16/09/2019 16:29 GMT+7

Chiến thuật 'ruồi bu' với Drone đã xuất hiện ở Saudi Arabia?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Trong tương lai gần, máy bay không người lái (drone) sẽ trở thành thứ vũ khí đáng sợ trên chiến trường. Vụ tấn công các cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia mới đây đã cho thấy hiệu quả và uy lực của các cỗ máy điều khiển từ xa.

Chiến thuật ruồi bu với Drone đã xuất hiện ở Saudi Arabia? - Ảnh 1.

Hàng chục drone đã được sử dụng tấn công đồng loạt các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia - Ảnh: REUTERS

Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết London sẽ đầu tư mạnh cho dự án phát triển phi đội drone có khả năng hoạt động "theo bầy" nhờ kết nối mạng. Với kích thước nhỏ và số lượng lớn, chúng có thể làm phân tán và áp đảo các hệ thống phòng không của đối phương.

Ông Williamson nhận định loại khí tài hiện đại này đánh dấu một cuộc cách mạng lớn trong chiến tranh tự động. Nó sẽ được biên chế vào không quân Hoàng gia Anh để phối hợp với phi đội tiêm kích F-35 hiện đại.

Công nghệ đã có

Những gì Bộ trưởng Anh tiết lộ xác nhận một điều các chuyên gia quân sự nghi ngờ trong nhiều năm: Công nghệ điều khiển drone phối hợp đã ra đời và giới lãnh đạo quân sự bắt đầu ứng dụng vào chiến trường.

Theo báo Washington Post, một số hãng công nghệ Mỹ đã trình diễn được khả năng điều khiển một nhóm drone bay theo đội hình phức tạp, nhiều thí nghiệm chỉ nhìn qua cũng có thể đoán chúng sẽ đáng sợ ra sao nếu được ứng dụng trong quân sự.

"Ý tưởng từng một thời là tiểu thuyết viễn tưởng, rồi thì tà đạo, bây giờ đã được thảo luận và chấp nhận rộng rãi" - nhà nghiên cứu Peter Singer, thuộc tổ chức học giả New America Foundation, nhận xét.

Chiến thuật ruồi bu với Drone đã xuất hiện ở Saudi Arabia? - Ảnh 2.

Mô hình giả lập drone phá hủy hệ thống phòng không trên mặt đất - Ảnh: UAS

 Khác với Mỹ vốn chi nhiều tiền cho các mẫu máy bay có người lái hiện đại, Anh sẽ trở thành một trong những nước đi tiên phong ứng dụng công nghệ "bầy drone" vào quân sự nếu mốc thời gian 3 năm do Bộ Quốc phòng nước này đề ra cho dự án là khả thi.

"Dù đã có rất nhiều thí nghiệm được tiến hành, nhưng cho đến nay Mỹ chưa khởi động xây dựng năng lực drone có khả năng tiêu diệt hệ thống phòng không" - chuyên gia quân sự Paul Scharre, thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, so sánh.

Hồi năm 2016, trong một thử nghiệm được Lầu Năm Góc gọi là "một trong những hệ thống tự động quan trọng nhất đang được phát triển", một bầy drone kích thước nhỏ hơn 100 con được thả ra từ bụng tiêm kích F/A Super Hornet bay theo đội hình một cách chuẩn xác.

Chuyên gia Will Roper của Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả bầy drone giống như một sinh vật, chia sẻ cùng một bộ não để đưa ra quyết định, thích nghi lẫn nhau như các tập hợp sinh vật trong tự nhiên.

Chiến thuật ruồi bu với Drone đã xuất hiện ở Saudi Arabia? - Ảnh 3.

Drone sẽ là những cỗ máy sát thương đầy uy lực trên chiến trường - Ảnh: NextGen

Những cỗ máy sát thương lạnh lẽo

Lầu Năm Góc đã nghiên cứu các ứng dụng của công nghệ bầy drone trong hơn 10 năm, nhiều chương trình ra đời mang các mật danh như Cicada, Gremlins, Valkyries...

Các lãnh đạo quân đội Mỹ luôn nhất mực yêu cầu bất cứ vũ khí nào dùng trí thông minh nhân tạo đều phải gộp yếu tố kiểm soát bởi con người trong đó, tức robot có thể tự tìm đường và mục tiêu, nhưng cần phải có người ra quyết định bóp cò. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mong muốn trên khó khả thi, vì mỗi con drone trong bầy nếu không tự động hoàn toàn thì cũng phải tự động một phần - điều sẽ khiến nhiều người cảm thấy bất an.

"Ý tưởng bầy drone đồng nghĩa với tự hành. Không chỉ có rất nhiều drone mà là rất nhiều drone hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin trong cả bầy" - chuyên gia Singer của New America Foundation giải thích.

Chiến thuật ruồi bu với Drone đã xuất hiện ở Saudi Arabia? - Ảnh 4.

Mẫu drone XQ-222 Valkyrie của Hãng vũ khí Mỹ Kratos Defense & Security Solutions - Ảnh: Kratos Defense

Mặc dù không quân Mỹ đã có nhiều kinh nghiệm điều khiển các chiến đấu cơ không người lái như Predator và Reaper, họ phải tìm ra cách để một người có thể ra lệnh cho rất nhiều robot cùng lúc, song song đó vẫn nắm quyền kiểm soát chúng.

Hiện các nhà khoa học của ĐH Carnegie Mellon, ĐH Cornell, Công ty Siemens Corp... đã nhận các gói thầu của Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển một chương trình gọi là Offensive Swarm-enabled Tactics cho phép bộ binh tương lai điều khiển cùng lúc 250 con drone trong điều kiện phức tạp của các chiến dịch quân sự trong thành thị.

Công ty Kratos Defense & Security Solutions đóng ở San Diego, California, thì đang phát triển hai mẫu drone tấn công UTAP-22 Mako và XQ-222 Valkyrie có chức năng hỗ trợ máy bay có người lái.

Tất nhiên, vì nhiều lý do rõ ràng, các nhà quan sát tỏ ra lo lắng về viễn cảnh một chiến trường đầy robot. Chuyện gì xảy ra nếu chúng được dùng để phát tán vũ khí hóa học và sinh học?

"Đây là một ví dụ về công nghệ mang tiềm năng quân sự lớn nhưng cũng quá nguy hiểm" - ông Kingston Reif, giám đốc của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí Mỹ, bình luận.

Cảnh sát New York dùng drone đảm bảo an ninh cho năm mới Cảnh sát New York dùng drone đảm bảo an ninh cho năm mới Trung Quốc giám sát người dân bằng drone robot hình chim Trung Quốc giám sát người dân bằng drone robot hình chim Lo với chiến thuật bầy đàn DRONE của Trung Quốc Lo với chiến thuật bầy đàn DRONE của Trung Quốc
PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên