Tuần hành phản đối chiến tranh Ukraine ở Tokyo - Ảnh: Getty Images
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine không chỉ diễn ra trên mặt trận quân sự vì phương Tây đã biến nó thành cuộc chiến cả mặt trận kinh tế, tài chính và chính trị.
Một chiến thắng quân sự nhanh chóng ở Ukraine được kỳ vọng sẽ giúp ông Putin đạt được chiến thắng về mặt chính trị: NATO phải từ bỏ tham vọng mở rộng về phía Đông, cũng như dập tắt hy vọng của Ukraine muốn ngả về phương Tây hay ít nhất cũng thay đổi chính quyền Tổng thống Zelensky.
Tuy nhiên, căn cứ các thông tin trên thực địa, có vẻ như kế hoạch tiến nhanh, thắng nhanh ở Ukraine của ông Putin chưa thành công như mong đợi.
Cho đến nay quân lính Nga đã chưa thể giành được toàn quyền kiểm soát các địa điểm xung yếu ở Ukraine, bất chấp những mũi tiến công trên khắp đất nước.
Do đó, mọi thứ vẫn còn nằm ở đường chân trời khi đối thủ chính của ông Putin hiện nay không chỉ là chính quyền của Tổng thống Ukraine Zelensky cũng như đại bộ phận người dân Ukraine, mà còn là khối liên minh quân sự hợp tác Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).
NATO và EU cấp tập viện trợ vũ khí và các thiết bị hậu cần cho Ukraine. Nói một cách khác, trong chiến sự ở Ukraine, ông Putin đang một mình chống lại cả phương Tây.
Khi kịch bản giải pháp quân sự bằng chiến tranh theo quy ước thông thường không còn hiệu quả nữa, ông Putin đã đẩy căng thẳng lên một mức mới bằng chính sách bên miệng hố chiến tranh hạt nhân.
Hôm 27-2, ông Putin đã ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân của Nga đặt trong tình trạng báo động cao nhất nhằm đáp trả các tuyên bố mà ông cho là "gây hấn" của NATO, cũng như các lệnh trừng phạt tài chính cứng rắn của phương Tây đối với quốc gia của ông.
Tuy nhiên, động thái "răn đe hạt nhân" của Nga khiến phương Tây đoàn kết hơn.
Ngoài Mỹ, Anh, Pháp đã lên tiếng viện trợ vũ khí cho Ukraine, nước Đức vốn giữ một chính sách khá thân thiện với Nga trong vài thập niên qua cũng phải từ bỏ chính sách không xuất khẩu vũ khí sát thương cho các khu vực xung đột, cũng như ủng hộ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng Nga.
Thậm chí quốc gia trung lập Thụy Điển cũng bắt đầu gửi viện trợ quân sự tới Ukraine bao gồm 5.000 quả rocket chống tăng cũng như khẩu phần ăn cho binh sĩ và áo giáp.
Các quốc gia khác như Hà Lan, Bỉ, Canada, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Romania, Czech đều tuyên bố giúp đỡ viện trợ quân sự cho Kiev.
Còn bà Ursula Von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), tuyên bố vào hôm 27-2, "Ukraine giống như một phần của chúng tôi và chúng tôi muốn họ vào EU".
Ông Putin vẫn muốn giữ "cửa trên" khi tổ chức cuộc đàm phán ngừng xung đột ở Belarus, một quốc gia láng giềng đồng minh của Nga. Cuộc hội đàm giữa hai bên được xem là cách để hai bên có thể tạm ngừng bắn, giảm căng thẳng cũng như "mua thời gian" cho các tính toán tiếp theo.
Nếu hai bên chưa đạt được mục tiêu đề ra trong cuộc đàm phán ở Belarus, kịch bản khả dĩ nhất là giao tranh sẽ tiếp tục kéo dài.
Nguy hiểm hơn, kịch bản một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba hay một cuộc chiến tranh hạt nhân vẫn không thể loại trừ vì không ai biết ông Putin đang nghĩ gì, trong bối cảnh phương Tây liên tục gia tăng sức ép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận