
Tổng thống Zelensky phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich ngày 15-2 Ảnh: Reuters
Động thái này tiếp tục đánh dấu bước chuyển đổi lập trường tiếp theo của nhà lãnh đạo Ukraine.
Bài bản trong hỗn loạn
Trước đó, ông Zelensky đã chuyển đổi lập trường từ việc đảm bảo gia nhập vào NATO "toàn bộ lãnh thổ" Ukraine thành chỉ cần "từng phần lãnh thổ" khi trả lời phỏng vấn Hãng tin Sky News (Anh) ngày 29-11-2024.
Đến ngày 4-2, phía Ukraine cũng chấp thuận tham gia đàm phán với phía Nga trong trường hợp đó là "cách duy nhất để kết thúc chiến tranh", đảo ngược lệnh nghiêm cấm các hoạt động đàm phán với chính quyền Nga kể từ tháng 10-2022.
Phía Nga vào ngày 5-2 cũng chính thức đảo ngược lập trường không chấp nhận tham gia đàm phán trực tiếp với ông Zelensky (vốn đã hết nhiệm kỳ tổng thống theo cách diễn giải từ Nga) để lộ trình hòa đàm cấp nguyên thủ giữa Nga - Ukraine được tiến triển.
Trên thực tế xu hướng nới lỏng lập trường từ cả hai phía Ukraine và Nga có liên hệ mật thiết đến chuỗi tương tác từ "đội đặc nhiệm Ukraine" thuộc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đội này bao gồm hai phân nhánh: nhánh "Ukraine - châu Âu" và nhánh "Nga - châu Á" và hiện đang tiếp tục triển khai "chiến thuật gây sốc" nhằm điều hướng dư luận với mỗi bên theo bốn bước bài bản với vai trò điều phối tổng thể của Tổng thống Trump trong tháng 2-2025.
Đầu tiên chính là "cú sốc" khi hôm 11-2, ông Trump tuyên bố thương vong đã lên đến 1,5 triệu người cho cả hai phía trong chiến sự Ukraine, dù không đính kèm minh chứng cụ thể. Con số này dù chưa kiểm chứng nhưng đã gián tiếp tạo nên một làn sóng nhận thức lại thiệt hại về con người sau ba năm diễn ra cuộc chiến Ukraine, giúp củng cố dư luận chủ hòa ở châu Âu trước thềm Hội nghị an ninh Munich.
Sự trỗi dậy của dư luận chủ hòa ở châu Âu sẽ giảm thiểu đáng kể áp lực đối với các "cú sốc" tiếp theo từ chính quyền ông Trump đến Ukraine.
Dựa trên nền tảng này, các thành viên thuộc nhánh "Ukraine - châu Âu" đã liên tục tung ra các bài phát biểu nhằm "phủ đầu" dư luận chủ chiến mong muốn tiếp tục leo thang chiến sự ở Ukraine.
Mở đầu bằng bài phát biểu của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth vào ngày 12-2 khẳng định rằng mục tiêu trở về với đường biên giới trước năm 2014 của Kiev là "ảo tưởng" và "sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến và gây thêm đau khổ".
Ngay sau đó đặc phái viên của ông Trump về Ukraine Keith Kellogg tiếp tục phát triển "hiệu ứng sốc" từ quan điểm của Bộ trưởng Hegseth khi tuyên bố ngày 13-2 về việc Ukraine có thể phải chính thức nhân nhượng lãnh thổ nhưng "không cần sự công nhận của Mỹ".
Trong lúc dư luận châu Âu đang hỗn loạn, Phó tổng thống Mỹ J. D. Vance đã đưa sự hoang mang lên mức cực đại với bài phát biểu ngay giữa tâm điểm Hội nghị Munich vào ngày 14-2 khi chỉ trích chính sách của nhiều quốc gia EU nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của phong trào cánh hữu, tạo nên "sự lo sợ nhất" của nước Mỹ đối với "mối đe dọa bên trong" của EU, thay vì các vấn đề bên ngoài như Ukraine.
Tuy nhiên ngay cuộc họp báo sau đó cùng ngày 14-2 ông Vance đã đưa ra phương án nhằm ổn định tình hình ở Ukraine bằng một giải pháp hướng đến "hòa bình lâu dài, bền vững". Trong đó, ông Vance nói về khả năng đưa quân đội Mỹ đến Ukraine và tung đòn trừng phạt vào nền kinh tế đang "không hoạt động tốt" của Nga nhằm cải thiện vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán tiềm năng.
Hội tụ mọi liên kết về Mỹ trong hòa đàm Nga - Ukraine
Chuỗi phát ngôn của ông Vance không chỉ giúp điều hướng dư luận châu Âu "thoát khỏi lối mòn" hiện tại khi chỉ tập trung vào các nỗ lực vãn hồi một chiến thắng trên thực địa cho Ukraine vốn dĩ ngày càng khó khăn, đồng thời cũng thu hút sự quan tâm đối với các hoạt động tiếp theo thuộc bước triển khai thứ ba do "nhánh Nga - châu Á" của chính quyền Trump thực hiện.
Trong thông báo sau cuộc điện đàm với phía Nga, ông Trump cho biết một nhóm bao gồm Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, giám đốc CIA John Ratcliffe, cố vấn an ninh quốc gia Michael Waltz cùng đặc phái viên Nhà Trắng Steve Witkoff sẽ tham gia đàm phán ngay lập tức với đội đàm phán cấp cao của Nga.
Trong bối cảnh đó một "cú sốc" khác cũng đang được thực hiện. "Cú sốc" này không phải từ "đội Trump", mà từ việc xuất hiện các cáo buộc lẫn nhau về hoạt động tấn công cùng lúc gây hư hại lớp vỏ bảo vệ Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (ở gần biên giới Ukraine - Belarus) và đình trệ hoạt động luân chuyển chuyên gia Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (lớn nhất châu Âu) trong ngày 13-2.
Tuy vẫn chưa rõ bên nào thực hiện nhưng hai động thái này đã gây chấn động dư luận khiến các "bên thứ ba" có ảnh hưởng đến Ukraine nhận thức rõ hơn về một thảm kịch "mùa đông hạt nhân" có thể xảy ra nếu tiếp tục ủng hộ leo thang chiến sự.
Và cuối cùng là việc "đội Trump" sẽ chen vào giữa tiến trình hòa đàm này các lợi ích của Mỹ, trước mắt chính là 500 tỉ USD đất hiếm và tài nguyên của Ukraine - vốn dĩ cũng là một "cú sốc" khác vốn không ảnh hưởng nhiều đến tiến trình hòa đàm hiện tại cùng một thỏa thuận an ninh cho Ukraine mà EU phải chịu hoàn toàn chi phí thay cho Mỹ.
Có thể thấy chính quyền Trump đang triển khai một loạt "động thái gây sốc" nhằm phá vỡ các nhận thức "lối mòn" hiện tại của các bên liên quan đến chiến sự ở Ukraine, mở ra những phương án đòi hỏi sự nhân nhượng lẫn nhau từ cả Nga và Ukraine.
Sự chuyển biến quan điểm từ cả Nga lẫn Ukraine và gần đây nhất là tuyên bố ủng hộ bất ngờ từ Tổng thư ký NATO Mark Rutte đến các phương án của Mỹ đang cho thấy một viễn cảnh đầy triển vọng về hòa đàm Nga - Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận