Thiếu tá Nguyễn Phúc Chiến và trẻ em ở bản Sàng Chải - Ảnh: Q.THẾ |
“Với tôi, Mường Khương, Tả Gia Khâu là nhà. Nhìn những đứa trẻ ngày đông chỉ còn mấy độ C co ro trong bộ quần áo mỏng dính, thiếu cái ăn, chúng tôi luôn muốn góp sức nhỏ bé của mình phần nào giúp đỡ bà con |
Thiếu tá NGUYỄN PHÚC CHIẾN |
Trước đây, đứng ở bản Sàng Chải có thể nhìn thấy trụ sở UBND và trạm xá nhưng nếu trời mưa thì phải đi bộ cả tiếng mới có thể đến nơi.
Từ giờ đưa con đến lớp không lo nữa
Chị Má Seo Doa (35 tuổi) kể có nhiều hôm trời mưa, ngập bùn chị không đi được xe phải cõng con nhỏ tới trường học. Ngày nào vợ chồng chị Doa bận lên nương thì đành để con ở nhà chơi.
Hướng mắt nhìn đoạn đường bêtông, chị Doa phấn khởi: “Có đường hiện đại đi rồi. Từ giờ mình đi chợ, đưa đón con đến lớp không lo nữa”.
Hỏi “tác giả” cho ra con đường, người dân nhắc đến thiếu tá Nguyễn Phúc Chiến (quê huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) công tác tại đồn biên phòng Tả Gia Khâu, kiêm phó bí thư xã Tả Gia Khâu.
Dạy chữ, phổ biến kiến thức chăm sóc gia súc, trồng cây chống hạn, đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu... là những việc anh Chiến đã làm gần 5 năm nay.
Trưởng bản Sàng Chải, anh Sùng Seo Sáng (30 tuổi) nói:
“Thôn mình trước đây còn có một cái tên khác nữa là “thôn đi ủng” vì cứ mưa xuống đường lầy như ruộng. Nhớ cuộc họp bản, nghe lãnh đạo xã thông tin kế hoạch làm đường, ai cũng hào hứng phát biểu cho ý kiến. Đã có đường mới - giấc mơ bao năm của dân bản chúng mình. Cảm ơn cán bộ đã đề xuất đường cho dân”.
Những ngày làm đường dù đã giao cho cán bộ địa chính túc trực tại khu vực đổ bêtông kiểm tra khâu trộn vật liệu xây dựng cho đúng kỹ thuật nhưng thiếu tá Chiến vẫn tới tận nơi dặn dò: “Đá, cát phải sạch mới được trộn bêtông, phải giám sát đổ cho đúng tiêu chuẩn thì chất lượng mới đảm bảo được”.
Khảo sát xong tuyến đường vừa được hoàn thành, anh Chiến xuống từng nhà dân động viên, bắt tay chia sẻ niềm vui với bà con ở bản.
“Không chỉ bản chúng tôi mà đất đai của cả xã này hay bị khô hạn lắm. Nhờ có cán bộ Chiến nên bà con biết cách giữ nước trên nương. Bây giờ ra trung tâm thuận tiện, vụ tới không chỉ sản xuất ngô, thóc đủ cái ăn mà còn phải đặt chỉ tiêu để bán” - anh Sáng cười tươi, kể thêm về thiếu tá biên phòng.
Niềm vui lớn nhất là thấy dân có nhà to
Những năm trước, Tả Gia Khâu được biết đến là xã vùng sâu, biệt lập, kinh tế khó khăn nhất huyện vùng cao Mường Khương. Vào mùa khô, thời tiết khắc nghiệt đến mức hoa màu và cả cây rễ cọc cũng không thể sống được vì thiếu nước.
Nhớ lại trận mưa đá năm 2013, ông Ma Phủ Dình (bản Pạc Tà 2) bảo rằng tất cả các nhà dân trong xã đều bị hư hết mái nhà, hoa màu vườn tược tan nát. Phải mấy tháng sau chính quyền địa phương, người dân mới có thể khắc phục xong.
“Cái nghèo, cái khổ cứ bao vây lấy chúng tôi. Năm nào cũng thiếu cái ăn, cái mặc. Đến người dân ở các bản cũng không tin được sau 3 năm kinh tế xã đã đổi thay như thế này” - ông Dình chỉ tay về những ngôi nhà hai tầng gần trụ sở xã giới thiệu. Từ hộ khó khăn, đến nay gia đình ông Vu, chủ nhân căn nhà, đã có của ăn của để.
Ông bảo nhờ cán bộ Chiến mà ông không thả rông gia súc và biết cách trồng cỏ voi tích trữ thức ăn cho trâu, bò khi mùa đông đến. Học sinh xã Tả Gia Khâu ở độ tuổi đi học tới lớp đạt 98%, người dân ở đây nay ốm không nhờ thầy cúng mà chịu đi bệnh viện, gia đình có người mất không để lâu trong nhà như trước đây.
“Cán bộ còn dạy chúng tôi trồng cây giữ nước rồi thâm canh cây ăn quả, phát triển ớt nổi tiếng của Mường Khương để bán. Dân có đủ quần áo mặc, không đói cái bụng là công của cán bộ” - ông Vu cười tươi.
Một đô thị mới nằm ở bản Pạc Tà 2 với những ngôi nhà hai tầng đang được xây dựng san sát nhau, khang trang dựa vào đỉnh núi. Thiếu tá Chiến cho biết các hộ dân được chuyển tới Pạc Tà 2 là những gia đình sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao hoặc thiếu đất xây nhà.
Ông Lý Xuân Trang (người dân tộc Phù Lá, nguyên bí thư xã Tả Gia Khâu) cho biết: “Làm cán bộ xã mấy chục năm rồi, niềm vui lớn nhất chính là thấy dân có nhà to để ở”.
Xây thêm bể nước sinh hoạt mùa khô Đầu giờ chiều thời tiết ở Tả Gia Khâu chuyển lạnh, chúng tôi rời Pạc Tà 2 băng qua cung đường sương mù dày đặc để về trung tâm huyện Mường Khương. Thiếu tá Chiến tâm sự: “Đường thông nhưng chưa chủ động được nguồn nước thì dân rất khó có thể sản xuất. Hiện nay các bể tích nước ở bản còn nhỏ, sắp tới tôi sẽ khảo sát để kiến nghị xây thêm bể nước lớn tích trữ cho sản xuất, sinh hoạt vào mùa khô hạn. Không chỉ đối với tôi mà nhiều cán bộ ở vùng cao, niềm vui lớn nhất có lẽ là nhìn thấy dân không còn nghèo nữa”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận