Nguồn: BBC, IISS, Military Balance 2022 - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: T.ĐẠT
Trước đó, ngày 12-5 Tổng thống Phần Lan Sauli Väinämö Niinistö và Thủ tướng Sanna Marin đã ra một tuyên bố khẳng định ủng hộ gia nhập NATO.
Chờ động thái của Thụy Điển
Ở khu vực Bắc Âu, tương tự Thụy Điển, Phần Lan theo chính sách trung lập và không phải là thành viên NATO như Na Uy và Đan Mạch. Tuy nhiên, Phần Lan vẫn duy trì cảnh giác an ninh khi là một trong vài nước châu Âu chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng và vẫn hợp tác chặt chẽ với NATO.
Tuy nhiên, việc Nga tấn công Ukraine đã làm thay đổi chính sách an ninh của Phần Lan và Thụy Điển vì hai nước này không tin Nga và Tổng thống Putin tôn trọng tính trung lập của họ.
Về phía Thụy Điển, Ủy ban Chính sách an ninh và đối ngoại của Chính phủ sẽ họp vào ngày 15-5 về quyết định có xin gia nhập NATO hay không và trình kết luận lên Quốc hội.
Đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng Magdalena Andersson trước đây vẫn phản đối chuyện gia nhập NATO, nay thì có khả năng thay đổi lập trường. Thủ tướng Andersson đã yêu cầu Quốc hội Thụy Điển triệu tập để tranh luận về vấn đề này vào ngày 16-5. Sau đó, Chính phủ có thể đưa ra quyết định mà không cần bỏ phiếu.
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist nói việc gia nhập NATO củng cố khả năng tự vệ tổng thể của khu vực Bắc Âu và sẽ làm giảm nguy cơ bị tấn công cho ba nước vùng Baltic - Estonia, Latvia và Lithuania - cũng như đảo Gotland của Thụy Điển.
Vào ngày 17-5, Tổng thống Phần Lan Niinistö sẽ có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Thụy Điển và sẽ gặp Vua Gustav XVI và Thủ tướng Magdalena Andersson. Giới quan sát dự đoán hai nước sẽ ra thông cáo chung về sự hợp tác và vấn đề gia nhập NATO nhân dịp này.
Phía Nga đã phản ứng mạnh trước tuyên bố gia nhập NATO của Phần Lan. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, cũng là cựu tổng thống và thủ tướng, cho biết Nga "buộc phải tăng cường (an ninh) biên giới" nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Ông Medvedev cũng cảnh báo về khả năng vũ khí hạt nhân có thể được triển khai ở khu vực Baltic do Nga "có thể bị ép buộc bởi hoàn cảnh".
Sau động thái của Phần Lan, phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố "Kế hoạch gia nhập NATO của Phần Lan đặt ra một mối đe dọa và sẽ thách thức an ninh của chúng tôi" và "Nga sẽ phải thực hiện cả quân sự và các biện pháp đối phó khác khi an ninh quốc gia bị đe dọa". Ông Peskov không quên cảnh báo "thế giới sẽ không ổn định, an toàn hơn" sau khi Phần Lan gia nhập NATO.
Điểm yếu thành điểm mạnh
Vùng biển Baltic - điểm yếu nhất trong khối NATO - là một khu vực mang tính chiến lược đối với 9 nước Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Ba Lan, Lithuana, Latvia, Estonia và Nga.
Biển Baltic cũng là nơi Nga đặt hai đường ống Nord Stream 1 và 2 để đưa khí đốt vào châu Âu, thay cho đường ống qua ngả Ukraine. NATO hiện có hơn 1.600 quân đóng tại mỗi quốc gia Baltic. Thủ tướng Estonia trước đó đã kêu gọi một lực lượng 25.000 quân nếu NATO thực sự muốn bảo vệ khu vực này.
Ngày 6-5 vừa qua, Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã bàn giao một tiểu đoàn 750 binh sĩ cho trụ sở NATO tại Latvia để hợp tác với lữ đoàn bộ binh Latvia trong vòng 6 tháng. Trong lễ bàn giao, chuẩn tướng Egils Lescinskis - người đứng đầu Lực lượng Vệ binh quốc gia Latvia - nói với báo chí Đan Mạch rằng thật là ngây thơ khi cho rằng việc Latvia gia nhập NATO đã khiêu khích Nga vì "nếu không có lý do gì để tấn công, họ sẽ tự nghĩ ra".
Từ khi nổ ra cuộc chiến Nga - Ukraine tới nay đã có 2.570 người Latvia đăng ký gia nhập Lực lượng Vệ binh quốc gia - một con số rất đáng kể so với một đất nước chưa tới 2 triệu dân và một lực lượng vệ binh 8.000 người.
Sự mở rộng của NATO tại vùng Baltic - điều Nga và Putin không muốn - có lẽ là một trong những hậu quả lớn nhất của việc Nga tấn công Ukraine.
Cuộc chiến đã khiến các nước tại vùng Biển Baltic và các nước Bắc Âu nói chung hướng tới việc liên minh để đảm bảo khả năng phòng thủ tập thể, và như lời Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói, là để "Bắc Âu có tiếng nói mạnh hơn trong chính sách an ninh tại châu Âu".
Vấn đề hiện nay là Nga sẽ đáp trả, nhưng chưa ai dám nói chắc ông Putin sẽ làm gì.
"Biển Baltic trở thành biển NATO"
Sau khi Phần Lan tuyên bố sẽ nộp đơn gia nhập NATO, ngoại trưởng của các nước Baltic đã lên tiếng hoan nghênh động thái này, đồng thời cho biết sẽ tìm cách để Phần Lan trở thành thành viên của NATO càng sớm càng tốt.
Các nước vùng Baltic là 3 quốc gia nằm sát cạnh nhau gồm Latvia, Estonia và Litva (Lithuania). Ba quốc gia này là nước láng giềng với Nga và Phần Lan.
"Biển Baltic trở thành biển NATO" - tờ Financial Times dẫn lời Ngoại trưởng Latvia Edgar Rinkevics nói.
Các ngoại trưởng cho biết 3 nước Baltic và NATO sẽ được hưởng lợi từ quân đội mạnh mẽ của Phần Lan, đặc biệt là đội chiến đấu cơ Mỹ của nước này. Tuy nhiên, cả 3 quốc gia này đều muốn NATO tăng cường hiện diện tại khu vực hơn nữa đồng thời nâng cấp khả năng phòng không để đối phó các nguy cơ xâm nhập không phận tiềm năng từ Nga.
MINH KHÔI
Cam kết của NATO
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cam kết là Thụy Điển và Phần Lan sẽ được xem là có tư cách thành viên kể từ thời điểm nộp đơn xin gia nhập và sẽ được đảm bảo an ninh trong giai đoạn chờ xét duyệt (khoảng từ 1 tới 2 năm).
Điều 5 - nền tảng của Hiệp ước NATO và thường được gọi là "Lời thề của người lính ngự lâm" - quy định một cuộc tấn công vào một nước thành viên NATO là tấn công vào cả liên minh. Do đó, các quốc gia khác có nghĩa vụ hỗ trợ bảo vệ quốc gia bị tấn công, bao gồm cả việc sử dụng vũ trang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận