Công nhân lắp ráp tại nhà máy ở Thâm Quyến, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mà nhiều người khẳng định đã là một cuộc chiến thương mại, đang tiếp tục leo thang và chưa tìm thấy lối thoát. Gần đây, Tổng thống Trump lại ra lệnh áp thuế nhập khẩu lên 250 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc.
Động thái này buộc các công ty Trung Quốc phải hành động để né tổn thương từ rào cản thuế quan, và giải pháp là di dời địa điểm sản xuất. Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ được cho đang gặp mối đe dọa từ các biện pháp áp thuế nhập khẩu của Mỹ sắp tới.
Công ty Trung Quốc đang nhận lắp ráp sản phẩm tai nghe không dây AirPod của Hãng Apple đang chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Trước đó trong tháng này, Công ty GoerTek trụ sở ở Sơn Đông (Trung Quốc), yêu cầu toàn bộ nhà cung cấp liên quan tới khâu sản xuất AirPod phải chuyển tất cả vật liệu, linh kiện cần thiết đi thẳng về Việt Nam, báo Nikkei Asian Review của Hãng Nikkei (Nhật Bản) đưa tin.
Đài ABC cho hay đã tiếp cận được báo cáo mỗi năm hai lần của GoerTek, trong đó chủ tịch Jiang Bin của công ty này tiết lộ rằng lợi nhuận ròng đã giảm 38,11% so với mức 140 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Jiang nói: "Vì những nhân tố kinh tế vĩ mô, ví dụ như sự lên xuống thất thường của thị trường nước ngoài và mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung, hoạt động và quản lý tại công ty đã trở nên khó khăn".
Hôm 16-10, GoerTek cũng đã tuyên bố kế hoạch đầu tư 200 triệu USD vào sản xuất tai nghe thông minh và thiết bị không người lái ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây phía nam Trung Quốc. Đây là địa điểm gần hơn đối với các hoạt động của GoerTek tại Việt Nam, vốn có tiềm năng lớn trong việc dễ dàng giao thương cũng như công tác di chuyển qua biên giới.
Thực tế, GoerTek cũng không phải là công ty duy nhất dịch chuyển hoạt động sản xuất vì chiến tranh thương mại.
Trước đó, các quan chức Đài Loan cũng tiết lộ gần 30 doanh nghiệp đã từ bỏ thị trường tại Trung Quốc đại lục để chuyển về vùng lãnh thổ Đài Loan. Jason Wu, nhà sáng lập cơ quan nghiên cứu GoldenRock, cho hay nhiều doanh nghiệp ở Đài Loan đang muốn rời khỏi Trung Quốc do lo ngại tác động chiến tranh thương mại.
Tương tự, công ty Nhật Bản ở Trung Quốc cũng được cho đang ngưng các hoạt động sản xuất, và việc này đã diễn ra kể từ năm ngoái.
Omron, gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất, hiện đang chế tạo màn hình đèn LED cho các sản phẩm công nghệ, gần đây tuyên bố đóng cửa công ty ở thành phố Tô Châu (Trung Quốc). Việc này diễn ra chỉ ba tháng sau khi Công ty Hàn Quốc Samsung đóng cửa nhà máy tại Thâm Quyến – nơi được cho là một trong những khu vực đi đầu về sáng tạo và công nghệ của Trung Quốc.
Hiện ngành công nghiệp điện tử tại Trung Quốc được định giá hơn 3,5 ngàn tỉ USD về quy mô theo số liệu năm 2017. Ngành này được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi Trung Quốc hướng tới mục tiêu chiến lược biến Trung Quốc thành trung tâm sản xuất của thế giới vào năm 2025, hay "Made in China 2025".
Dù vậy, bên cạnh đó vẫn còn nhiều công ty Trung Quốc sẵn sàng tìm kiếm lợi thế trong việc cân đối chi phí trong chuỗi sản xuất. Nhiều nhà sản xuất gần đây vì thế cũng dịch chuyển về khu vực Đông Nam Á, bao gồm các kế hoạch sản xuất tại Việt Nam, Campuchia và Malaysia, nơi được cho có nhân công rẻ hơn. Đài ABC gọi đó là "Made in Southeast Asia" (sản xuất tại Đông Nam Á).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận