22/11/2024 13:06 GMT+7

Chiến thuật kéo giãn của Mỹ ở Ukraine

Động thái của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc nới lỏng các giới hạn sử dụng vũ khí do phương Tây viện trợ cho Ukraine dường như đã trở thành giải pháp duy nhất để cứu vãn tình hình chiến sự đang dần bất lợi.

Chiến thuật kéo giãn của Mỹ ở Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng vào ngày 26-9 - Ảnh: Reuters

Trong buổi trả lời phỏng vấn Đài Fox News khi chiến sự tròn 1.000 ngày, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đã thừa nhận tình hình đang diễn biến theo hướng "rất nguy hiểm" vì Ukraine hiện "không có đủ" sự hỗ trợ để chiến thắng. Thậm chí ông Zelensky cũng không né tránh viễn cảnh có thể "sẽ thua" nếu bị Mỹ cắt giảm viện trợ, mặc dù nếu rơi vào viễn cảnh đó thì người Ukraine sẽ vẫn chiến đấu.

Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Biden đã có những lựa chọn giúp Ukraine có được điều kiện cần thiết để kéo giãn cả về không gian, thời gian và vị thế trong tương quan so sánh với Nga trong hai tháng cuối cùng của nhiệm kỳ.

Giữ cán cân trên chiến trường 

Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) cho biết có đến 250 mục tiêu quân sự của Nga với 17 căn cứ không quân nằm trong phạm vi của ATACMS của Ukraine trên toàn trận tuyến. Do đó ATACMS còn có thể giúp phát huy hiệu quả kế hoạch "phát quang bầu trời" mà Ukraine đang triển khai đồng bộ nhằm gây áp lực tối đa lên mạng lưới phòng không - không quân của Nga.

Cùng với lập trường "thích nghi và điều chỉnh" mà Ngoại trưởng Mỹ Blinken tuyên bố trước đó, có thể thấy khả năng các phi đội F-16 viện trợ từ Mỹ do Ukraine điều khiển cũng sẽ sớm được phép mang theo tên lửa không đối đất có công nghệ tàng hình tầm xa AGM-158 (JASSM) chuyên dụng có tầm bắn 370km, giúp Ukraine đảm bảo được lợi thế về không phận trên chiến trường khu vực Kursk.

Viễn cảnh giữ được lợi thế trên không ở Kursk nếu "kéo giãn" được thêm về thời gian sẽ càng được củng cố bởi các nỗ lực tự chủ chiến lược từ ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine.

Điển hình là việc Ukraine tăng cường sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình nội địa R-360 Neptune (có tầm bắn hơn 300km) với số lượng dự kiến đến cuối năm nay sẽ vượt hơn 100 chiếc, nhiều hơn tổng số lượng 50 tên lửa ATACMS mà Ukraine đã nhận từ Mỹ trong hai đợt.

Thêm vào đó, Ukraine còn có sự kết hợp giữa các loại tên lửa tầm xa do phương Tây viện trợ với một lượng lớn drone Palianytsia có tầm hoạt động đến 700km do Ukraine tự sản xuất trong các đợt tấn công từ ngày 19 đến 20-11.

Để kéo giãn thời gian phòng thủ cần thiết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin còn cung cấp mìn sát thương chống bộ binh, giúp Ukraine làm chậm bước tiến của Nga ở các khu vực trọng yếu. Đồng thời hệ thống phòng không hiện đại NASAMS từ Canada, dự kiến chuyển giao cuối năm 2024, càng giúp kéo giãn thời gian phòng thủ hiệu quả của AFU đến đầu năm 2025.

Định hình thế cân bằng cho Ukraine

Có thể nói Washington đang dồn sức cho những nỗ lực cuối cùng không chỉ nhằm tái cân bằng tình hình trên thực địa, vốn đang nghiêng theo chiều hướng bất lợi cho Ukraine, mà còn củng cố vị thế của chính quyền Tổng thống Zelensky trước Nga trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden đã đề xuất trước Quốc hội Mỹ việc xóa khoản nợ 4,65 tỉ USD cho Ukraine, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính, giúp Ukraine tập trung vào tái thiết sau chiến tranh. Đồng thời Mỹ khẳng định "không thấy điều kiện tiên quyết nào" để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, theo học thuyết hạt nhân mới được điều chỉnh, nhằm giảm căng thẳng và ngăn chặn leo thang xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ.

Trong bối cảnh hiện tại, Ukraine đang nắm giữ lợi thế cả về không phận tại khu vực Kursk và hải phận ở Biển Đen, tạo điều kiện thuận lợi để đối trọng với đà tiến quân của Nga trên bộ tại vùng Donbass. 

Việc Nga tăng cường không kích bằng máy bay ném bom chiến lược Tu-95 vào các khu vực phía bắc Ukraine và triển khai một lượng lớn tàu chiến trang bị tên lửa hành trình Kalibr ở Biển Đen vào ngày 21-11 cho thấy nỗ lực của Matxcơva nhằm duy trì ưu thế.

Tuy nhiên, chiến thuật kéo giãn của Tổng thống Biden, kết hợp với sự phối hợp chặt chẽ cùng Ukraine, dường như đang hiệu quả trong việc định hình một thế cân bằng hơn giữa các bên trên bàn đàm phán sắp tới.

Các báo cáo gần đây về sự hiện diện của hơn 10.000 binh sĩ Triều Tiên phối hợp với 50.000 quân Nga tại Kursk đã buộc quân đội Ukraine phải dàn trải lực lượng trên một trận tuyến kéo dài hơn 1.200km, trải rộng ở ba hướng: phía bắc (giáp Belarus), phía đông (Kursk) và phía nam (Donbass, Kherson, Zaporizhia).

Do đó, quyết định ngày 17-11 của Chính phủ Mỹ cho phép Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) để tấn công vào lãnh thổ Nga đã giúp "kéo giãn" đáng kể không gian tác chiến hiệu quả của quân đội Ukraine ở các khu vực chiến sự trên bộ đang gặp khó khăn.

Chiến thuật kéo giãn của Mỹ ở Ukraine - Ảnh 2.NATO phản ứng sau vụ Nga nã tên lửa mới vào Ukraine

Liên minh quân sự NATO phản ứng sau khi Nga phóng loại tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung mới có tên Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên