Chiến sự ở Gaza: Nguy cơ mất kiểm soát

DANH ĐỨC 07/11/2023 14:48 GMT+7

TTCT - Cuộc chiến ở Dải Gaza có thể leo thang đến mức nguy hiểm nếu Israel mở một chiến dịch tổng lực trên bộ.

Tối chủ nhật 29-10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ra tuyên bố chung với Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Bộ trưởng Không bộ (phụ trách liên lạc giữa các đảng liên minh) Benny Gantz loan báo bộ binh Israel đã đổ vào Dải Gaza, mà mục đích tối hậu là để tiêu diệt khả năng quân sự và cầm quyền của Hamas, đồng thời đưa các con tin về.

"Đây là giai đoạn hai của cuộc chiến, có mục tiêu rõ ràng: Hủy diệt khả năng quản lý và quân sự của Hamas, đồng thời đưa những người bị bắt trở về nhà. Chúng tôi đã nhất trí đưa ra quyết định mở rộng các hoạt động trên bộ, cả trong nội các chiến tranh và nội các an ninh", tuyên bố chung viết.

Israel quyết tâm mở chiến dịch trên bộ tấn công Gaza. Ảnh: The Cradle

Israel quyết tâm mở chiến dịch trên bộ tấn công Gaza. Ảnh: The Cradle

Nội tình Israel

Nội các chiến tranh của Israel được thành lập sau cuộc tấn công của Hamas hôm 7-10 qua thỏa thuận giữa ông Netanyahu và thủ lãnh phe đối lập có quan điểm ôn hòa Gantz. 

Theo đó, một chính phủ đoàn kết khẩn cấp được thành lập, với nhiệm vụ chỉ bao gồm những chính sách hoặc luật liên quan đến cuộc giao tranh đang diễn ra với Hamas ở Gaza, chớ không gồm bất kỳ vấn đề nào khác. Trong nội các chiến tranh, còn có Bộ trưởng Quốc phòng Gallant và hai quan sát viên.

Còn nội các an ninh gồm những nhân vật có đường lối cứng rắn khác, không phải là thành viên nội các chiến tranh, song cũng là các bộ trưởng chính phủ đóng vai trò điều hành nỗ lực chiến tranh. 

Đứng đầu sẽ là ông Bezalel Smotrich, bộ trưởng Tài chính theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phản đối chủ quyền của người Palestine và kêu gọi cai trị Israel theo luật Do Thái. Ngoài ra còn có ông Itamar Ben-Gvir, bộ trưởng An ninh quốc gia và là một trong những tiếng nói cực đoan nhất trong chính phủ. 

Theo giáo sư Amichai Cohen, chuyên gia về Luật An ninh quốc gia tại Viện Dân chủ Israel, trên lý thuyết, một số quyết định quan trọng, chẳng hạn như có đồng ý ngừng bắn không, có thể cần sự chấp thuận của nội các an ninh.

Việc ông Netanyahu "đứng chung" tuyên bố với hai ông Gallant và Gantz đầy ý nghĩa với một thủ tướng Israel đang bị chống đối kịch liệt. Cách đây 7 tháng, hôm 26-3, ông Gallant đã bị ông Netanyahu cách chức vì lên tiếng phản đối các kế hoạch sửa đổi luật của Israel do ông Netanyahu chủ trương nhằm hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao. 

Cụ thể, dự luật cho phép Quốc hội thông qua các luật mà Tòa án Tối cao đã bác bỏ nếu đạt được 61/120 phiếu, mà trong Quốc hội Israel hiện giờ, khối đảng phái cánh hữu của ông Netanyahu đã chiếm 64 ghế rồi, tức hành pháp sẽ có quyền phủ nhận Tòa án Tối cao. Chuyện này liên quan tới ba bản cáo trạng nhắm vào ông Netanyahu đang nằm trong hệ thống tòa án.

Nay ông Netanyahu thỉnh ông Gallant và Gantz cùng chung tuyên bố chiến tranh ở Gaza là nhằm cho thấy hình ảnh quân đội nhất trí với giới lãnh đạo chính trị, và bản thân giới lãnh đạo chính trị đã dẹp qua khác biệt để nhắm đến kẻ thù chung.

Hơn thế nữa, vấn đề không chỉ là chính trị, ông Netanyahu còn cần sự cố vấn của hai viên tướng lão luyện Gallant và Ganz. 

Bộ trưởng Quốc phòng Gallant từng chiến đấu ở nhiều mặt trận trước khi lên nắm sư đoàn Gaza, rồi sư đoàn cơ giới dự bị 340, tư lệnh quân khu Nam Israel, tức khu vực xung đột hiện nay, trước khi giữ chức tổng tham mưu trưởng, rồi bộ trưởng Quốc phòng. 

Còn ông Gantz từng chỉ huy chiến dịch Solomon năm 1991 đưa 14.500 người Do Thái sinh sống ở Ethiopia hồi hương bằng cầu không vận, trước khi làm tư lệnh lực lượng Israel chiếm đóng Nam Lebanon và chỉ huy cuộc triệt thoái về nước vào năm 2000. Ông cũng chính là người tiền nhiệm của ông Gallant ở Bộ Quốc phòng.

Cả hai viên tướng đều kinh qua nhiều chức trách, nắm rõ Dải Gaza và quân khu Nam. Sự xuất hiện của bộ ba Netanyahu, Gallant và Gantz chính là "bảo chứng tình đoàn kết" nhằm huy động ngay 30.000 quân dự bị để ngay từ hôm 7-10, khởi sự chiến tranh, không quân Israel đã đủ phi công và nhân viên kỹ thuật để mỗi ngày tung ra mấy trăm phi vụ không kích Dải Gaza.

Từ trái sang: các ông Gantz, Gallant, và Netanyahu. Ảnh: globes.co.il

Từ trái sang: các ông Gantz, Gallant, và Netanyahu. Ảnh: globes.co.il

Tìm và diệt

25 ngày qua, tính tới 31-10, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã chủ yếu tìm và diệt, cơ bản bằng phi pháo, không loại trừ có những lúc không trúng các mục tiêu quân sự, nên hay bị tố cáo là sát hại dân thường. 

Hãng tin PNN của Palestine hôm 30-10 loan tin: "Quân đội chiếm đóng của Israel đã thả hơn 18.000 tấn chất nổ xuống Dải Gaza kể từ khi cuộc xâm lược của họ bắt đầu cách đây 24 ngày". 

Tính ra, tương đương với sức mạnh của quả bom hạt nhân được thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản, và tương đương 50 tấn chất nổ đã được thả trên mỗi km2 ở Dải Gaza, hậu quả là 10.000 người đã thiệt mạng.

Phúc trình của Tổ chức Atlantic Council 27-10 đặt câu hỏi: "Đây là màn kết thúc hay chỉ là sự khởi đầu?". 

Phúc trình thuật rằng hôm 24-10, phía Israel thông báo họ đang "mở rộng" hoạt động trên bộ ở Gaza, với mục tiêu tiêu diệt Hamas. Kể từ đó, Israel đã không kích Gaza và hàng trăm nghìn binh sĩ IDF đã tập trung ở biên giới, chuẩn bị cho một cuộc xâm lược trên bộ. 

Phúc trình nhận định: "Khi thương vong và tàn phá gia tăng, áp lực quốc tế lên Israel sẽ gia tăng để yêu cầu ngừng bắn - nhưng khao khát bên phía Israel tiến hành một chiến dịch quy mô cực đại đến nay vẫn không hề lay chuyển. Những tiếng nói bên cánh tả vốn thường đòi ngừng bắn gần như tắt tiếng hoàn toàn".

Từ nhận xét của Atlantic Council, có thể mượn vụ Bệnh viện al-Shifa - bệnh viện lớn nhất ở Gaza - nơi được cho là có 40.000 người trú ẩn, nhưng quân đội Israel trong nhiều thập niên vẫn nhất định cho là trung tâm chính của Hamas. Israel cáo buộc Hamas sử dụng dân thường làm lá chắn sống. (Phe Hamas bác bỏ).

Trên thực tế, IDF có tìm và diệt một cách chọn lọc. Như tin về một cuộc không kích qua đêm thứ hai ở phía bắc Dải Gaza mà theo họ đã giết chết chỉ huy Tiểu đoàn Beit Lahiya của Hamas, Nisam Abu Ajina. 

Theo IDF, Abu Ajina chịu trách nhiệm chỉ huy quân Hamas thực hiện vụ tấn công đẫm máu tại các kibbutz Erez và Netiv Ha'asara ngày 7-10 bằng máy bay không người lái và dù lượn. "Việc loại bỏ người này là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của nhóm khủng bố Hamas nhằm làm gián đoạn các hoạt động trên bộ của IDF (ở Gaza)", tuyên bố của IDF viết.

Vấn đề là nếu tình hình còn leo thang, không biết các phe phái khác có chịu ngồi yên hay không. Trong ngày 31-10, đã có dấu hiệu mới cho thấy có thể có sự đe dọa từ bên ngoài. 

"Sáng sớm hôm nay, một tên lửa đất đối đất đã được bắn về phía lãnh thổ Israel từ khu vực Biển Đỏ và đã bị hệ thống phòng không Arrow đánh chặn thành công. Các máy bay chiến đấu cũng được điều động để ngăn chặn mối đe dọa trong khu vực. Không có cuộc xâm nhập nào được xác định vào lãnh thổ Israel", IDF đưa tin.

Ảnh: Wikipedia

Ảnh: Wikipedia

Biển Đỏ tức biển nằm giữa Saudi Arabia và Ai Cập, dẫn tới kênh đào Suez. Phía nam Saudi Arabia là Yemen, nơi có phe nổi loạn Houthi được Iran hậu thuẫn. Truyền hình Al Jazeera loan tin phe Houthi lên tiếng cho biết đã phóng một loạt máy bay không người lái và tên lửa tới thành phố nghỉ mát ven biển Eilat của Israel. Israel thì cho biết đã phá hủy một mục tiêu trên không trên Biển Đỏ.

Về việc này, hãng tin mạng Amwaj trụ sở tại London, chuyên đưa tin về Iran, Iraq và khu vực bán đảo Arab, chạy tít: "Phong trào Ansarullah của Yemen (tức phe nổi loạn Houthi) trên thực tế đã tuyên chiến với Israel". Những lo ngại tình hình trở nên mất kiểm soát, do đó, là hoàn toàn có cơ sở.■

Độc đáo hệ thống quân dự bị Israel

Đề đốc Daniel Hagari, người phát ngôn của IDF, cho biết Israel đã gọi nhập ngũ 300.000 quân dự bị để chuẩn bị cho cuộc tấn công Gaza. 300.000 quân dự bị được huy động là một con số lớn ở đất nước chỉ 9 triệu dân và lực lượng hiện dịch IDF chỉ gồm khoảng 170.000 người (130.000 bộ binh, 10.000 hải quân, 30.000 không quân, theo CIA World Factbook 2023).

Tờ The Times of Israel cũng đưa ra con số 300.000 và nhắc lại rằng trong trận chiến Kippour 1973, Israel đã huy động 400.000 quân. Tuy nhiên, đây chưa phải con số cuối cùng. Hai ngày sau, Reuters 12-10 loan báo Israel huy động 360.000 quân và công dân Israel từ khắp thế giới đã hồi hương để nhập ngũ.

Có thể nói trong vòng không đầy một tuần lễ, toàn bộ đất nước Israel đã chuyển sang hình thái chiến tranh, từ chính quyền cho tới dân chúng. Hãng tin JTA 12-10 bình luận: "Bốn ngày sau khi Hamas phát động cuộc tấn công..., hầu hết người Israel được chia làm hai nhóm: chiến đấu và hỗ trợ chiến đấu".

Có những kiều dân Israel ở Los Angeles (Mỹ) đã quyên góp cả xe áo giáp chống đạn gửi về nước, cho dù Bộ Quốc phòng Israel đã thông báo quân đội không thiếu trang thiết bị.

Nghiên cứu "Israel, chính sách trừ bị của các quốc gia: Phân tích so sánh" của Học viện Chiến tranh lục quân Mỹ, cho biết số quân nhân hiện dịch của Israel có lúc ít hơn nhiều so với số dự bị - vốn chiếm đến 75% lực lượng vũ trang nước này.

Cho đến tháng 10-2005, khoảng 95% quân dự bị được giao các hoạt động an ninh và cảnh sát ở các khu vực chiếm đóng (trạm kiểm soát, tuần tra các điểm xâm nhập biên giới và canh gác các khu định cư Do Thái ở vùng lãnh thổ chiếm đóng...).

Đến cuộc chiến Lebanon lần thứ nhì năm 2006, Israel đã huy động 30.000 quân dự bị cho nhiệm vụ chiến đấu khẩn cấp trong một cuộc chiến tranh quy ước với đầy đủ xe tăng, pháo binh (lực lượng dự bị mất 117 người).

Có thể thấy việc triển khai một cuộc chiến trên bộ tại Gaza không chỉ đơn giản là tìm và diệt. Số quân dự bị đông tới 360.000 người được gọi nhập ngũ lần này cho thấy điều đó. Ở Gaza hiện đang có ít nhất 2,3 triệu người với tình hình an ninh hết sức phức tạp.

Nếu Israel bình định xong Gaza mà Hamas vẫn trà trộn, thì quân dự bị sẽ là lực lượng then chốt để đảm bảo an ninh. Vấn đề là trong quá khứ, vào năm 2002 từng có một nhóm khoảng 100 binh sĩ dự bị làm nhiệm vụ cảnh sát tại Gaza và Bờ Tây phản kháng, tạo ra một phong trào.

Hầu hết người dân Israel, sau 2-3 năm phục vụ trong lực lượng chính quy, gia nhập quân dự bị ngay lập tức. Mỗi năm tuyệt đại đa số nam nữ quân nhân dự bị đều trải qua khoảng 1 tháng đào tạo cho đến khi bước sang tuổi 40.

Chính sách quân dự bị này đã được hình thành từ đầu những năm 1950, sau khi tổng tham mưu trưởng IDF lúc đó là tướng Yigael Yadin sang nghiên cứu và học tập mô hình của Thụy Sĩ rồi về triển khai ở Israel.

Do về mặt địa lý, Israel quá "mỏng" bề ngang, nên dễ bị tấn công bất ngờ. Trải qua nhiều cuộc chiến, Israel đã đảm bảo rằng quân nhân dự bị của họ luôn sẵn sàng có mặt ở đơn vị và nhận quân trang, vũ khí trong chỉ từ 24 - 48 giờ sau khi được gọi.

Công việc gọi nhập ngũ như vậy đã được "IBM hóa" từ cuối những năm 1960, và nay còn tinh vi hơn. Kế hoạch chi tiết đến mức một số ngành có quy định riêng, tỉ như lực lượng dự bị của Không quân sẽ trình diện ngay trong vài giờ sau một cuộc tấn công bất ngờ, và nhận lệnh bay tức khắc.

Vì lý do này, IDF yêu cầu phi công dự bị đảm bảo số giờ bay tối thiểu mỗi người hằng tháng để duy trì sự sẵn sàng chiến đấu.

Yêu nước, nhanh chóng nhập ngũ là một lẽ, nhưng cơm áo gạo tiền cũng là vấn đề mà chính phủ phải đáp ứng cho được để công dân yên tâm tư tưởng. Năm 1996, Viện Bảo hiểm quốc gia chi trả trực tiếp cho người sử dụng lao động, để những người này tiếp tục trả lương bình thường cho quân nhân dự bị được trưng tập.

Viện cũng bồi thường cho người lao động tự do lên tới số tiền tối đa được quy định. Theo thời gian, gánh nặng tài chính trở nên quá lớn, nên Israel sau này có chính sách giảm quân dự bị từ 75% tổng quân số xuống còn khoảng 20%.

HỮU NGHỊ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận