Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc trong lần giới thiệu với giới truyền thông tại căn cứ không quân Yangcun, ngoại ô Thiên Tân - Ảnh: Reuters |
“Chiến tranh công nghệ thông tin trên biển diễn ra bất ngờ, tàn khốc và nhanh chóng...” - trang Sputnik News ngày 28-8 dẫn bình luận của nguồn tin từ Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) khi Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận hải quân gần đây trên biển Hoa Đông.
Tình huống giả định là tàu bị gây nhiễu và chế áp điện tử mạnh. Các cuộc tập trận nhằm củng cố “sức mạnh, tính chính xác, sự ổn định và tốc độ của binh lính trong tình huống chế áp điện tử mạnh” - bên quân đội Trung Quốc dùng cụm từ “chế áp điện tử” thay cho “chiến tranh điện tử”.
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều rađa trên các thực thể mà nước này chiếm đóng và bồi đắp trái phép trên Biển Đông có thể được sử dụng cho nhiều mục đích.
Theo giới quan sát, hệ thống rađa sẽ giúp Trung Quốc củng cố năng lực tình báo và theo dõi theo thời gian thực trên khắp khu vực.
Hệ thống rađa nghe có vẻ ít đe dọa hơn hệ thống tên lửa hay căn cứ quân sự, nhưng sẽ tạo lợi thế lớn cho Bắc Kinh so với các nước hoạt động tại Biển Đông.
Với hệ thống rađa cộng với mạng lưới vệ tinh tình báo và quân sự được mở rộng thời gian qua, Trung Quốc có thể theo dõi mọi hoạt động của tàu hoặc các thiết bị quân sự nước ngoài.
Theo tờ The Strategist của Viện Chính sách chiến lược Úc, các rađa của Trung Quốc dường như được thiết kế kết nối với vệ tinh và có nhiều chức năng khác.
“Điều đó cho phép các tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc có khả năng nhắm mục tiêu chính xác, tinh vi hơn và mở rộng vùng tiêu diệt đối với các mục tiêu di chuyển như đội tàu sân bay” - tờ báo viết.
Ngoài ra, hệ thống này cũng có thể giúp Bắc Kinh chủ động phá sóng hoặc gây nhiễu rađa và hệ thống cảm biến điện tử của đối phương. Trung Quốc năm ngoái từng sử dụng chiến thuật này đối với máy bay do thám RQ-4 Global Hawk của Mỹ trên Biển Đông.
Trong khi đó, Mỹ cũng đã có nhiều nỗ lực để củng cố năng lực chiến tranh điện tử của mình tại khu vực.
Chẳng hạn, hồi tháng 6-2016 hải quân Mỹ đã triển khai bốn máy bay tấn công điện tử EA-18G Growler tới Philippines. Dù Washington tuyên bố lý do triển khai máy bay vì mục đích “huấn luyện song phương” nhưng có thể các máy bay này được sử dụng để do thám trên Biển Đông.
Ngoài ra, máy bay Growler cũng có khả năng làm nhiễu rađa giống các rađa mà Trung Quốc triển khai trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Nhiều kỹ thuật chiến tranh điện tử sẽ tiếp tục gia tăng tại khu vực để kiểm soát hoặc cản trở thông tin, một điểm quan trọng trong hoạt động của các lực lượng quân sự Mỹ lẫn Trung Quốc.
“Viễn cảnh sắp tới sẽ là các thiết bị chiến tranh điện tử của Mỹ nhắm vào rađa của Trung Quốc trên Biển Đông và PLA sẽ củng cố khả năng tấn công và phòng vệ để phản ứng với các năng lực mới của Mỹ” - tờ The Strategist viết.
Ngoài ra, việc tăng cường năng lực chiến tranh điện tử cũng là một cách để Mỹ hỗ trợ các đồng minh Đông Nam Á tại khu vực.
Leo thang The Strategist cảnh báo cuộc cạnh tranh điện tử sẽ tăng mạnh khi Mỹ và Trung Quốc cố giành ưu thế trong xu hướng mới của cuộc đối đầu trên Biển Đông, đặc biệt là khi các hạ tầng rađa của Trung Quốc đi vào hoạt động trong thời gian tới và PLA tăng cường triển khai máy bay trên Biển Đông. “Phạm vi điện tử, phần lớn nằm ngoài tầm mắt của công chúng, đang trở thành một lĩnh vực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông. Cuộc cạnh tranh này nếu kéo dài sẽ chỉ gây thêm căng thẳng và có khả năng làm leo thang tình hình tại khu vực” - tờ báo đánh giá. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận