28/12/2018 11:17 GMT+7

Chiến tranh thương mại khiến thương mại quốc tế nhộn nhịp hơn

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Sự đả kích mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho toàn cầu hóa đang tạo ra một hiệu ứng nghịch đối với dòng chảy thương mại thế giới, theo Bloomberg.

Chiến tranh thương mại khiến thương mại quốc tế nhộn nhịp hơn - Ảnh 1.

Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump lại bất ngờ giúp thương mại toàn cầu nhộn nhịp hơn - Ảnh: REUTERS

Cuộc đua đón đầu mức áp thuế mới và cao hơn trong cuộc chiến tranh thương mại đã cổ vũ các nhà bán lẻ và nhiều doanh nghiệp Mỹ đặt hàng nhiều hơn từ đối tác Trung Quốc.

Nói cách khác, thuế quan trả đũa không những không thể kiềm hãm, mà còn giúp tăng khối lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào các cảng biển Mỹ.

Người phát ngôn Cảng Los Angeles, Phillip Sanfield, cho biết "nhà kho và trung tâm phân phối ở phía nam California đã đầy ắp".

"Chúng tôi đang phải giải quyết một số vấn đề vận chuyển tại cảng San Pedro chỉ vì có quá nhiều tàu hàng cập cảng tại đây", ông Sanfield nói thêm.

Tháng 12 bận rộn

Bloomberg đánh giá có rất nhiều dấu hiệu cho thấy thương mại toàn cầu vẫn hoạt động ổn định trong năm 2018, phần lớn nhờ vào nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới là Mỹ.

Mặc cho các nỗ lực của ông Trump nhằm kiềm hãm "cơn khát" này, giá trị hàng hóa và dịch vụ mà Mỹ nhập khẩu vẫn nhiều hơn bao giờ hết vào tháng 11, theo Bộ Thương mại Mỹ.

Hồi tháng 9, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự đoán tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ giảm nhiệt 0,8% trong năm nay, ở mức chỉ còn 3,9%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn được đánh giá cao dựa theo những tiêu chuẩn hiện có.

Nhà kinh tế trưởng Robert Koopman của WTO nhận xét "nhiều người muốn kêu toáng lên rằng trời sắp sập đối với nền thương mại vì những biện pháp này", ví dụ như các mức thuế quan của chính quyền Trump.

Tuy nhiên, ông tin rằng "2018 sẽ kết thúc khá vững vàng".

Duy trì sự vững vàng

Khối lượng hàng hóa ghi nhận được ở các cảng Bờ Tây nước Mỹ cho thấy một xu hướng mới, được cho là khá khó chịu đối với ông Trump.

Đó là cuộc chiến thương mại của ông cho tới nay giảm khối lượng xuất khẩu của Mỹ đến Trung Quốc nhiều hơn là ngược lại.

Trong khi các hãng bán lẻ tại Mỹ liên tục mua vào sản phẩm Trung Quốc để tránh các đợt áp thuế tiếp theo, giám đốc điều hành Cảng Long Beach, Mario Cordero, cho rằng "dường như doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm kiếm hàng hóa và nguyên vật liệu từ các quốc gia khác".

Điều này nghĩa là sẽ có "nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ ít hơn", theo ông Cordero.

Trong khi đó, cơn lốc thương mại năm 2018 có thể bị thay thế bằng một đợt giảm tốc trong năm 2019.

Ông Trump và ông Tập đồng ý bắt đầu đình chiến thương mại vào ngày 1-12, khởi động chuỗi 90 ngày Nhà Trắng tạm hoãn leo thang thuế quan trả đũa đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Thỏa thuận trên có thể khởi đầu cho các cuộc đối thoại vào tháng 1, cũng như trì hoãn việc tăng thuế nhập khẩu của cả hai bên ít nhất cho tới ngày 1-3-2019.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết phái đoàn Mỹ sẽ đến Trung Quốc vào ngày 7-1 để bắt đầu đàm phán với các quan chức Trung Quốc.

Những diễn biến sau đó vẫn đang là một ẩn số, khi sự trì hoãn này có thể kéo dài thêm 90 ngày nữa, nếu cả diến biến của các buổi đàm phán không đủ đột phá.

Đối với nhiều nhà bán lẻ, viễn cảnh trên thậm chí sẽ kéo dài sự bất an của họ hơn nữa. Rất có thể, họ sẽ lại tiếp tục đặt hàng lớn từ Trung Quốc để phòng hờ.

Trung Quốc giảm thuế ôtô Mỹ để hạ nhiệt chiến tranh thương mại?

TTO - Một quan chức chính quyền Washington tiết lộ Bắc Kinh đã hứa sẽ cắt giảm thuế đối với ôtô và phụ tùng xe hơi do Mỹ sản xuất.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên