Phóng to |
Trần Đình Vĩ nhận giải Vô địch thế giới cuộc thi MOSWC 2012 tại Las Vegas, Mỹ - Ảnh: IIG |
Cuộc thi Vô địch tin học văn phòng thế giới (MOSWC) đã đi được chặng đầu với vòng thi quốc gia diễn ra sôi nổi tại 6 tỉnh thành trên cả nước vào ngày 23-3-2013.
Hơn 1.000 thí sinh thuộc đội tuyển các trường đã tham gia dự thi và danh sách 90 thí sinh xuất sắc nhất được lọt vào vòng chung kết quốc gia MOSWC 2013 đã được xác định.
Nhằm giúp các thí sinh năm 2013 có thể học hỏi được các đàn anh đi trước kinh nghiệm thi đấu, ban tổ chức cuộc thi MOSWC 2013 đã có buổi trò chuyện với Quán quân thế giới cuộc thi năm 2012 Trần Đình Vĩ – hiện đang là cán bộ ngân hàng tại ANZ.
* Bạn có thể chia sẻ với các thí sinh của cuộc thi Vô địch tin học văn phòng thế giới 2013 (MOSWC 2013) cảm giác khi được xướng tên tại Las Vegas 2012 và nhận chức vô địch thế giới duy nhất tại nội dung Microsoft Word 2010 không?
- Trần Đình Vĩ: Đó là một bất ngờ lớn vì từ đầu tôi không hề nghĩ đến việc có giải. Có thể nói giây phút đó khá nhiều cảm xúc, dù chỉ là một cuộc thi nhưng cảm giác chiến thắng đó thực sự rất tự hào, sung sướng, dường như niềm vui đó đã bùng nổ trong tôi. Lúc đó cảm giác tự hào dân tộc lắm, cảm thấy Việt Nam mình cũng không hề thua kém bất cứ nước nào.
* Được biết, bạn đã đăng ký tham dự cuộc thi này 3 lần và lần thứ 3 vinh dự đạt được huy chương danh giá, điều gì ở cuộc thi Vô địch tin học văn phòng thế giới đã thu hút bạn vậy?
- Trần Đình Vĩ: Năm 2012 là lần thứ 3 liên tiếp tôi tham gia MOSWC. Năm 2010, tôi tranh tài ở nội dung Word 2003 và đã giành vé vào chung kết quốc gia với vị trí thứ 6 chung cuộc.
Năm 2011, tôi tham gia với nội dung Word 2007 nhưng không vượt qua được vòng loại do làm bài lâu hơn các bạn. Không nản chí, năm 2012 tôi tiếp tục đăng ký với quyết tâm “phục thù” và thành công cuối cùng đã mỉm cười.
Với tôi, mỗi lần tham dự là một bài học, là một kỷ niệm. Cả 2 năm đầu tôi đều không đạt được kết quả cao. Nhưng bù lại, tôi thu lại được khá nhiều, đó là những bài học về kỹ năng làm bài, là những chức năng của phần mềm trước giờ không hề nghĩ tới, là những người bạn mới trong đội tuyển.
Chiến thắng có lẽ cũng không quan trọng bằng sự trải nghiệm, đó là lúc liên tục thua cuộc, tới lúc đoạt được chiến thắng mới thấy công sức mình bỏ ra đã được đền đáp và đúng như các cụ nói “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Cuộc thi Vô địch tin học văn phòng thế giới là một cuộc thi chú trọng về kỹ năng tin học, vì vậy bên cạnh trau dồi kiến thức, mình nên rèn luyện để thành thạo các kỹ năng ứng dụng tin học văn phòng.
* Chắc hẳn bạn cũng có theo dõi những diễn biến và những điểm thay đổi của MOSWC 2013, bạn nghĩ thế nào về những điểm mới của cuộc thi năm nay?
- Trần Đình Vĩ: Tôi thấy được năm nay có điểm thay đổi quan trọng là được phép nộp bài thi lại tại vòng loại. Đó sẽ là cơ hội cho các bạn sửa sai nếu lần đầu các bạn mắc phải sai sót, để từ đó cuộc thi sẽ thật sự tuyển được và tuyển đúng các bạn giỏi.
Ngoài ra năm nay cơ cấu giải thưởng cũng hấp dẫn với rất nhiều quà tặng như laptop, điện thoại di động, USB 3G… nên các bạn hãy cố gắng để vừa được trau dồi kỹ năng tin học vừa có cơ hội nhận quà.
Phóng to |
Trần Đình Vĩ (thứ hai từ phải qua) nhận giải nhất quốc gia cuộc thi MOSWC 2012 - Ảnh: IIG |
* Bạn hãy bật mí “bí kíp” đã giúp mình vượt qua gần 300.000 thí sinh đến từ gần 60 quốc gia trên toàn thế giới trong cuộc thi năm ngoái để tiếp thêm sự tự tin cho các thí sinh của cuộc thi MOS World Championship 2013?
- Trần Đình Vĩ: Điều đầu tiên tôi muốn nói là chắc chắn các bạn thí sinh có kỹ năng không hề thua kém tôi, thậm chí vượt trội hơn tôi. Nên các bạn hãy thật tự tin vào mình, điều quan trọng là các bạn phải giữ được sự bình tĩnh khi vào phòng thi, ngoài ra là sự cẩn thận khi đọc đề, điều đó theo tôi chiếm 1 phần cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện bài thi.
Phân bổ thời gian làm bài hợp lý: bài thi có khoảng 18-40 câu hỏi tùy theo môn thi, thực hiện trong 50 phút, vì thế không nên dành quá nhiều thời gian vào một câu hỏi nào cả. Nên bỏ qua (skip) câu hỏi chưa tìm ra đáp án để làm lại câu hỏi đó sau khi đã trả lời xong các câu hỏi còn lại.
Dạng câu hỏi của bài thi MOS không phải là dạng trắc nghiệm mà là các thao tác trực tiếp trên phần mềm Microsoft Office. Do đó, các thí sinh cần cân nhắc kỹ về các thao tác của mình trước khi bấm nút next để chuyển sang câu hỏi tiếp theo.
* Chỉ còn hai tuần nữa là đến vòng chung kết quốc gia MOSWC 2013, bạn có lời nhắn nào muốn gửi tới các thí sinh cuộc thi MOSWC 2013?
- Trần Đình Vĩ: Năm nay có vẻ các bạn đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng, điểm thi vòng loại các bạn đều rất cao. Xin chúc các bạn sẽ đạt được thành tích cao nhất và tiếp tục mang về huy chương cho Việt Nam tại vòng thi thế giới diễn ra tại Washington D.C Hoa Kỳ vào tháng 8 tới.
Thông tin thêm về cuộc thi Vô địch tin học văn phòng thế giới (MOSWC): - MOSWC đã tổ chức 12 năm trên thế giới và 4 năm tại Việt Nam. - Năm 2012, số lượng thí sinh tham gia tranh tài trên thế giới đạt gần 300.000 người, đến từ gần 60 quốc gia, trong đó có Việt Nam. - Năm 2012, lần đầu tiên đoàn Việt Nam giành chức vô địch thế giới tại nội dung Microsoft Word 2010 với huy chương vàng duy nhất thuộc về thí sinh Trần Đình Vĩ - sinh viên năm thứ tư Trường đại học Ngân hàng TP.HCM. Ngoài chức vô địch dành cho Trần Đình Vĩ, Trần Vương Quốc Anh cũng đã xuất sắc khẳng định mình khi là 1 trong 10 thí sinh xuất sắc nhất thế giới với nội dung Microsoft Excel 2010. - Năm 2012, Tổng cục Dạy nghề đã chính thức công nhận MOSWC là cuộc thi tay nghề quốc gia dành cho các sinh viên của trường nghề. - Năm thứ 3 tham gia MOSWC, Việt Nam đã vượt qua rất nhiều cường quốc như Mỹ (phải chờ đợi 11 năm mới giành được chức vô địch), Anh (mới chỉ 1 lần vô địch năm 2011), Ấn Độ (quốc gia rất phát triển về CNTT nhưng chưa một lần đoạt giải). - Tính đến giữa tháng 3-2013, số lượng thí sinh đăng ký dự thi trên thế giới đã đạt trên 400.000 thí sinh, đến từ 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng hơn 30% so với năm 2012. - Theo quy định của ban tổ chức cuộc thi trên thế giới, mỗi hạng mục giải thưởng của mỗi môn thi chỉ có một giải duy nhất (1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng), không có giải đồng hạng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận