14/12/2023 07:57 GMT+7

Chiến sự với Hamas kéo dài: Lộ rạn nứt giữa Mỹ và Israel

Không rõ sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel sắp tới sẽ giảm đi hay không, nhưng những chỉ trích gay gắt của ông Biden đã cho thấy sự rạn nứt giữa hai quốc gia đồng minh rất thân thiết này.

Một người Palestine ngồi nhìn vào nơi từng có những ngôi nhà nhưng đã bị phá hủy hoàn toàn trong các cuộc không kích của Israel tại thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza, vào ngày 12-12 - Ảnh: REUTERS

Một người Palestine ngồi nhìn vào nơi từng có những ngôi nhà nhưng đã bị phá hủy hoàn toàn trong các cuộc không kích của Israel tại thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza, vào ngày 12-12 - Ảnh: REUTERS

Trong tuyên bố đáng chú ý về xung đột Israel - Hamas, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Israel có nguy cơ mất đi sự ủng hộ của quốc tế vì "ném bom bừa bãi" vào dân thường ở Dải Gaza.

Chỉ trích gay gắt hiếm hoi

Tổng thống Biden đã đưa ra đánh giá thẳng thắn về quốc gia đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở Trung Đông trong buổi gây quỹ tại Washington vào ngày 12-12.

Ông chủ Nhà Trắng nói ông Netanyahu là lãnh đạo của "chính phủ bảo thủ nhất trong lịch sử Israel" - một chính phủ vốn "không muốn giải pháp hai nhà nước".

"An ninh của Israel có thể dựa vào Mỹ, nhưng hiện tại họ có (an ninh) nhiều hơn cả Mỹ. Họ có Liên minh châu Âu, có châu Âu và được hầu hết thế giới ủng hộ. Nhưng họ đang bắt đầu mất đi sự ủng hộ đó vì các vụ đánh bom bừa bãi đang diễn ra" - ông Biden nói.

Báo Financial Times bình luận đây là những chỉ trích gay gắt nhất cho đến nay của ông Biden nhằm vào chính quyền của Thủ tướng Netanyahu kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra hôm 7-10.

Theo các quan chức y tế Palestine, đến nay hơn 18.000 người đã thiệt mạng và gần 50.000 người khác bị thương trong các đợt tấn công của Israel vào Dải Gaza kể từ ngày 7-10. Đó là chưa kể còn nhiều người thiệt mạng trong các đống đổ nát hoặc ngoài khu vực tiếp cận của xe cứu thương.

Thời gian qua trong các cuộc điện đàm, ông Biden đã kêu gọi ông Netanyahu cố gắng tránh gây thương vong cho dân thường ở Gaza.

Ngoài ông Biden, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã chỉ trích cách tiếp cận của Israel đối với chiến dịch quân sự ở Gaza.

Những bình luận của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan chuẩn bị tới Tel Aviv để trao đổi với nội các chiến tranh Israel.

Giải pháp hậu xung đột

Trước ngày 12-12, nhìn chung Mỹ ủng hộ Israel cả trong hành động lẫn lời nói: ủng hộ cuộc tấn công vào Dải Gaza, bác bỏ những lời kêu gọi ngừng bắn tại Liên Hiệp Quốc và cho phép bán hàng ngàn quả đạn cho Israel.

Không rõ sự ủng hộ này sắp tới sẽ giảm đi hay không, nhưng phát biểu của ông Biden vào ngày

12-12 cho thấy rạn nứt giữa Mỹ và Israel đã lộ ra trước công chúng. Đài CNN bình luận sự rạn nứt này cho đến nay hầu như được che giấu ở hậu trường, phản ánh sự bất đồng ngày càng tăng giữa hai đồng minh thân thiết khi số dân thường thiệt mạng ở Gaza tăng lên.

Thậm chí chính thủ tướng Israel cũng thừa nhận hiện nay có "sự bất đồng" giữa Israel với Mỹ về "ngày tháng hậu Hamas" và hy vọng chính phủ hai nước có thể đạt được đồng thuận về những gì diễn ra sau khi cuộc chiến ở Gaza kết thúc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ việc chính quyền Palestine quản lý toàn bộ Dải Gaza và Bờ Tây sau khi xung đột kết thúc. Giới chức Mỹ cũng đề xuất ý tưởng đưa lực lượng quốc tế tới giúp quản lý an ninh ở Gaza tạm thời.

Nhưng Thủ tướng Netanyahu đã phản đối việc để chính quyền Palestine quản lý Gaza và cũng không chấp nhận cho lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế đến đây. Ông khẳng định chỉ có các lực lượng Israel mới có thể đảm bảo an ninh cho đất nước của ông nằm ngay sát Gaza.

Nhiều chuyên gia hiện nay cho rằng Israel khó tiêu diệt được Hamas ở Gaza.

"Rất khó loại bỏ Hamas. Họ nhận được sự ủng hộ đáng kể ở Gaza, ít nhất là so với các đối thủ. Ngoài ra, họ có mối quan hệ sâu sắc về giáo dục, phúc lợi xã hội và tôn giáo cũng như là chính quyền trên thực tế của Gaza" - ông Daniel Byman, giám đốc Chương trình nghiên cứu an ninh tại Đại học Georgetown (Mỹ), nhận định.

Ông chỉ ra: "Tất cả điều này có nghĩa Israel có thể tiêu diệt nhiều thủ lĩnh Hamas mà vẫn không tiêu diệt được tổ chức này. Hy vọng tốt nhất sẽ là cố gắng giữ cho Hamas yếu đi trong khi tăng năng lực cho các đối thủ của nhóm này, chẳng hạn như chính quyền Palestine, nhưng đây là một giải pháp lâu dài và khó khăn".

Liên Hiệp Quốc gây áp lực lên Israel

Ngày 13-12, Israel chịu sức ép lớn khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza.

Với 153 phiếu thuận trên tổng số 193 phiếu, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết trong bối cảnh Israel mở rộng tấn công khắp Dải Gaza, kể cả khu vực miền nam nơi có hàng trăm ngàn dân thường đang trú ẩn.

Dù không mang tính ràng buộc, nghị quyết mang ý nghĩa biểu tượng thể hiện lập trường của cộng đồng quốc tế về xung đột giữa Israel và Hamas kéo dài từ ngày 7-10 đến nay.

Lãnh đạo ba nước Canada, Úc, New Zealand cũng ra tuyên bố chung nhấn mạnh "cái giá của việc đánh bại Hamas không thể là nỗi thống khổ triền miên của mọi người dân Palestine", theo Reuters.

Tại Gaza, Israel tiếp tục tập trung không kích vào thành phố Khan Younis ở miền nam. Trong khi đó, một số quan chức Mỹ tiết lộ Tel Aviv đang bơm nước biển vào các đường hầm của Hamas.

TRẦN PHƯƠNG

Ông Biden khẳng định tiếp tục hỗ trợ Israel diệt Hamas nhưng cũng sợ dư luận thế giớiÔng Biden khẳng định tiếp tục hỗ trợ Israel diệt Hamas nhưng cũng sợ dư luận thế giới

Tối 11-12, tại tiệc mừng lễ Hanukkah của người Do Thái ở Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Israel trong xung đột tại Dải Gaza.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên