Trên tài khoản Twitter, lính tình nguyện Đài Loan này đã kể lại câu chuyện thực tế về thời gian chiến đấu ở Ukraine cũng như tác động tâm lý của sự đau đớn và căng thẳng từ các trận chiến. Câu chuyện được tờ Eurasian Times dẫn lại ngày 12-6.
Đây là góc nhìn hiếm hoi của một cá nhân về xung đột ở Ukraine và cho thấy bức tranh khác với những gì mà Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay các lãnh đạo Ukraine tuyên bố.
Tình nguyện viên này chiến đấu trong lực lượng Quân đoàn quốc tế bảo vệ lãnh thổ của Ukraine (ILDU).
Gian khổ
Bắt đầu với vấn đề tài chính, tình nguyện viên cho biết mình phải trả chi phí di chuyển (đến và đi từ Ukraine) và thiết bị chiến đấu, bao gồm mũ bảo hiểm, áo lót, ủng, ống ngắm, phụ kiện súng, đèn pin, tai nghe, băng đạn bổ sung, kính nhìn ban đêm và thiết bị chụp ảnh nhiệt.
Tất cả lên đến 10.000 USD. Ngôn ngữ cũng rất quan trọng, trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất ngoài tiếng Nga và tiếng Ukraine.
Ngoài ra, người này còn phải đảm bảo "năng lực thể chất", một yếu tố quan trọng và khác với sức mạnh thể chất đơn thuần, có thể vượt qua các đợt huấn luyện chiến đấu cơ bản và căng thẳng thể chất trong thời gian ngắn.
Sức chịu đựng và khả năng phục hồi tâm lý giúp anh ta vượt qua cơn đói và thiếu ngủ, mang vác ít nhất 30kg trọng lượng chiến đấu trong khi tham gia các cuộc giao tranh dữ dội liên tục từ 10 đến 12 giờ.
Đó là chưa kể đến các hoạt động không liên quan đến chiến đấu như "trèo qua tường, cửa sổ, chạy (và đi bộ qua) vài km bùn, rừng, đống đổ nát".
Trong khi đó, các kỹ năng chiến đấu cũng không chỉ đơn giản là sử dụng một loại vũ khí, mà phải đa dạng như tên lửa Javelin, tên lửa chống tăng NLAW, rocket AT-4, C90, MATADOR, M72, súng phóng lựu RPG...
Tuy nhiên theo tình nguyện viên Đài Loan, phía Ukraine chỉ đào tạo sử dụng vũ khí cơ bản. Còn các kỹ năng như đọc, vẽ bản đồ, liên lạc vô tuyến hay sơ cứu là điều đương nhiên cần có.
Sức ép tâm lý
Trong câu chuyện, tình nguyện viên Đài Loan cũng cho biết cần sức mạnh tinh thần để vượt qua nỗi đau và sự tiếc thương khi mất đi đồng đội của mình và tránh mắc chứng "mệt mỏi khi chiến đấu" mà những người lính trên khắp thế giới thường trải qua.
Nếu bị thương hoặc chết, các tình nguyện viên sẽ không được bồi thường như binh lính chính quy.
Tệ hơn, ngay từ đầu cuộc chiến, Nga đã tuyên bố rằng lính tình nguyện sẽ không được coi là tù binh chiến tranh theo Công ước Geneva.
Do đó họ sẽ bị truy tố theo luật chống khủng bố và an ninh quốc gia có liên quan nếu bị bắt sống.
Cuối cùng, tình nguyện viên Đài Loan nói trên đề cập đến những tình huống căng thẳng đến mức ngay cả những người lính dày dặn kinh nghiệm chiến đấu nhất cũng phải "hoảng sợ" và "suy sụp", gồm nhiều "binh lính chuyên nghiệp từ châu Âu và Mỹ".
Thiếu ngủ, đạn pháo nã liên tục, những lúc bế tắc phải giữ chiến hào trong thời gian dài, phải chứng kiến cái chết của đồng đội cũng gây ra tác động tâm lý lớn.
Tình nguyện viên Đài Loan cho biết đơn vị của mình có tỉ lệ bị thương là 50% và tỉ lệ tử vong là 20%. Trong đó, trung đội của anh ta gần như "bị xóa sổ hai lần". "Nó không đẹp chút nào, và chiến tranh chẳng liên quan gì đến sự lãng mạn", người lính tình nguyện kết luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận