Chiến sự Ukraine: Cấp độ leo thang mới?

TƯỜNG ANH 08/02/2023 07:32 GMT+7

TTCT - Trong khi nhiều nước châu Á đón Tết âm lịch Quý Mão, các diễn biến trên chiến trường lẫn chính trường đang dấy lên lo ngại về một cấp độ leo thang mới ở Ukraine.

Theo kênh Telegram Rybar (hơn 1 triệu đăng ký) của nhà phân tích quân sự Nga M. Zvinchuk ngày 28-1, chỉ vài ngày sau thông báo chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25-1 về việc cung cấp xe bọc thép hạng nặng cho lực lượng vũ trang Ukraine, một thê đội lớn xe tăng và khí tài đã xuất hiện ở biên giới Ba Lan - Ukraine. 

Hàng chục phương tiện khác nhau, gồm một số xe Abrams (có thể là M1A2), xe bọc thép M88, hệ thống rà phá bom mìn từ xa M-58 MICLIC và một số loại vũ khí khác nhau, đã được ghi nhận.

Nguồn: Svezhesti

Nguồn: Svezhesti

Xe tăng châu Âu trên đường đến Ukraine

Tất cả xe tăng, xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh sẽ được chuyển đến các cơ sở huấn luyện khác nhau khắp Ukraine, nơi các đơn vị mới được huấn luyện thuộc các quân đoàn được thành lập chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công quy mô lớn, dự kiến diễn ra vào mùa xuân tới.

Kênh Rybar dẫn các nguồn tình báo cho biết tuyên bố của giới lãnh đạo NATO rằng tất cả các thiết bị phải được chuẩn bị trước khi được gửi đi và nhân viên phải được đào tạo, "chỉ là một phần sự thật". 

Từ cuối hè và đầu mùa thu vừa qua, một số binh sĩ Ukraine đã được đào tạo để sử dụng xe tăng hiện đại. Ngày 29-1, Đài Nga RIA Novosti dẫn tin Bộ Quốc phòng Anh cho biết các ê kíp tăng thủ Ukraine đã đến Anh để được huấn luyện với xe tăng Challenger 2.

Đại sứ Ukraine tại Pháp Vadym Omelchenko cho biết các nước NATO - cụ thể là Mỹ, Anh, Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha và nhiều nước châu Âu khác - sẽ cung cấp cho Ukraine tổng cộng 321 xe tăng. 

Phần lớn sẽ là Leopard 2 của Đức, Abrams của Mỹ (dự kiến 31 chiếc, tức 1/10 tổng số lượng cung cấp) và Challenger của Anh. Riêng Ba Lan sẽ gửi tới Ukraine 60 xe tăng PT-91 Twardy (dựa trên mẫu T-72M1 của Liên Xô).

Theo cổng thông tin topwar.ru, con số hơn 300 xe tăng không phải là quá ít, mặc dù ít hơn đáng kể so với số lượng xe tăng mà Ukraine sở hữu ban đầu (hàng nghìn chiếc). 

Quyết định đảo ngược lập trường trước đây của chính quyền Biden và gửi xe tăng tới Ukraine là một động thái chính trị và quân sự quan trọng.

Topwar.ru bình luận: "Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine ngay lập tức và với số lượng phù hợp. Điều này cho thấy phương Tây không quan tâm nhiều đến thành công của Kiev, mà chỉ muốn kéo dài xung đột. Cuộc giao tranh làm suy yếu nước Nga".

Một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra ở Munich để phản đối việc cung cấp xe tăng Đức cho Ukraine. 

Nghị sĩ liên bang Đức Petr Bystron (đảng cánh hữu AFD) ngày 25-1 tuyên bố với Thủ tướng Olaf Scholz rằng Đức "đã nói lời tạm biệt các điều khoản cơ bản của chính sách đối ngoại thời hậu chiến... Những người tiền nhiệm vĩ đại của ông, Helmut Schmidt và Willy Brandt, đã đặt cược đặc biệt vào hòa bình. 

Khẩu hiệu "Không bao giờ nữa" có nghĩa từ chối cung cấp vũ khí cho các vùng xung đột... luôn là cốt lõi của chính sách đối ngoại của Đức. Ông sẽ đi vào lịch sử với tư cách là thủ tướng đã chà đạp lên di sản đó".

Ngược lại, Jakob Heilbrunn, biên tập viên tạp chí Mỹ The National Interest, trấn an Thủ tướng Scholz, gọi quyết định gửi xe tăng Đức tới Ukraine là "bước ngoặt giúp giải phóng nước Đức khỏi những hạn chế với nước này từ sau Thế chiến II". 

Heilbrunn cũng tuyên bố quyết định này sẽ chấm dứt "sự cai trị chuyên chế" của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trên chiến trường, theo Bloomberg, sau khi Ukraine để mất Soledar hôm 15-1 (ở bắc Donetsk), các cuộc tấn công dữ dội của quân Nga vào Bakhmut đã "làm kiệt quệ các lực lượng Ukraine, phân tán binh lính và làm suy yếu khả năng của Kiev trong việc tiến hành các chiến dịch tấn công ở những nơi khác".

Chiến sự Ukraine: Cấp độ leo thang mới? - Ảnh 2.

Chiến sự Ukraine lại sắp có bước ngoặt mới? Ảnh: AP

Chiến sự kéo dài hay thời khắc quyết định?

Việc phương Tây quyết định chi viện xe tăng cho Ukraine đã đặt vấn đề về tương lai cuộc chiến. Ấn phẩm Strana.ua dẫn lời chuyên gia quân sự Ukraine Konstantin Mashovets tin rằng có thể thành lập ít nhất một lữ đoàn xe tăng từ Leopard không sớm hơn cuối tháng 3. 

Và ít nhất là ba lữ đoàn như vậy sẽ được tổ chức trong tương lai. Sẽ cần phải đào tạo, xây dựng một hệ thống vận hành, sửa chữa và bảo trì nên "sẽ quá sớm nếu vội vã ăn mừng".

Chuyên gia quân sự Nga, tiến sĩ khoa học quân sự Konstantin Sivkov, lưu ý trên Den TV rằng phương Tây coi thất bại có thể xảy ra ở Ukraine là thất bại chiến lược của chính họ, vì vậy với phương Tây, đó là vấn đề sống còn. 

Ông nói tiếp: trong vài tháng trước khi xe tăng phương Tây xuất hiện trên mặt trận, Nga phải có những hành động quyết đoán nhất để đánh bại hoàn toàn Ukraine.

Nhiều chuyên gia tin rằng số xe tăng và vũ khí được chi viện sẽ giúp Ukraine có những bước phản công quyết định từ mùa xuân này. 

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã chuyển đến các đồng cấp EU yêu cầu trục xuất tất cả nam công dân Ukraine từ 18 đến 60 tuổi rời quê hương trong giai đoạn đầu cuộc chiến tới các nước châu Âu, để họ trở về Ukraine thực thi các lệnh động viên. Hiện Latvia và Litva đã đồng ý, theo rf.smi.

Cựu đại biểu Quốc hội Ukraine Oleg Tsarev bình luận trên kênh truyền hình First Sevastopol rằng xe tăng và các loại vũ khí khác mà phương Tây đang và dự định chuyển giao cho Kiev có thể khiến cán cân nghiêng về phía có lợi cho Ukraine, nhưng sẽ không thể xoay chuyển tình thế. 

"Nếu họ muốn lật ngược tình thế, cần giao vài nghìn xe tăng, đưa quân NATO vào", điều mà phương Tây không muốn làm do lo ngại leo thang đạt đến cấp độ mới, liên quan đến sử dụng vũ khí hạt nhân.

Bộ Ngoại giao Nga thì bình luận tất cả các trao đổi về "lằn ranh đỏ" đều trở nên vô nghĩa vì phương Tây đã vạch ra hướng đi cho thất bại chiến lược của Nga, cho sự hủy diệt Nhà nước Nga. Nga cũng thông báo sẽ coi việc sử dụng đạn xe tăng NATO có lõi uranium là bom bẩn.

Người đứng đầu phái đoàn Nga tại cuộc đàm phán ở Vienna về các vấn đề an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí Konstantin Gavrilov phát biểu: 

"Chúng tôi biết xe tăng Leopard 2, xe chiến đấu bộ binh Bradley và Marder được trang bị đạn xuyên giáp phá hoại có lõi uranium, việc sử dụng chúng dẫn đến ô nhiễm khu vực như đã xảy ra ở Nam Tư và Iraq. Nếu Kiev được cung cấp đạn dược đó cho các thiết bị quân sự hạng nặng của NATO, chúng tôi sẽ coi đây là việc sử dụng bom hạt nhân bẩn chống lại Nga, với mọi hậu quả đi kèm". 

Cổng thông tin Ukraina.ru ngày 27-1 bình luận: "Khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân hoàn toàn không phải là ảo tưởng".■

Thụy Điển: rắc rối tiến trình gia nhập NATO

Quyết định của Thụy Điển và Phần Lan hồi tháng 5-2022 xin gia nhập NATO tiếp tục gặp khó khăn. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối và yêu sách hai nước Bắc Âu nhiều việc, bao gồm hợp tác với Ankara chống lại nhóm ly khai Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Mỹ và phương Tây liệt vào diện "tổ chức khủng bố", dẫn độ nhà báo người Thổ lưu vong Bulent Kenes, cũng như nhiều nhân vật người Kurd và những người bị chính quyền Erdogan hiện giờ coi là thù địch với nhà nước về lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 21-1, chính trị gia cực hữu song tịch Đan Mạch - Thụy Điển Rasmus Paludan đốt một bản sao kinh Koran trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm. Một tuần sau, Paludan lại đốt kinh Koran, lần này là tại Đan Mạch. Trong trả lời phỏng vấn Aftonbladet, ông nói sẽ đốt kinh Koran trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ sáu hằng tuần cho đến khi Thụy Điển được gia nhập NATO.

Việc giới chức Thụy Điển tuyên bố "không thể làm gì được, mọi thứ đều nằm trong luật" (với ông Paludan) đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Ả Rập nổi giận. Tại London, người Ả Rập trả đũa bằng việc đốt cờ Đan Mạch. Ankara tuyên bố tạm ngưng đàm phán với Thụy Điển về tiến trình gia nhập NATO của nước này đến sau bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ (dự kiến vào tháng 5-2023).

Không đợi lâu, ngày 28-1, chính Stockholm tuyên bố tạm ngưng tiến trình đàm phán gia nhập NATO. Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nói ông hy vọng đàm phán có thể nối lại sau Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7.

Sự lưỡng lự của Đức

Thủ tướng Đức Olaf Scholz rơi vào thế "trên đe dưới búa" trong cuộc tranh cãi cung cấp xe tăng cho Ukraine: Kiev từ lâu đã hối thúc việc chuyển giao, nhưng Berlin từ chối vì lo ngại khiến chiến sự leo thang, vì chính sách đối ngoại chủ hòa của Đức từ sau Thế chiến II và cả nỗi lo chiến tranh hạt nhân với Nga.

Nhưng trên thực tế, Đức vốn đã cung cấp vũ khí tấn công cho Ukraine rồi, bao gồm pháo hạng nặng, bệ phóng tên lửa và xe bọc thép Marder. Đức cũng là một trong những nước bán vũ khí lớn nhất thế giới, xếp hạng 4 toàn cầu vào năm 2021 với doanh số 9,35 tỉ euro (gần một nửa là bán cho Ai Cập). Xe tăng Leopard 2 của họ cũng là mẫu hàng chủ lực cho nhiều quân đội NATO, với hơn 2.000 chiếc đang được sử dụng khắp châu Âu.

Tình hình thêm phức tạp khi Bộ Quốc phòng Đức vừa phải thay bộ trưởng sau một loạt bê bối hình ảnh cũng như quản trị. Cựu bộ trưởng Christine Lambrecht bị cáo buộc bất lực trong công tác cải thiện nguồn cung cấp trang thiết bị và khí tài cho các lực lượng vũ trang Đức.

Ông Scholz trước đó cũng ra điều kiện Đức chỉ chuyển xe tăng Leopard cho Ukraine nếu Mỹ chịu chuyển xe tăng M1 Abrams của họ. Những tranh cãi qua lại này là bằng chứng cho thấy NATO vẫn thiếu chiến lược nhất quán cho cuộc chiến và các tuyên bố nảy lửa của họ sẽ là không đủ để giúp Ukraine lấy lại lãnh thổ đã mất.

"Nếu NATO nghiêm túc muốn cuộc chiến thắng lợi..., họ sẽ cần một kế hoạch chi tiết hơn nhiều để cung cấp cho Ukraine mọi hỗ trợ cần thiết để nước này chiến thắng, đại diện cho phương Tây", trang The Conversation nói thẳng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận