ Robert E. Lee đã kéo theo những cuộc biểu tình lớn và đụng độ gây chết người ở Charlottesville (Mỹ), giữa một bên là những người đòi “tôn trọng lịch sử” và phía kia là những người “cánh tả tự do” đòi dỡ bỏ những tượng đài liên hệ tới quá khứ phân biệt chủng tộc của nước Mỹ. Nhà chức trách Mỹ di dời tượng đài Phụ nữ miền nam ở Maryland. -Ảnh: wordpress.com Nhưng mọi chuyện sẽ không dừng lại ở tướng Lee, một cuộc “chiến tranh tượng đài” có thể sắp nổ ra ở Mỹ và lan ra cả thế giới, khi nhiều người cánh tả đang muốn xét lại lịch sử. Một lần nữa, cuộc tranh luận cho thấy môn học lịch sử là thiết yếu ra sao ở trường phổ thông. Sau sự cố Charlottesville khoảng hai tuần, báo Mỹ The New York Times đã mở một cuộc thăm dò dư luận, trong đó họ liệt kê danh sách 16 tượng đài trên khắp nước Mỹ có thể gây tranh cãi và hỏi độc giả xem họ có muốn dỡ bỏ các tượng đài đó không. Tượng đài bị nhiều người muốn đập bỏ nhất trong danh sách đó là Nathan Bedford Forrest. 87% độc giả của The New York Times muốn dỡ bỏ tượng của viên tướng phe miền nam, chủ sở hữu nô lệ và thành viên tổ chức phân biệt chủng tộc KKK này. Thấp nhất trong danh sách là tổng thống lập quốc của nước Mỹ George Washington, với 4% độc giả nói họ muốn phá bỏ tượng của ông. Danh sách còn có tên nhiều nhân vật lịch sử lừng lẫy khác như nhà thám hiểm Christopher Columbus - người khám phá ra châu Mỹ nhưng đồng thời đã bắt đầu quá trình thuộc địa hóa, gieo rắc dịch bệnh giết chết người bản địa và khởi đầu việc buôn bán nô lệ (30% những người được hỏi muốn bỏ tượng của Columbus); Tướng và tổng thống Mỹ Ulysses S. Grant (9%) - người bài Do Thái; Andrew Jackson (39%) - người hùng chiến tranh và tổng thống thứ 7 của nước Mỹ, nổi tiếng vì việc dồn người da đỏ bản địa vào các trại tập trung; William McKinley (25%) - tổng thống thứ 25 của Mỹ, người mà dưới thời của ông, Mỹ đã kiểm soát Puerto Rico, Guam và Philippines sau chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha, bị coi là một biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc. “Chỉ vài năm trước, ở Mỹ và Anh, chẳng mấy ai để ý tới những tượng đài xám xịt, tẻ ngắt - báo Anh The Guardian viết trong một bài xã luận ngày 27-8-2017 - Nhưng hiện hơn 30 thành phố ở Mỹ đang trong quá trình di dời các tượng đài của miền nam, hoặc đã làm như thế rồi. Mỗi lần di dời lại đi kèm với một chiến dịch đảm bảo an ninh của cảnh sát nhằm ngăn chặn bạo lực. Ở Anh, bạo lực nghiêm trọng không xảy ra, nhưng tranh cãi cũng bùng lên dữ dội về số phận những bức tượng của Cecil Rhodes và Edward Colston (những thương nhân từng góp phần giúp nước Anh giàu lên và trở thành siêu cường số 1 thế giới nhờ buôn bán nô lệ)”. Thật rõ ràng, vấn đề không phải là số phận của những bức tượng về các nhân vật nổi tiếng đã chết từ lâu, mà là của chính những người đang sống. Những bức tượng, cùng với các tên đường, tên trường học và các định chế khác, trở thành các mục tiêu hữu hình trong một cuộc xung đột vô hình: về ý thức hệ và quan điểm chính trị. Tượng đài James Cook và dòng chữ bên phải nghĩa là “Diệt chủng thì có gì đáng tự hào”.-Ảnh: Twitter Chính vì lẽ đó, “cuộc chiến tượng đài” đã nhanh chóng lan sang Úc. Vài ngày sau vụ Charlottesville, ở Sydney đã xảy ra vụ phá hoại các tượng đài cũ, bao gồm một bức tượng của thuyền trưởng James Cook. Với người di cư châu Âu sau này làm chủ nước Úc, Cook là nhà thám hiểm can đảm phi thường đã gầy dựng nên một vùng đất mới. Nhưng với thổ dân Úc, ông là thần chết gieo rắc tai họa cho họ. Đụng độ, vì thế, đã xảy ra giữa những người muốn giữ và phá các tượng đài thời thuộc địa. “Đây chính là những gì Stalin đã làm - Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói về việc phá hoại tượng đài của thuyền trưởng người Anh - Diễn giải lại lịch sử là hành động sai lầm. Mọi bức tượng, mọi tượng đài là một phần lịch sử và chúng ta nên tôn trọng điều đó”. Những kẻ phá hoại đã xịt một dòng sơn lớn “Diệt chủng thì có gì đáng tự hào” lên bức tượng của Cook và thống đốc thời thuộc địa Lachlan Macquarie ở Sydney. Vấn đề lịch sử thời thuộc địa đã là rắc rối rất lâu dài của gần như mọi chính quyền Úc. Năm 2008, thủ tướng của Đảng Lao động Kevin Rudd đã đưa ra lời xin lỗi chính thức với “những thế hệ mất mát” - hàng chục nghìn trẻ em của các thổ dân đã bị cưỡng bức rời khỏi gia đình họ trong chính sách “đồng hóa” và “hòa nhập”, nhưng cũng đồng thời vì phúc lợi xã hội và việc bảo vệ các em, không để các em tiếp tục đời sống hoang dã như tổ tiên mình. Khi được hỏi về việc tại sao không có bức tượng nào của cha mình ở Singapore, ông Lý Hiển Long, con trai cố thủ tướng Lý Quang Diệu, trả lời: “Cứ nhìn quanh bạn đi, thành phố này chính là tượng đài về ông ấy”. Thẳng thừng hơn, cố thủ tướng Đức Helmut Kohl đã dứt khoát không cho dựng tượng ông: “Tượng đài chỉ để chim ỉa và người ta giật đổ chứ hay ho gì”. Họ đã tỏ ra là những nhà lãnh đạo biết nhìn xa.■ Tags: Tượng đàiXây tượng đàiPhá bỏ tượng đài
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.