Những bộ tem kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ được giới thiệu tới công chúng tại Trung tâm hội nghị, văn hóa tỉnh Điện Biên (TP Điện Biên Phủ), nhân dịp Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chiều 5-5.
Triển lãm giới thiệu đủ tám bộ tem kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ như bộ tem kỷ niệm 10 năm, 20 năm… 70 năm và bộ tem ra mắt ngay tháng 10-1954.
Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu một số bộ tem khác có sử dụng hình ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Từ bộ tem Điện Biên Phủ do tác giả quốc huy Việt Nam thiết kế
Hấp dẫn nhất với người xem trong triển lãm này có lẽ là bộ tem Chiến thắng Điện Biên Phủ đầu tiên, phát hành tháng 10-1954, do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế, sử dụng hình ảnh lịch sử những người lính đang cắm cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng Đờ Cát.
Bộ bốn tem có giá: 10 đồng, 50 đồng, 150 đồng và Okilo600.
Không lâu sau bộ tem này, họa sĩ Bùi Trang Chước bắt tay vào thiết kế mẫu quốc huy và sau này mẫu của ông cộng với phần chỉnh sửa của họa sĩ bậc thầy Trần Văn Cẩn được chọn làm quốc huy Việt Nam.
Thứ hai là bộ tem kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 1964), do họa sĩ Trần Lương thiết kế, giá 3 xu, 6 xu, 12 xu.
Bộ tem kỷ niệm 20 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 1974), thể hiện hình ảnh người chiến sĩ phất cao lá cờ Quyết chiến quyết thắng trên nóc hầm tường Đờ Cát và Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ.
Tem do họa sĩ Trần Huy Khanh thiết kế, có giá 12 xu.
Bộ tem kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được phát hành vào ngày 7-5-1984, gồm 7 mẫu tem tái hiện những hình ảnh tiêu biểu của quân và dân ta chiến đấu và giành chiến thắng trong trận Điện Biên Phủ.
Bộ tem do họa sĩ Huy Toàn thiết kế, có giá 3 đồng, 5 đồng, 8 đồng, 10 đồng.
Bộ tem kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm hai mẫu, do họa sĩ Trịnh Quốc Thụ thiết kế, với hình ảnh kéo pháo vào trận địa và hình ảnh mừng chiến thắng.
Bên góc trái mỗi mẫu tem có hình ảnh Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên, có giá 400 đồng và 3.000 đồng.
Những bộ tem này vẫn còn gợi nhiều hoài niệm với các mẫu chủ yếu vẽ tay, chưa ảnh hưởng nhiều của đồ họa.
Đến bộ tem kỷ niệm 50 năm, 60 năm, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những mẫu thiết kế bắt đầu hiện đại hơn.
Bộ tem kỷ niệm 50 năm gồm hai mẫu tem và một blốc khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên năm xưa cùng không khí công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước tại mảnh đất Điện Biên những năm đầu thế kỷ 20, do họa sĩ Vũ Kim Liên thiết kế.
Bộ tem kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2014 có một mẫu duy nhất, với hình ảnh tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ và hoa ban - loại hoa đặc trưng của Tây Bắc, do họa sĩ Tô Minh Trang thiết kế.
Bộ tem kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ gồm bốn mẫu tem được thiết kế bằng phương pháp đồ họa, sử dụng hình ảnh thực tế trong lịch sử, thể hiện hành trình 70 năm từ quá khứ chiến thắng hào hùng đến hiện tại phồn vinh, hạnh phúc.
Đến tem in tranh bảo vật quốc gia Kết nạp Đảng ở Điện Biên
Ngoài những bộ tem được phát hành kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, còn có một số mẫu tem sử dụng những hình ảnh liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Như dịp kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 1984) còn có tem quân đội do họa sĩ Hoàng Thúy Liệu thiết kế, phác họa hình ảnh những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phất cao lá cờ Quyết chiến quyết thắng trên nóc hầm tướng Đờ Cát.
Năm 1987 có bộ tem Kỷ niệm những ngày lịch sử, gồm bốn mẫu tem, trong đó có tem thể hiện chân dung Bác Hồ và hình ảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tem do họa sĩ Ngô Mạnh Lân thiết kế, có giá 30 đồng.
Đến năm 1996 có tem in bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của danh họa Nguyễn Sáng. Ít năm sau đó tranh được công nhận bảo vật quốc gia.
Đây là con tem trong bộ tem Hội họa Việt Nam do họa sĩ Nguyễn Thị Sâm thể hiện, giới thiệu hai bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Sáng.
Năm 2017 có thêm bộ tem Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thể hiện chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bộ quân phục của thập niên 1970, nền tem là hình ảnh trận Điện Biên Phủ đã gắn với tên tuổi của Đại tướng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận