08/04/2025 15:37 GMT+7

Chiến tranh kết thúc rồi, đời các con hết khổ rồi

Trưa 30-4-1975 đó, bố tôi chạy về nhà, ghì chặt hai anh em chúng tôi vào lòng trong hơi thở dốc và khóc nghẹn: 'Chiến tranh kết thúc rồi, đời các con hết khổ rồi'.

Kể chuyện hòa bình - Ảnh 1.

Tác phẩm Trận địa phòng không của Trịnh Hải - Ảnh minh họa

Chiến tranh không lạ với chúng tôi. Khi bố con tôi hối hả bới đống gạch vụn Bệnh viện Bạch Mai tìm xác mẹ, tôi khóc như ri, nhưng bố không khóc. Lát sau thì mẹ chạy về kêu "Mẹ đây". Thật may, mẹ mang cơm ra mâm pháo nên không ở trong bếp ăn bệnh viện, nơi quả bom Mỹ thả vào.

Khi máy bay Mỹ rơi xuống ao ở làng hoa Ngọc Hà, bố đạp xe chở tôi đến mót đồ. Đông lắm. Ai cũng bì bõm nhặt nhặt tháo tháo. Cũng chỉ có mấy miếng inox, đuy-ra vỡ, mấy con ốc vít, mấy miếng cao su… chẳng biết để làm gì, nhưng thà có gì đó còn hơn trong nhà không có cái gì. 

Bố giẫm phải mảnh đuy-ra vỡ, máu lênh láng. Đau lắm, nhưng bố không khóc. Người ta cõng bố đi bệnh viện. Tôi sợ bố phải cưa chân, chạy theo, khóc như ri.

Rồi bố quyết định rời Hà Nội, về trường cấp ba Chí Linh, Hải Dương, sơ tán, để tránh B-52. Bố vẫy xe tải cho ba mẹ con ngồi ở thùng xe đi trước, rồi chất đồ lên xe đạp sau. 

Đến tối thì xe chở ba mẹ con tôi qua phà đến Chí Linh. Đường tối đen. Thấy có ánh đèn trên quả đồi bên đường, hai chú lái xe dừng xe bảo: "Có đèn kia, chắc là trường cấp ba rồi chị ạ". 

Ba mẹ con tôi xuống xe, cảm ơn rồi xách đồ leo lên đồi. Hóa ra không phải trường cấp ba, mà là Trại thương binh Mật Sơn. Thấy ba mẹ con vừa đói, vừa rét, các chú thương binh nấu cơm cho ăn. Rồi chú chỉ huy lệnh cho ba chú thương binh lấy xe đạp chở ba mẹ con về trường cấp ba cách đó 2km. 

Một chú cụt tay, một chú bịt một bên mắt, chú kia bị gì không nhớ, chỉ nhớ chú cứ đùa đi đùa lại "em bị thương một phát ở Mông, một phát ở đèo Khế, chị ạ". 

Đến nơi, thấy bố và mấy cô chú giáo viên đang nháo nhác ra đường ngóng. Bố không khóc. Còn mấy cô chú kia thấy mẹ con tôi thì mừng lắm: "May chưa lạc vào Côn Sơn đấy. Đêm hôm thế này, hổ vồ chứ tưởng!".

Nhưng trưa đó thì bố khóc. Tôi biết chiến tranh, nhưng chưa từng biết chiến tranh kết thúc là thế nào. Chắc nó phải khác, rất khác, thì bố mới khóc như thế.

Và nó khác thật. Một hôm bố mẹ tôi đi vắng, tôi đang ở nhà trông em thì một bác tóc bạc đến, hỏi đây có phải nhà cháu Sơn cháu Tùng không. 

Tôi đang đắn đo không biết có nên nói không, nhỡ bác ấy là gián điệp cải trang thì sao, thì mẹ ở đâu chạy về, ôm chặt lấy bác ấy khóc như mưa. Thì ra là bác Trọng anh ruột mẹ. Bác đi chiến đấu trong Nam, mất liên lạc lâu lắm rồi, ông ngoại đã thắp hương rồi. Nay chiến tranh kết thúc, bác được về và xuống đây kiếm mẹ và chúng tôi. 

Bố tôi cũng chạy về. Hồi đó chưa có điện thoại di động, nhưng thông tin chạy bằng cơm cũng không hề chậm. Bố tôi pha cà phê bác Trọng cho, còn mẹ giúp anh em tôi thử quần áo mới. Vừa như in. 

Bố uống nước đầu. Tôi uống nước hai. Còn em tôi uống từ nước ba đến nước mười. Mẹ cười bảo: "Nó chỉ cần nước chảy qua cái phin để có cớ pha thìa đường vào thôi, chứ có phải thích cà phê gì đâu".

Bác Trọng đi khỏi thì bác Tiến gái hàng xóm đi chơi Sài Gòn trở về. Họ hàng bác ấy nhiều người ở "trỏng" nên bác phải vào "úy lạo" cho họ đỡ sợ. 

"Ối giời ơi. Nó đang ngồi cạo móng tay vì sợ bị cán bộ gọi lên lấy kìm rút móng thì tao vào, bảo cứ để đi, không sao đâu. Nó nép vào tao nhưng vẫn cạo. Chúng nó tuyên truyền kinh khiếp hãi thế đấy". Tuy mồm bác ấy bô bô thế nhưng mà tốt. 

Bác mở cái Akai rõ to cho cả xóm cùng thưởng thức. Còn cái tivi Panasonic cửa lùa thì chỉ mở khi nào có đá bóng. Bọn trẻ ăn cơm rõ sớm rồi sang xem, phải để dép bên ngoài. Đứa nào không có dép thì phải rửa chân rồi mới được vào. 

Với lũ trẻ chúng tôi thì trận Thể Công gặp Tổng cục Đường sắt, hay Tây Đức đá với Phờ-răng-xê thì cũng hay như nhau cả thôi. Nhưng phát âm đúng được tên cái ông Beckenbauer là tha hồ vênh mặt với bọn con gái trong xóm.

Trưa đó,

Trưa 30-4-1975 đó thực sự là cái gì đó rất lớn lao mà những đứa trẻ như tôi chưa cảm nhận hết được. Đã không còn những đống đổ nát vì bom đạn, không còn xác máy bay rơi, không còn những cuộc sơ tán nữa. Thay vào đó là những cuộc đoàn tụ, những kết quyện hai miền và cùng nhau hướng ra thế giới.

Chiến tranh chưa hết hẳn. Cuộc sống còn nhiều khó khăn. Dân tộc mình còn phải đương đầu với nhiều thách thức mới. Nhưng xét trong dòng chảy lớn lao của dân tộc, giờ đây tôi có thể tự tin nói với các con tôi rằng:

"Trưa đó, trưa 30-4-1975 đó, Hòa bình và Hy vọng đã trở lại với chúng ta. Chiến tranh và gian khổ đã lùi vào dĩ vãng". Một cách nói khác của điều bố nói với tôi trưa đó, trưa 30-4-1975 đó chăng?!

Cảm ơn bạn đọc gửi bài dự thi Kể chuyện hòa bình

Nhân kỷ niệm 50 năm hòa bình, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình (báo Tuổi Trẻ tổ chức, Tập đoàn Cao su Việt Nam đồng hành, diễn ra từ 10-3 đến 15-4) để bạn đọc gửi đến những câu chuyện xúc động, khó phai của từng gia đình, từng con người cũng như tâm tư về ngày thống nhất 30-4-1975, về 50 năm hòa bình.

Cuộc thi dành cho tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.

Kể chuyện hòa bình nhận bài viết tối đa 1.200 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa gửi đến email [email protected]. Chỉ nhận bài qua email, không nhận qua đường bưu điện để tránh thất lạc.

Bài dự thi chất lượng sẽ được lựa chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ, được nhận nhuận bút và các bài qua vòng sơ khảo sẽ được in thành sách (sách không trả nhuận bút - không bán). Bài dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết nào khác và chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Tác giả gửi bài chịu trách nhiệm về bản quyền của bài viết, ảnh và video dự thi, không nhận ảnh video minh họa lấy từ trên mạng xã hội không có bản quyền. Tác giả phải ghi địa chỉ, điện thoại, email, số tài khoản, số căn cước công dân để ban tổ chức liên lạc, gửi nhuận bút hoặc giải thưởng.

Sài Gòn, 30-4 và má - Ảnh 2.

Tính đến hết ngày 6-4, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình đã nhận được 370 bài dự thi của bạn đọc.

Lễ trao giải và ra mắt sách Kể chuyện hòa bình

Ban giám khảo gồm các nhà báo, nhà văn hóa tên tuổi cùng đại diện báo Tuổi Trẻ sẽ xét duyệt chấm giải từ các bài đã qua sơ khảo và chọn trao thưởng cho những bài dự thi chất lượng.

Lễ trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình và đặc san báo Tuổi Trẻ 30-4 dự kiến tổ chức tại Đường sách TP.HCM vào cuối tháng 4-2025. Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.

Giải thưởng Kể chuyện hòa bình

- 1 giải nhất: 15 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.

- 2 giải nhì: 7 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.

- 3 giải ba: 5 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.

- 10 giải khuyến khích: 2 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.

- 10 giải bạn đọc bình chọn: 1 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.

Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.

Các giải thưởng còn được kèm giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ 30-4.

Ban tổ chức

Chiến tranh kết thúc rồi, đời các con hết khổ rồi - Ảnh 3.Có những vết thương không nhìn thấy

Sau ngày đất nước thống nhất, các ngõ phố Hà Nội được cải tạo, xóa bỏ vòi nước công cộng, nước sạch lắp ngay trong nhà, không phải xếp hàng thùng, xô, chậu chầu chực thì niềm vui như được nhân đôi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên